U máu anh đào (Cherry hemangiomas)
U máu anh đào (Cherry hemangiomas)
Lupus là bệnh tự miễn mạn tính, trong đó thể phổ biến nhất là lupus ban đỏ hệ thống (SLE), đây là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh. Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi SLE, nhưng một số thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh này.
1. Các thực phẩm nên dùng
Vì bệnh Lupus là tình trạng viêm nhiễm, nên cần lựa chọn các chất dinh dưỡng có đặc tính điều hòa miễn dịch, chống viêm và chống oxy hóa sẽ giúp cho việc kiểm soát bệnh tốt hơn, bao gồm:
1.1. Cá
Axit béo không bão hòa đa omega-3 là một trong những tác nhân được coi là có đặc tính phòng ngừa và điều trị trong hoạt động bệnh của SLE và các biến chứng liên quan. Axit béo omega-3 được tìm thấy trong các loại cá béo, bao gồm cá hồi, cá mòi và cá ngừ, người bệnh nên ăn cá béo ít nhất hai lần một tuần.
1.2. Rau củ và hoa quảNgười bệnh Lupus nên ăn các loại trái cây và rau quả như: rau bina, rau diếp, cà rốt, quả việt quất, cam… chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol là các hợp chất thực vật tự nhiên giúp chống viêm.
1.3. Các loại sữa tách béo
Do bệnh lupus nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, nên hầu như bệnh nhân lupus không thể nhận vitamin D từ ánh nắng mặt trời, và thêm việc sử dụng corticosteroid dẫn đến việc giảm hấp thu canxi từ đường tiêu hóa cũng như giảm tạo khung protein của xương và giảm gắn canxi vào xương. Chính vì thế, chế độ ăn giàu canxi rất quan trọng để xương chắc khỏe.
Các thực phẩm được làm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành hoặc các loại ngũ cốc nguyên hạt đều chứa rất nhiều canxi
1.4. Vitamin chống oxy hóa (C và E)Các vitamin như C và E có lợi trong điều trị SLE vì đặc tính chống oxy hóa của chúng. Vitamin C hoạt động như một chất điều hòa miễn dịch, giải phóng các chất trung gian chống viêm. Ở những bệnh nhân SLE, việc tiêu thụ vitamin C có liên quan nghịch với hoạt động của bệnh lâm sàng, vì vitamin C làm giảm stress oxy hóa và ức chế sản xuất tự kháng thể. Một số nghiên cứu được thực hiện trên phụ nữ SLE cho thấy việc bổ sung vitamin E đã ngăn chặn quá trình sản xuất kháng thể kháng dsDNA.
Các thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao gồm: Ổi, kiwi, cam, quýt, đu đủ và bông cải xanh.
Các thực phẩm có hàm lượng vitamin E cao gồm: Hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, dầu olive, quả bơ, cá hồi...
1.5. Vitamin nhóm B
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung phức hợp B làm giảm nồng độ homocysteine và giảm độ dày của thành nội mạc động mạch cảnh; do đó, bổ sung phức hợp B có thể là một phương pháp điều trị thay thế cho chứng tăng homocysteine máu ở bệnh nhân SLE. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin B bao gồm: cá hồi, cá mòi, cá trích gan và thịt đỏ, ngũ cốc, bơ, các loại hạt và trứng...
1.6. Coenzyme Q10
Coenzym Q10 (coQ10) là một benzoquinone ưa mỡ đóng vai trò liên quan trong chuỗi vận chuyển điện tử của ty thể. Nghiên cứu cho rằng coQ10 có tác dụng chuyển hóa có lợi và bằng chứng cho thấy rằng nó có thể cải thiện thành phần lipid và giảm tình trạng kháng insulin. Do đó, việc bổ sung coQ10 đã được đề xuất như một phương pháp điều trị thay thế cho chứng rối loạn lipid máu ở bệnh nhân SLE. Các thực phẩm giàu coQ10 gồm: cá hồi, cá mòi, cá ngừ, dầu đậu nành, dầu vừng, quả óc chó, súp lơ....
1.7. vitamin A
Vitamin A (axit retinoic) đóng một vai trò quan trọng trong các phản ứng miễn dịch; các nghiên cứu trong ống nghiệm đã cho thấy tác dụng ức chế mạnh đối với chức năng tế bào Th17. Việc tăng cường hấp thụ retinoids có liên quan đến việc cải thiện bệnh viêm thận lupus và protein niệu. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều vitamin A (>100.000 IU) có liên quan đến thiếu máu, đau đầu, khô da, buồn nôn và thậm chí tử vong. Các thực phẩm giàu vitamin A gồm: dầu gan cá, khoai lang, cà rốt, cà chua, ớt ngọt...
2. Các thực phẩm cần hạn chế
Một số loại thực phẩm có thể làm tăng các triệu chứng bệnh Lupus như:
2.1. Thực phẩm giàu chất béo
Người bệnh lupus ban đỏ thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 2-4 lần và nguyên nhân hàng đầu là xơ vữa động mạch. Việc giảm cholesterol, mỡ máu là một trong những mục tiêu điều trị quan trọng nhất, ngoài ra những thực phẩm này cũng làm tăng tình trạng viêm nhiễm.
Người bệnh cần tránh thực phẩm chứa chất béo bão hòa bao gồm: sữa giàu chất béo, thực phẩm chiên, mỡ động vât, nội tạng động vật, súp và nước sốt có kem, thịt chế biến sẵn (xúc xích, giăm bông, thịt nguội…) và thịt đỏ.
Có thể thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo lành mạnh hơn như: các loại hạt, quả bơ, một số loại dầu như dầu ô liu, đậu nành...
2.2. Muối và thực phẩm chứa nhiều muối
Chế độ ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, đột qụy và các tổn thương trên tim, thận, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người bệnh lupus ban đỏ. Hạn chế lượng muối dung nạp vào cơ thể để hạn chế tình trạng tăng huyết áp, tổn thương tim tiến triển. Chúng ta có thể kiểm soát được khẩu phần muối trong chế độ ăn của mình dưới 6g mỗi ngày, cần kiểm tra hàm lượng muối trên bao bì của các thực phẩm đóng gói sẵn. Người bệnh lupus ban đỏ cần hạn chế muối ăn, nước mắm, mì chính, gia vị nêm nếm cũng như các loại thực phẩm chứa nhiều muối khác như: cà, dưa muối, thịt cá hộp, mì ăn liền....
2.3 Đường
Cơ thể chúng ta sản xuất insulin để xử lý đường, nhưng lượng đường bổ sung quá nhiều buộc cơ thể phải tích trữ thêm năng lượng đó trong các tế bào mỡ và làm mô mỡ bị viêm. Thực phẩm có nhiều đường bổ sung cũng có thể dẫn đến tăng mức độ protein gây viêm. Một số nghiên cứu cho rằng chất làm ngọt nhân tạo như aspartame cũng có thể dẫn đến viêm mạn tính.
3. Các thực phẩm nên tránh
3.1.Tỏi
Tỏi có chứa các thành phần như allicin, ajoene và thiosulfinates có thể gây tăng bạch cầu có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên đối với người bệnh lupus, các chất này có thể kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các phản ứng quá mẫn trên cơ thể có thể dẫn tới đợt cấp.
3.2. Rau linh lăng
Rau linh lăng được nhiều nhà khoa học khuyến cáo không dùng cho người bệnh lupus ban đỏ. Rau linh lăng có thể kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ gây ra các đợt cấp ở người bệnh lupus ban đỏ. Do đó chúng ta nên tránh ăn các thức ăn từ rau linh lăng hoặc mầm rau linh lăng.
3.3 Hút thuốc
Các loại oxy phản ứng trong khói thuốc lá gây ra stress oxy hóa và điều hòa lại các cytokine gây viêm, đóng vai trò liên quan trong rối loạn chức năng nội mô bằng cách giảm khả dụng sinh học oxit nitric. Ở bệnh nhân SLE, hút thuốc có liên quan với các dấu hiệu của xơ vữa động mạch; hút thuốc thậm chí đã được xác định là một yếu tố nguy cơ cho sự tiến triển của vôi hóa động mạch vành.
3.4. Rượu, bia
Rượu, bia có thể khiến hệ thống miễn dịch bị kích thích, các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Sử dụng rượu, bia khi đang điều trị bệnh lupus ban đỏ có thể làm giảm tác dụng thuốc hoặc gây ra các tác dụng không mong muốn.
3.5. Caffein.Người bị lupus ban đỏ nên loại bỏ những loại đồ uống chứa nhiều caffein như cà phê, trà, đồ uống có gas, nước tăng lực… ra khỏi chế độ ăn hàng ngày. Nguyên nhân là vì những loại đồ uống này sẽ làm cơ thể giảm hấp thụ sắt và làm cơ thể thêm căng thẳng.
Kết luận: người bệnh lupus cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị về thuốc, bên cạnh đó thì chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý như: nghỉ ngơi đầy đủ, tránh sang chấn tâm lý và tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Tài liệu tham khảo
1. Lupus erythematosus and nutrition: a review of the literature.
Brown AC.J Ren Nutr. 2000 Oct;10(4):170-83. doi: 10.1053/jren.2000.16323.PMID: 11070144 Review.
2. Omega-3 fatty acids: Current insights into mechanisms of action in systemic lupus erythematosus Salek M, Hosseini Hooshiar S, Salek M, Poorebrahimi M, Jafarnejad S.Lupus. 2023 Jan;32(1):7-22. doi: 10.1177/09612033221140724. Epub 2022 Nov 26.
3. Nuttall, S.L. Cardiovascular risk in systemic lupus erythematosus--evidence of increased oxidative stress and dyslipidaemia. Rheumatology 2003, 42, 758–762. [Google Scholar] [CrossRef][Green Version]
4. Tam, L.S.; Li, E.K.; Leung, V.Y.F.; Griffith, J.F.; Benzie, I.F.F.; Lim, P.L.; Whitney, B.; Lee, V.W.Y.; Lee, K.K.C.; Thomas, G.N.; et al. Effects of vitamins C and E on oxidative stress markers and endothelial function in patients with systemic lupus erythematosus: A double blind, placebo controlled pilot study. J. Rheumatol. 2005, 32, 275–282. [Google Scholar] [PubMed]
5. Albert, C.M. Effect of Folic Acid and B-Vitamins on Risk of Cardiovascular Events and Total Mortality among Women at High Risk for Cardiovascular Disease: A Randomized Trial. JAMA 2009, 299, 2027–2036. [Google Scholar] [CrossRef][Green Version]
6. Zhang, P.; Yang, C.; Guo, H.; Wang, J.; Lin, S.; Li, H.; Yang, Y.; Ling, W. Treatment of coenzyme Q10 for 24 weeks improves lipid and glycemic profile in dyslipidemic individuals. J. Clin. Lipidol. 2018, 12, 417–427.e5. [Google Scholar] [CrossRef]
7. Mottaghi, A.; Ebrahimof, S.; Angoorani, P.; Saboor-Yaraghi, A.A. Vitamin A Supplementation Reduces IL-17 and RORc Gene Expression in Atherosclerotic Patients. Scand. J. Immunol. 2014, 80, 151–157. [Google Scholar] [CrossRef][Green Version]
8. Lavi Arab, F.; Rastin, M.; Faraji, F.; Zamani Taghizadeh Rabe, S.; Tabasi, N.; Khazaee, M.; Haghmorad, D.; Mahmoudi, M. Assessment of 1,25-dihydroxyvitamin D3 effects on Treg cells in a mouse model of systemic lupus erythematosus. Immunopharmacol. Immunotoxicol. 2015, 37, 12–18. [Google Scholar] [CrossRef]
Viết bài: khoa Dinh dưỡng tiết chế
Đăng bài: Phòng Công tác xã hội
Viêm da dạng herpes (Dermatitis herpetiformis - Duhring-Brocq disease)
Phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai hay còn gọi là sẩn, mảng, mày đay và ngứa ở phụ nữ mang thai (pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy- PUPPP) là tình trạng rối loạn viêm lành tính, hay gặp ở phụ nữ mang thai ở những tuần cuối thai kỳ hoặc ngay sau sinh. Trước đây tình trạng này còn được gọi là phát ban nhiễm độc ở phụ nữ mang thai hay phát ban nhiễm độc của Bourner khi mang tha
Bệnh mạch máu dạng mạng lưới (Livedoid vasculopathy)