Tổng kết công tác khám phát hiện ca bệnh phong, da liễu và sàng lọc bệnh lao, tăng huyết áp tại 2 xã thuộc huyện tuần giáo, tỉnh Điện Biên
.
Tin hoạt động- 22 giờ trước
Sáng: 7h30-12h00
Chiều: 13h30-16h30
Sáng: 5h45-7h30
Sáng: 7h30-12h00
Chiều: 14h-17h30
1. Đại cương
Lần đầu tiên được Rayer mô tả vào năm 1831, lưỡi bản đồ là tình trạng viêm mạn tính tái phát lành tính của khoang miệng không rõ nguyên nhân. Nó thường biểu hiện dưới dạng các dát đỏ không triệu chứng và có tính chất di chuyển hình vòng tạo nên hình dạng bản đồ đặc trưng. Tổn thương kéo dài từ vài ngày đến vài tuần rồi biến mất và xuất hiện trở lại ở một vị trí khác.
Lưỡi bản đồ thường bắt đầu xảy ra ở trẻ em và có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1% đến 2,5% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dao động từ 0,37% đến 14,3%. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất xảy ra ở nhóm tuổi từ 20 đến 29 tuổi với khoảng 39,4%. Lưỡi bản đồ có xu hướng mắc bệnh ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân của lưỡi bản đồ vẫn chưa được biết rõ; tuy nhiên, một số giả thuyết đã được đề xuất. Các yếu tố tâm lý và di truyền được cho là có vai trò trong lưỡi bản đồ. Redman và cộng sự đã chỉ ra tỷ lệ mắc lưỡi bản đồ cao hơn ở những bệnh nhân bị bệnh tâm thần. Ebrahimi và cộng sự đã chỉ ra rằng việc giảm căng thẳng có thể giúp lành các tổn thương ở lưỡi bản đồ, chứng minh thêm mối liên quan giữa stress và lưỡi bản đồ. Tỷ lệ mắc lưỡi bản đồ tăng lên ở cha mẹ và anh chị em ruột cao hơn đáng kể so với dân số nói chung.
3. Sinh bệnh học
Cơ chế sinh bệnh của lưỡi bản đồ vẫn chưa được biết rõ cho đến ngày nay; tuy nhiên, một số lý thuyết đã được đề xuất. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh hen suyễn, bệnh chàm, sốt cỏ khô, viêm mũi dị ứng, những bệnh nhân có nồng độ IgE cao với lưỡi bản đồ. Jainkittivong cộng sự đã chỉ ra rằng lưỡi bản đồ thường gặp hơn ở những bệnh nhân bị dị ứng với thuốc, thức ăn hoặc những thứ khác.
Do những điểm tương đồng về mặt lâm sàng, mô bệnh học và hóa mô miễn dịch giữa lưỡi bản đồ và bệnh vảy nến, một số chuyên gia tin rằng lưỡi bản đồ là biểu hiện ở miệng của bệnh vảy nến.
Thuốc tránh thai đường uống gây ra sự thay đổi nội tiết tố có liên quan với lưỡi bản đồ, chỉ ra thêm vai trò nội tiết tố trong rối loạn này. Các chất ức chế hình thành mạch máu cũng đã được báo cáo là có thể gây ra lưỡi bản đồ.
Thiếu hụt vitamin D, B6, B12, axit folic, sắt và kẽm cũng được cho là có vai trò trong quá trình sinh bệnh của lưỡi bản đồ.
Việc sử dụng thuốc lá đã được chứng minh là có vai trò bảo vệ trong quá trình bệnh sinh của lưỡi bản đồ. Tỷ lệ mắc lưỡi bản đồ dường như ít hơn ở những người hút thuốc so với những người không hút thuốc, có thể là do tăng sừng hóa và giảm TNF-a, IL-1 và IL-6 thông qua kích hoạt các thụ thể nicotinic.
4. Các đặc điểm lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của lưỡi bản đồ rất đa dạng. Thường biểu hiện là các dát đỏ teo không triệu chứng kèm theo sự mất các nhú chỉ bao quanh bởi các viền màu trắng liên quan đến các mặt bên và lưng lưỡi. Nếu các tổn thương xảy ra ở các vị trí khác ngoài lưỡi, thuật ngữ lưỡi bản đồ lạc chỗ được sử dụng. Các tổn thương ngoài lưỡi này hiếm khi xảy ra và có thể ở niêm mạc môi má, khẩu cái cứng, lưỡi gà và sàn miệng. Lưỡi bản đồ trải qua các giai đoạn thuyên giảm và bùng phát với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, tạo cho nó hình ảnh giống như bản đồ. Các tổn thương có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện các triệu chứng như đau, cảm giác nóng rát, loạn vị giác, nhạy cảm với thức ăn nóng, cay và chua.
5. Chẩn đoán
Lưỡi bản đồ thường được chẩn đoán dựa trên tiền sử và các đặc điểm lâm sàng của nó. Mô bệnh học có thể cần thiết trong các trường hợp không điển hình. Mô bệnh học ở vùng trắng cho thấy thâm nhiễm ưu thế của bạch cầu trung tính tạo thành áp xe nhỏ, tăng sinh thượng bì, kéo dài của nhú trung bì, ly gai, tăng sừng hóa, lắng đọng glycogen trong các tế bào biểu mô và bong tróc các tế bào hoại tử ở lớp bề mặt. Sinh thiết ở vị trí ban đỏ của tổn thương có thể cho thấy thâm nhiễm dưới thượng bì bạch cầu đơn nhân (chủ yếu là tế bào lympho T CD4+), phì đại nhú trung bì và giãn mạch.
6. Chẩn đoán phân biệt
Lưỡi bản đồ thường được chẩn đoán bằng tiền sử và các đặc điểm lâm sàng của nó. Trong trường hợp tổn thương không điển hình, chẩn đoán phân biệt lưỡi bản đồ bao gồm hồng sản, lichen phẳng, bệnh nấm Candida, bạch sản, chấn thương, loét áp tơ, ung thư tế bào vảy, bệnh vảy nến niêm mạc.
7. Phương pháp điều trị
Lưỡi bản đồ thường không cần điều trị nếu không có triệu chứng. Đối với các tổn thương có triệu chứng, corticosteroid tại chỗ, thuốc kháng histamin, cyclosporin, vitamin A, kẽm, paracetamol, tacrolimus tại chỗ đã được chứng minh là có hiệu quả. Nên tránh uống rượu, thức ăn nóng, cay và chua, trái cây và đồ uống có tính axit, và duy trì vệ sinh răng miệng tốt để tránh các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
8. Tiên lượng
Lưỡi bản đồ là một tình trạng lành tính thường không có triệu chứng với tiên lượng tốt. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhiều lần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Campana F, Vigarios E, Fricain JC, Sibaud V. Geographic stomatitis with palate involvement. An Bras Dermatol. 2019;94(4):449-451.
2. Netto JN, Dias MC, Garcia TR, Amaral SM, Miranda ÁM, Pires FR. Geographic stomatitis: An enigmatic condition with multiple clinical presentations. J Clin Exp Dent. 2019 Sep;11(9):e845-e849.
3. Ogueta C I, Ramírez P M, Jiménez O C, Cifuentes M M. Geographic Tongue: What a Dermatologist Should Know. Actas Dermosifiliogr (Engl Ed). 2019 Jun;110(5):341-346.
4. Picciani B, Santos VC, Teixeira-Souza T, Izahias LM, Curty Á, Avelleira JC, Azulay D, Pinto J, Carneiro S, Dias E. Investigation of the clinical features of geographic tongue: unveiling its relationship with oral psoriasis. Int J Dermatol. 2017 Apr;56(4):421-427.
5. Stoopler ET, France K, Ojeda D, Sollecito TP. Benign Migratory Glossitis. J Emerg Med. 2018 Jan;54(1):e9-e10.
Viết bài: BSNT. Nguyễn Mạnh Hùng
Đăng bài: Phòng Công tác xã hội
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *