1. Tổng quan
Hội chứng miệng bỏng rát (Burning mouth syndrome - BMS) là tình trạng thường được mô tả là cảm giác bỏng rát, dị cảm hoặc ngứa ran trong miệng có thể xảy ra hàng ngày trong nhiều tháng hoặc lâu hơn. Có thể kèm theo khô miệng hoặc thay đổi vị giác.
Bệnh có tỉ lệ gặp chiếm 1,73% dân số, hay gặp hơn ở nữ giới với tỉ lệ nữ/nam là 3/1. Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh chiếm ưu thế. Tỉ lệ bệnh tự khỏi sau 5 năm chiếm 3%.
BMS có thể gặp ở nhiều chuyên khoa khác nhau như: răng hàm mặt, da liễu, thần kinh, tiêu hóa… Hiện nay chưa có thống kê số liệu bệnh nhân gặp tình trạng trên đến với chuyên khoa da liễu. BMS có thể khó chẩn đoán và bác sĩ sẽ cần loại trừ các tình trạng bệnh lý khác trước khi chẩn đoán hội chứng này.
2. Phân loại
2.1. BMS nguyên phát
BMS được coi là nguyên phát khi không có tổn thương thực thể. Các nghiên cứu cho rằng BMS nguyên phát là do tổn thương các dây thần kinh kiểm soát cơn đau và vị giác.
2.2. BMS thứ phát
Một số tình trạng bệnh lý có thể gây ra BMS, việc điều trị các bệnh lý sẽ cải thiện tình trạng BMS. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Thói quen như cắn, nghiến răng.
- Trầm cảm.
- Thay đổi nội tiết tố (như do bệnh đái tháo đường hoặc bệnh lý tuyến giáp).
- Dị ứng với các sản phẩm, vật liệu nha khoa (thường là kim loại hoặc răng giả) hoặc thực phẩm.
- Khô miệng có thể do một số rối loạn (như hội chứng Sjögren) và một số loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, giảm đau (gabapentin, pregabalin, tramdol), kháng histamin hoặc xạ trị…
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế men chuyển) ...
- Thiếu hụt dinh dưỡng (như thiếu vitamin B hoặc sắt).
- Nhiễm trùng trong miệng, chẳng hạn như nhiễm nấm men.
- Trào ngược dạ dày.
3. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng chính của BMS là đau ở miệng, cảm giác như bỏng rát hoặc ngứa ran. Cơn đau có thể đi kèm với cảm giác tê bì, lúc có lúc không. Các triệu chứng khác bao gồm khô miệng hoặc thay đổi vị giác trong miệng.
Lưỡi là vị trí thường bị ảnh hưởng nhưng cơn đau cũng có thể ở môi, vòm miệng hoặc toàn bộ miệng.
4. Chẩn đoán
BMS khó chẩn đoán do bệnh nhân thường không có tổn thương thực thể ở miệng khi thăm khám.
BMS được định nghĩa là tình trạng bỏng rát hoặc rối loạn cảm giác, xuất hiện hàng ngày trong ít nhất 2 giờ mỗi ngày trong vòng 3 tháng mà không có tổn thương thực thể rõ ràng khi khám.
5. Điều trị
- Điều trị căn nguyên đối với BMS thứ phát
- Một số phương pháp hỗ trợ điều trị:
+ Tại chỗ: clonazepam, capsaicin, bupivacain
+ Toàn thân: chất chống oxy hóa như alpha-lipoic acid được chứng minh là có hiệu quả với liều từ 600-800mg/ngày. Ngoài ra có thể kết hợp các thuốc như fluoxetine, milnacipran, pregabalin, gabapentin…
+ Thay đổi hành vi và thói quen: tránh những chất kích thích gây kích ứng miệng, chẳng hạn như: Thuốc lá, thức ăn cay, nóng, đồ uống có cồn, nước súc miệng có chứa cồn, các sản phẩm có hàm lượng axit cao như trái cây họ cam quýt…
Tài liệu tham khảo
1. Liu YF, Kim Y, Yoo T, Han P, Inman JC. Burning mouth syndrome: a systematic review of treatments. Oral Dis. 2018 Apr
2. Bookout GP, Ladd M, Short RE. Burning Mouth Syndrome. [Updated 2023 Jan 29].
3. Rami Alsabbagh, Aviv Ouanounou, Burning Mouth Syndrome: Etiology, clinical presentations, and treatment alternatives, 2022
Viết bài: Bs. Nguyễn Thị Ngọc Anh – Phòng Chỉ đạo tuyến
Đăng bài: Phòng Công tác xã hội