Giáo dục sức khỏe cho người bệnh viêm da cơ địa

Giáo dục sức khỏe cho người bệnh viêm da cơ địa

1. Định nghĩa

Viêm da cơ địa (VDCĐ) hay chàm cơ địa là một bệnh viêm da mạn tính, hay tái phát. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường khởi phát ở trẻ em và có thể liên quan đến các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng thức ăn, mày đay, viêm da tiếp xúc, …

2. Nguyên nhân

VDCĐ là một bệnh viêm da, ngứa do tổng hợp nhiều yếu tố, căn nguyên, bao gồm:

  • Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương: Trong bệnh VDCĐ có sự giảm sản xuất filaggrin, loricrin, giảm các chất gắn kết tế bào da nên làm tăng sự mất nước, làm cho da khô.
  • Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu cho rằng nếu cả bố và mẹ bị VDCĐ thì có tới 80% con bị bệnh này, trong khi đó tỉ lệ này chỉ là 50% nếu bố mẹ không bị bệnh này.
  • Rối loạn miễn dịch: là các phản ứng bất thường qua trung gian tế bào.
  • Một số yếu tố liên quan: dị nguyên trong không khí, thức ăn, các tác nhân nhiễm trùng, các dị nguyên gây dị ứng do tiếp xúc, …

3. Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của VDCĐ khác nhau tùy theo từng lứa tuổi. Bệnh diễn biến mạn tính, xen kẽ với những giai đoạn bùng phát.

  • Triệu chứng thường gặp: ngứa, đỏ da, mụn nước, sẩn dày da, vảy da, vảy tiết
  • Triệu chứng khác: dày sừng nang lông tập trung ở cánh tay, đùi, má; chứng da vẽ nổi trắng, đục thủy tinh thể, …

4. Tiếp cận điều trị

4.1  Nguyên tắc điều trị:

  • Giữ ẩm cho da.
  • Giáo dục và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc da hàng ngày và khi tổn thương.
  • Chống viêm.
  • Giảm ngứa.
  • Tránh và loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

4.2  Điều trị:

4.2.1.   Điều trị nền: dưỡng ẩm da

Với tác dụng làm mềm da, giảm khô da, giảm ngứa, phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da; ngăn cản sự bám dính của vi khuẩn, sự xâm nhập của các tác nhân gây kích thích. Dưỡng ẩm chính là phương pháp điều trị căn bản trong xử trí các giai đoạn của bệnh VDCĐ.

Hướng dẫn sử dụng chất dưỡng ẩm:

  • Nên sử dụng ít nhất 2-3 lần/ngày. Nếu tình trạng da khô nhiều, có thể tăng số lần sử dụng.
  • Sử dụng ngay sau khi tắm/ rửa tay/ làm ẩm da 3-5 phút để duy trì độ ẩm cho da.
  • Trong giai đoạn cấp, có thể sử dụng phối hợp với corticosteroid trong 2 tuần đầu. Thoa dưỡng ẩm trước, sau đó thoa corticosteroid.
  • Người lớn dùng 500-600gr/tuần, trẻ em 250-300gr/tuần.
  • Nên sử dụng duy trì hàng ngày dù không có tổn thương nhằm phòng tái phát bệnh.
  • Tránh sử dụng vào niêm mạc như mắt, mũi, miệng.

4.2.2    Giáo dục và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc da hàng ngày và khi tổn thương.

  • Tắm: thời gian tắm không quá 5 phút, nhiệt độ nước ấm khoảng 36 độ C. Sữa tắm nên dùng sản phẩm dành riêng với người bệnh VDCĐ hoặc xà phòng dịu nhẹ, không hương liệu hoặc chất làm sạch.
  • Bôi chất dưỡng ẩm da mỗi ngày, ngay cả khi không có tổn thương. Trong vài phút sau khi tắm hoặc làm ẩm da bằng nước, dùng khăn thấm khô nhẹ nhàng và bôi dưỡng ẩm ngay lên toàn thân.
  • Giáo dục thay đổi hành vi: không chà, không gãi, cho người bệnh đeo găng tay hoặc tất khi đi ngủ để giảm vòng luẩn quẩn ngứa – gãi, cắt móng tay thường xuyên để tránh tổn thương da và nhiễm trùng.
  • Nên tránh các yếu tố nguy cơ như: khí hậu khô, khói, lông chó mèo, phấn hoa, …

4.2.3    Chống viêm

Thuốc điều trị tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ bệnh, vùng da bị tổn thương, lứa tuổi. Có thể sử dụng thuốc theo 2 giai đoạn:

  • Điều trị tấn công:

+ Corticosteroid tại chỗ: với trường hợp nhẹ không nên dùng. Tùy theo nhu cầu điều trị, cân nhắc lựa chọn loại corticosteroid sao cho phù hợp. Thuốc được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn, chỉ dụng một lượng vừa đủ và giảm liều một cách từ từ, tránh tái phát.

  • Điều trị duy trì: áp dụng khi bệnh tái phát thường xuyên, dai dẳng kéo dài

+ Sử dụng corticosteroid gián đoạn tại chỗ

  • Điều trị những trường hợp bệnh nặng:

+ Cortiscosteroid tại chỗ loại mạnh

+ Liệu pháp ánh sáng: tia cực tím

+ Liệu pháp tâm lý

Lưu ý: Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng corticosteroid như teo da, hội chứng para-Cushing, suy gan, suy thận, …

4.2.4    Giảm ngứa

Thuốc kháng histamine đường uống giúp làm giảm viêm, giảm ngứa:

  • Loại không gây buồn ngủ: Loratadin, desloratadin có thể dùng hàng ngày.
  • Loại gây buồn ngủ: Hydroxyzine, Diphenhydramine được dùng trước khi đi ngủ.

5. Chế độ dinh dưỡng

5.1 Thực phẩm nên dùng

  • Thực phẩm giàu đạm: thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa, đậu phụ….
  • Nên sử dụng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng…)
  • Các loại rau và trái cây chứa nhiều vitamin và chất xơ: Rau xanh và trái cây tươi (cam, dâu tây, dứa, xoài,…) là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp làm lành các tổn thương, điều trị và ngăn ngừa viêm da cơ địa và một số vấn đề sức khỏe khác. Điển hình như:

+ Vitamin A chứa trong cà chua, đu đủ, cà rốt,… giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch;

+ Vitamin B chứa trong các loại rau xanh có vai trò thúc đẩy tái tạo mô biểu bì, giúp các tổn thương nhanh lành lại;

+ Vitamin C chứa trong chanh, cam,… có vai trò là chất oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các phản ứng do dị ứng;

+ Vitamin E chứa trong bơ, kiwi, rau bina, cải bắp,… giúp da trẻ mềm mịn và chắc khỏe, bảo vệ da trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh.

  • Các loại rau và trái cây chứa nhiều flavonoid chống viêm: Flavonoid là một chất chống viêm được tìm thấy nhiều trong các loại rau, trái cây như táo, bông cải xanh, việt quất,… Việc ăn nhiều thức ăn chứa Flavonoid sẽ giúp cơ thể cải thiện sức khỏe làn da và ngăn ngừa tình trạng viêm da dị ứng: rau xanh, trái cây, táo, lê, trà xanh, hành tây…
  • Kali cũng là một chất chống viêm có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng của viêm da cơ địa. Nó được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm hằng ngày như chuối, bơ, bí ngô, cá hồi,…
  • Sử dụng sữa chua uống lên men bổ sung lợi khuẩn giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
  • Trung bình nên uống khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.

5.2 Thực phẩm hạn chế dùng

  • Các loại hải sản: tôm, cua, cá, nghêu, hàu,… bởi trong nhóm thực phẩm này có chứa histamin với hàm lượng cao, đây là một chất có tác dụng kích thích các mao mạch dưới da khiến da hình thành các nốt mụn ngứa.
  • các loại sản phẩm từ sữa: Một nghiên cứu đã cho thấy, trong các sản phẩm được làm từ sữa như kem, phô mai, bánh sữa,… chứa hơn 20 chất có thể là nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ nhỏ.
  • Thực phẩm chứa chất phụ gia, chất bảo quản, màu nhân tạo, hương liệu, được xử lý bằng nhiều hoá chất độc hại, không rõ nguồn gốc,… đều có thể khiến cơ thể dễ bị dị ứng.
  • Đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt muối, dưa, cà muối,  mỳ tôm, các loại bánh mặn, gà rán, khoai tây chiên…là một trong những nguyên nhân gây bít, tắc lỗ chân lông, khiến cơ thể cảm thấy ngứa ngáy, viêm ngoài da.

5.3 Thực phẩm không nên dùng:

  • Các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá…

Tài liệu tham khảo

1.    Trần Hậu Khang, Viêm da cơ địa, bệnh học Da liễu, NXB y học, 2014, Tập 1: 75-84.

2.    Eichenfield, L. F., Tom, W. L., Berger, T. G., Krol, A. S., & Cordoro, K. M. (2014). Guidelines of care for the management of atopic dermatitis: section 2. Management and treatment of atopic dermatitis with topical therapies. Journal of the American Academy of Dermatology, 71(1), 166-132.

3.    Ring, J., Alomar, A., Bieber, T., Deleuran, M., Fink Wagner, A., … & Schafer, T. (2012). Guidelines for treatment off atopic eczema part I. Journal off the European Academy of dermatology and Venereology, 26 (8), 1045-1060.

4.    Bộ Y tế (2024), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, Bộ Y tế, Hà Nội.

5.    Bệnh viện Da liễu Trung ương ( 2023), Quy trình kỹ thuật chuyên ngành Da liễu, Bộ Y tế, Hà Nội.

 Viết bài: THS.ĐD Hoàng Hồng Hạnh

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội