Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (Inherited epidermolysis bullosa)

Tổng quan

Bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (IEB) là bệnh da bọng nước di truyền hiếm gặp, biểu hiện ở da và niêm mạc, đặc trưng bởi sự hình thành bọng nước sau những sang chấn hoặc ma sát nhẹ.

Nội dung chính

1.   Nguyên nhân

Do đột biến gen mã hoá các protein có vai trò kết nối giữa thượng bì và trung bì, làm cho da dễ bị tổn thương trước các chấn thương cơ học, gây nên các tổn thương bọng nước. Đột biến gen ở 4 nhóm khác nhau tương ứng với 4 thể lâm sàng như sau:

  • Ly thượng bì bọng nước thể đơn giản (EBS): Đột biến keratin 5, keratin 14.
  • Ly thượng bì bọng nước thể vùng tiếp nối (JEB): Đột biến 1 trong 3 dưới tuýp của laminin 332 (α3, β3, γ2).
  • Ly thượng bì bọng nước thể loạn dưỡng (DEB): Đột biến gen quy định collagen tuýp VII.
  • Hội chứng Kindler: Đột biến gen, thiếu hụt protein kindlin-1.

2.   Chẩn đoán xác định

2.1 Tổn thương cơ bản

  • IEB đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện các bọng nước tại vị trí sang chấn, sau chấn thương, bọng nước có thể nông hoặc sâu tuỳ vào vị trí tổn thương tại chỗ nối giữa thượng bì- trung bì.
  • Trợt loét tại vùng da có bọng nước, một số ít có tổn thương tại niêm mạc như miệng, hầu họng, thực quản, khí quản, sinh dục, tiết niệu, mắt, …
  • Một số tổn thương sẹo, teo da, milia.

Cơ năng: Ngứa, đau rát tại tổn thương

Hình 1: Bọng nước trong bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (Nguồn: Overview EIB- AAD

2.2 Thể lâm sàng

2.2.1 Ly thượng bì bọng nước đơn giản(EBS): Là thể bệnh thường gặp nhất, chiếm 75-85% trong tất cả các trường hợp, đặc trưng bởi bọng nước trong thượng bì, khi khỏi không để lại sẹo hay milia, có thể để lại dát tăng sắc tố. Có ít nhất 13 dưới nhóm, trong đó 3 dưới nhóm thường gặp nhất là:

  • Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh thể đơn giản mức độ nhẹ: hay gặp nhất, bọng nước khu trú, chủ yếu ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, kèm tăng tiết mồ hôi tay và chân. Răng, tóc, móng thường bình thường.
  • Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh đơn giản thể lan tỏa mức độ trung bình: Bọng nước lan tỏa ở bàn tay, bàn chân, lành để lại tăng sắc tố, ít gặp teo da và milia. Móng tay có thể dày hoặc loạn dưỡng. Tóc và răng bình thường.
  • Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh đơn giản thể lan tỏa mức độ nặng: Các bọng nước hợp lại thành hình vòng cung dạng herpes có thể ở thân mình, chi trên hoặc cổ, tổn thương niêm mạc miệng thường gặp, hay gặp dày sừng lòng bàn tay và lòng bàn chân, khi tổn thương da lành thường để lại milia và teo da. Thường gặp loạn dưỡng móng và rụng tóc, bệnh nặng lên trong môi trường nóng ẩm. Biến chứng hẹp thanh quản làm tăng tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và suy hô hấp.

2.2.2 Ly thượng bì bọng nước thể tiếp nối (JEB): Hiếm gặp, di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, đặc trưng bởi bọng nước lan toả ở da và niêm mạc, khi lành để lại sẹo, hoặc có khi để lại milia. Tỷ lệ tử vong cao ở thể nặng. Có 2 dưới nhóm thường gặp:

  • Ly thượng bì bọng nước thể tiếp nối lan tỏa mức độ trung bình
  • Ly thượng bì bọng nước thể tiếp nối lan tỏa mức độ nặng

2.2.3 Ly thượng bì bọng nước thể loạn dưỡng (DEB): Di truyền lặn hoặc trội trên nhiễm sắc thể thường, đặc trưng bởi bọng nước khi lành để lại sẹo teo kèm milia. Có 2 dưới nhóm thường gặp:

  • Di truyền trội: Chủ yếu tổn thương da, đặc trưng bởi bọng nước thường xuất hiện ở các chi, trên các khớp đặc biệt là khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, cổ chân, ít gặp tổn thương niêm mạc. Móng dày, loạn dưỡng, rụng tóc, không có lông, không có tổn thương răng.
  • Di truyền lặn: Bệnh thường nặng, tổn thương da để lại sẹo teo, gây co rút mất chức năng bàn tay, ngón tay, rụng tóc sẹo. Tổn thương niêm mạc thường gây sẹo chít hẹp thực quản, thanh quản, tổn thương giác mạc. Các tổn thương có nguy cơ ung thư hoá cao.

2.2.4 Ly thượng bì bọng nước KINDLER (KEB): Rất hiếm gặp, di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, đặc trưng bởi bọng nước ở vị trí vùng da quanh khớp, tăng nhạy cảm ánh sáng, tăng giảm sắc tố. Các tổn thương có nguy cơ ung thư hoá ở tuổi trưởng thành.

Hình 2: Các biểu hiện lâm sàng trong bệnh Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (Nguồn: American Journal of Clinical Dermatology)

2.3 Cận lâm sàng:

  • Mô bệnh học: Hình ảnh bọng nước, tuỳ vào thể bệnh mà vị trí bọng nước xuất hiện khác nhau. Chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.
  • Miễn dịch huỳnh quang: Xác định kháng nguyên tại vùng nối thượng bì- trung bì như BP230, laminin 332, collagen type VII, keratin 14,…
  • Xét nghiệm di truyền xác định đột biến gen
Hình 3: Mô bệnh học với hình ảnh bọng nước dưới màng đáy trong bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (Nguồn: Medcell pathology)

3.   Chẩn đoán phân biệt

  • Pemphigoid bọng nước.
  • Lupus ban đỏ hệ thống thể bọng nước.
  • Ly thượng bì bọng nước mắc phải.
  • IgA bọng nước thành dải.

4.   Điều trị

4.1 Nguyên tắc điều trị

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh. Các phương pháp điều trị hỗ trợ dựa trên nguyên tắc:

  • Chăm sóc vết thương, kiểm soát nhiễm trùng
  • Hỗ trợ dinh dưỡng
  • Phòng ngừa và điều trị các biến chứng

4.2 Điều trị cụ thể

  • Chăm sóc tại chỗ: Tránh chấn thương, bảo vệ vùng da lành bằng kem dưỡng ẩm, chọc hút các bọng nước, điều trị tại chỗ chống nhiễm trùng, băng tổn thương bằng gạc ẩm hoặc gạc chuyên dụng.
  • Giảm đau và ngứa cho bệnh nhân.
  • Điều trị nhiễm trùng nếu có.
  • Dinh dưỡng và nâng cao thể trạng.

4.3 Các phương pháp điều trị mới đang được nghiên cứu

  • Liệu pháp gen
  • Liệu pháp tế bào: liệu pháp nguyên bào sợi và cấy ghép tuỷ xương
  • Liệu pháp tế bào gốc

Tài liệu tham khảo

1. Hou, PC., Wang, HT., Abhee, S. et al. Investigational Treatments for Epidermolysis Bullosa. Am J Clin Dermatol 22, 801–817 (2021).

2. Has C, Bauer JW, Bodemer C, Bolling MC, Bruckner-Tuderman L, Diem A, et al. Consensus reclassification of inherited epidermolysis bullosa and other disorders with skin fragility. Br J Dermatol. 2020;183:614–27.

3. Bardhan A, Bruckner-Tuderman L, Chapple ILC, Fine JD, Harper N, Has C, et al. Epidermolysis bullosa. Nat Rev Dis Prim. 2020;6:78.

4. Osborn MJ, Starker CG, McElroy AN, Webber BR, Riddle MJ, Xia L, et al. TALEN-based gene correction for epidermolysis bullosa. Mol Ther. 2013;21:1151–9

5. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, Bộ Y tế

Người viết: ThS.BS Thái Thị Diệu Vân - phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội