Hồng ban nút

Hồng ban nút là hiện tượng lâm sàng có biểu hiện thường gặp là cục (nodule) đỏ đau ở cẳng chân do phản ứng quá mẫn chậm. Các yếu tố gây nên bao gồm nhiễm trùng, thuốc, bệnh ác tính, bệnh sarcoidosis, mang thai… hoặc tự phát. Hồng ban nút đặc trưng giải phẫu bệnh là viêm mô mỡ vùng vách mà không có viêm mạch. Tình trạng này thường tự thoái triển trong vòng vài tuần.

1. Giới thiệu

Hồng ban nút là hiện tượng lâm sàng có biểu hiện thường gặp là cục (nodule) đỏ đau ở cẳng chân do phản ứng quá mẫn chậm. Các yếu tố gây nên bao gồm nhiễm trùng, thuốc, bệnh ác tính, bệnh sarcoidosis, mang thai… hoặc tự phát. Hồng ban nút đặc trưng giải phẫu bệnh là viêm mô mỡ vùng vách mà không có viêm mạch. Tình trạng này thường tự thoái triển trong vòng vài tuần.

2. Dịch tễ học

Hồng ban nút xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, giới tính, nhưng hay gặp ở phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi, nữ giới gấp 3 đến 6 lần so với nam giới. Cơ chế bệnh sinh của hồng ban nút đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Các giả thiết đặt ra có thể liên quan đến sự lắng đọng phức hợp miễn dịch ở vùng vách mô mỡ, sự thu hút bạch cầu đa nhân trung tính dẫn đến hình thành các gốc oxy phản ứng, sản xuất yếu tố hoại tử khối u (TNF- α). Tính di truyền vẫn chưa được chứng minh trong sinh bệnh học.

3. Biểu hiện lâm sàng

Hồng ban nút đặc trưng bởi các cục đỏ, đau, nhưng không gây loét đối xứng 2 bên cẳng chân, tổn thương có thể hơi gồ lên so với mặt da, kích thước thường từ 2 đến 5cm. Hiếm gặp hơn tổn thương có thể tạo thành mảng to, xuất hiện các vị trí khác như cổ chân, đùi, cánh tay, mông, bắp chân, mặt.

Triệu chứng toàn thân có thể gặp như mệt mỏi, sốt, đau khớp, nhiễm khuẩn đường hô hấp trong 1 đến 3 tuần. Tổn thương khi thoái triển để lại dát tăng sắc tố, không có sẹo.

Hồng ban nút mạn tính là thể hiếm gặp, diễn biến trong nhiều năm, không xác định được rõ nguyên nhân gây bùng phát.

Hình ảnh tổn thương hồng ban nút ở bệnh nhân nữ giới, trẻ tuổi

4. Mô bệnh học

Tổn thương hồng ban nút giai đoạn đầu có phù nề vùng vách mô mỡ, thâm nhiễm tế bào lympho, bạch cầu đa nhân trung tính, viêm mạch thứ phát có thể gặp với thành phần tế bào viêm đa dạng trong đó chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xuất hiện nếu trong hội chứng Behcet. Theo thời gian vách ngăn mô mỡ dày lên kèm thâm nhiễm viêm, xơ hóa có thể lan rộng đến các tiểu thùy mỡ lân cận.  

5. Chẩn đoán

Chẩn đoán hồng ban nút trong hầu hết các trường hợp có thể dựa trên khai thác tiền sử và khám lâm sàng. Đặc trưng bởi khởi phát cấp tính với các cục hoặc mảng đỏ đau ở cẳng chân 2 bên, không có loét. Sinh thiết tổn thương trong trường hợp không điển hình.

Các bệnh liên quan đến hồng ban nút

6. Chẩn đoán phân biệt

-  Hồng ban rắn (Bazin‘s disease) tổn thương là các cục kèm loét ở mặt sau cẳng chân hay liên quan đến tình trạng nhiễm lao với mô bệnh học viêm mô mỡ vùng thùy và viêm mạch.

-  Nhiễm trùng mô mỡ do vi khuẩn, nấm hoặc mycobacteria: Nhiễm trùng tiên phát tại chỗ hoặc là ổ di bệnh do nhiễm khuẩn toàn thân. Vị trí hay gặp ở chân nhưng cũng có thể ở các vị trí khác bụng, nách, cánh tay, bàn tay hoặc nếp kẽ đi kèm các biểu hiện nhiễm khuẩn khác.

-  Viêm da động mạch nút tại da: đặc trưng bởi các cục ở 2 chân kèm theo viêm mạch livedo, hoại tử, loét, có thể đi kèm sốt, đau khớp, đau cơ, bệnh thần kinh ngoại vi. Mô bệnh học tổn thương viêm mạch máu trung bình kèm hoại tử.

-  Thiếu men antitrypsin alpha 1: Sự thiếu hụt di truyền về chức năng alpha 1 antitrypsin có thể dẫn đến các cục hoặc mảng đỏ dưới da, loét, chảy dịch kèm theo bệnh lý gan, xơ gan, viêm tụy, viêm cầu thận, viêm khớp, phù mạch, viêm mạch có c-ANCA dương tính.

7. Điều trị

Hồng ban nút là tình trạng có thể tự giới hạn và khỏi sau vài tuần. Việc điều trị không thực sự cần thiết đặc biệt trong những trường hợp nhẹ. Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến toàn trạng, sự lan rộng của tổn thương, tiến triển tái phát hoặc mạn tính mà có các lựa chọn điều trị khác nhau.  

-  Điều trị không dùng thuốc:

+ Gác cao chân.

+ Nghỉ ngơi.

+ Băng áp lực với áp lực từ 8-15mmHg hoặc dùng tất áp lực với áp lực từ 15-20mmHg.

-  Điều trị dùng thuốc:

+ Điều trị nguyên nhân

+ Điều trị triệu chứng: thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs), Kali iodua (KI), corticoid toàn thân; dapson, colchicin, hydroxychloroquine cũng được cân nhắc trong các trường hợp tái phát, mạn tính.

+ Với phụ nữ mang thai, việc điều trị khá phức tạp, ưu tiên sử dụng các biện pháp can thiệp không dùng thuốc.

8. Tiên lượng

Tiên lượng hồng ban nút khá tốt, hầu hết các trường hợp tự khỏi, thoái triển trong vài tuần. Triệu chứng hồng ban nút đáp ứng nhanh với điều trị. Tái phát có thể xảy ra ở 1/3 các trường hợp hoặc có bệnh lý tiềm ẩn, mạn tính gây ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Daniela Kroshinsky, Jeffrey P Callen, Abena O ofori et al. Erythema nodosum. Uptodate. Last updated Mar 09, 2023.

2.      Wissem Hafsi, Talel Bdri. Erythema nodosum. National Center for biotechnology information. Last updated November 28, 2022.

3.      Daniela Michelle Pérez- Garza, Sonia Chavez- Alvarez, Jorge Ocampo- Candiani et al. Erythema nodosum: A Practical Approach and Diagnostic Algorithm. Am J Clin Dermatol. 2021: 22(3):367-378

Viết bài: ThS. BS. Lê Thị Hoài Thu- khoa D2

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội