Tổng quan
Mày đay adrenergic là một thể hiếm gặp của mày đay mạn tính, thuộc nhóm mày đay cảm ứng không do tác nhân vật lí, được đặc trưng bởi dát đỏ, sẩn phù nhỏ, có quầng trắng xung quanh. Yếu tố khởi phát bao gồm căng thẳng, xúc động hoặc một số loại đồ ăn như cà phê, chocolate,...
Biểu hiện lâm sàng
Sẩn phù điển hình trong mày đay adrenergic là sẩn phù nhỏ, đường kính khoảng 1-5mm, có quầng trắng xung quanh do co mạch, thường tập trung ở thân mình, chi trên và kéo dài khoảng 15-60 phút rồi biến mất. Trong những trường hợp nặng, phù mạch và triệu chứng toàn thân có thể xuất hiện. Do đó, việc chẩn đoán sớm và cảnh báo bệnh nhân tránh các yếu tố khởi phát là rất quan trọng.
Cơ chế
Cơ chế bệnh sinh của mày đay adrenergic vẫn chưa được hiểu đầy đủ, một số nghiên cứu hiện tại cho thấy mày đay adrenergic có liên quan đến nồng độ catecholamine huyết thanh tăng cao. Quầng trắng đặc trưng xung quanh sẩn phù có thể là do co mạch ngoại biên do catecholamine gây ra.
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào khai thác tiền sử, khám lâm sàng và test tiêm trong da noradrenalin
Bệnh nhân được tiêm trong da noradrenalin ở vị trí không có tổn thương, thường là vùng da sáng màu dễ quan sát như mặt trong cẳng tay. Test dương tính khi xuất hiện sẩn phù điển hình
Chẩn đoán phân biệt
Mày đay adrenergic cần được chẩn đoán phân biệt với mày đay do cholin. Mày đay do cholin đặc trưng bởi các sẩn phù nhỏ tương tự mày đay adrenergic, yếu tố khởi phát là tăng thân nhiệt chủ động hoặc thụ động: tập thể dục, tắm nước nóng, xúc động,… Trong nhiều trường hợp, chẩn đoán phân biệt hai thể này rất khó trên lâm sàng. Cần làm test tiêm trong da noradrenalin và acetylcholin để phân biệt. Bệnh nhân mày đay adrenergic có test tiêm trong da noradrenalin dương tính còn bệnh nhân mày đay do cholin có test tiêm trong da acetylcholin dương tính.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị mày đay adrenergic hiện nay bao gồm tránh các tác nhân kích thích và điều trị triệu chứng.
Tránh các tác nhân kích thích là điều kiện rất quan trọng trong điều trị mày đay mạn tính cảm ứng nói chung và mày đay adrenergic nói riêng nhưng khó thực hiện được trong đời sống hàng ngày. Người bệnh cần nhận ra và kiểm soát các yếu tố kích thích dưới ngưỡng kích thích.
Mày đay adrenergic thường kém đáp ứng với các thuốc điều trị mày đay thông thường như kháng histamin, omalizumab và đáp ứng tốt với các thuốc chẹn beta giao cảm, trong đó propanolol hiệu quả hơn atenolol, bisoprolol, có thể do ái tính với mỡ cao hơn, tính thấm vào tổ chức thần kinh lớn hơn. Cần thận trọng khi sử dụng các thuốc này vì tác dụng lên tim mạch và huyết áp.
Tài liệu tham khảo
1. Shelley WB, Shelley ED. Adrenergic urticaria: a new form of stress-induced hives. Lancet. 1985 Nov 9;2(8463):1031-3
2. Hogan SR, Mandrell J, Eilers D. Adrenergic urticaria: review of the literature and proposed mechanism. J Am Acad Dermatol. 2014 Apr;70(4):763-766
3. Ollaik F, Dagher M, Bachour K, Bachour J. Adrenergic urticaria: a rare underdiagnosed subtype. Int J Dermatol. 2020 May;59(5):615-616
Viết bài: ThS.BS. Nguyễn Thị Mai Hương
Đăng bài: Phòng Công tác xã hội