Bệnh gai đen (Acanthosis nigricans)

 1. Bệnh gai đen là bệnh gì ?  

Bệnh gai đen là tình trạng da sẫm màu thường xảy ra ở các vùng nếp gấp. Tình trạng tăng sắc tố này có ranh giới không rõ ràng và thường liên quan nhất đến bệnh tiểu đường và hội chứng kháng insulin, nhưng nó có thể là dấu hiệu của bệnh ác tính.

Bệnh gai đen thường xảy ra ở những người dưới 40 tuổi.

2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Có nhiều yếu tố liên quan đến sự phát triển của bệnh gai đen.

Tăng insulin lưu thông kích hoạt thụ thể yếu tố tăng trưởng giống insulin (ILGF) của tế bào sừng, đặc biệt là IGF-1.

Bệnh gai đen có tính chất gia đình: trội trên nhiễm sắc thể thường, xuất hiện khi sinh ra hoặc thời thơ ấu. Bệnh xảy ra do đột biến ở thụ thể yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi 3 (FGFR3).

Béo phì là một trong những tình trạng phổ biến nhất liên quan đến bệnh gai đen và có thể liên quan đến tình trạng kháng insulin.

Nhiều loại thuốc có thể có liên quan đến bệnh gai đen như axit nicotinic, glucocorticoid toàn thân, diethylstilbestrol, thuốc tránh thai đường uống kết hợp, liệu pháp hormone tăng trưởng, estrogen, thuốc ức chế protease, niacin và insulin tiêm.

Bệnh gai đen ở chi: giới hạn ở khuỷu tay, đầu gối, đốt ngón tay và bề mặt mu bàn chân. Bệnh này thường gặp ở những người có làn da sẫm màu.

Bệnh gai đen liên quan đến các bệnh lý ác tính: liên quan đến ung thư biểu mô tuyến đường tiêu hóa và ung thư tiết niệu sinh dục như tuyến tiền liệt, vú và buồng trứng.

Liên quan đến bệnh lý tự miễn: SLE, hội chứng Sjogren, xơ cứng bì hoặc viêm tuyến giáp Hashimoto.

Bệnh gai đen một bên: Còn được gọi là bệnh gai đen dạng nốt ruồi (nevoid acanthosis nigricans). Bệnh này rất hiếm và được di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Tổn thương xảy ra một bên và xuất hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ em hoặc người lớn.

3. Biểu hiện lâm sàng của bệnh gai đen như thế nào?

Bệnh nhân biểu hiện là vùng da sẫm màu và dày lên không triệu chứng, mịn như nhung và tiến triển thành các mảng có thể sờ thấy.

Ở gần 1/3 bệnh nhân mắc bệnh gai đen liên quan đến bệnh lý ác tính, những thay đổi về da thường xảy ra trước khi có dấu hiệu lâm sàng của bệnh ác tính. Bệnh gai đen liên quan đến ác tính có thể xuất hiện đột ngột và thường đi kèm với ngứa dữ dội.

Các tổn thương của bệnh gai đen thường xảy ra ở các vùng nếp gấp da như bẹn, nách hoặc gáy. Ở trẻ em, vị trí phổ biến nhất của bệnh gai đen là gáy. Hiếm khi, bệnh gai đen có thể xảy ra ở niêm mạc mũi, khoang miệng, thực quản hoặc thanh quản, hiếm gặp hơn là ở kết mạc mắt. Phụ nữ cũng có thể phát triển các tổn thương ở núm vú.

Ở một số bệnh nhân cũng có thể xuất hiện u mềm treo ở vị trí bị bệnh. Có thể có những thay đổi ở móng như dày sừng và trắng móng. Về mặt lâm sàng, không thể phân biệt được các tổn thương của bệnh gai đen lành tính với ác tính.

Hình 1, 2. Hình ảnh tổn thương của bệnh gai đen (Nguồn: Internet)

4. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh gai đen ?  

Bệnh gai đen được chẩn đoán lâm sàng và có thể xác định bằng sinh thiết da. Có thể cần xét nghiệm máu, nội soi hoặc chụp X-quang để loại trừ bệnh tiểu đường hoặc ung thư. Khi sinh thiết, có thể thấy dày sừng, thâm nhiễm bạch cầu, quá sản thượng bì và tăng sinh tế bào hắc tố. Nhiều trường hợp cần loại trừ ác tính. Vì phần lớn các trường hợp có liên quan đến tình trạng kháng insulin và/hoặc béo phì nên khuyến cáo nên sàng lọc bệnh tiểu đường.

5. Chẩn đoán phân biệt

  • Nhiễm nấm sợi, nấm Candida
  • Bệnh Pellagra
  • Bệnh vảy cá
  • Bớt thượng bì
  • Tăng sắc tố da liên quan đến bệnh Addison

6. Phương pháp điều trị là gì ?

Bệnh có thể mờ dần theo thời gian bằng cách điều trị nguyên nhân, tình trạng kháng insulin. Kiểm soát đường máu thông qua tập thể dục và chế độ ăn uống thường cải thiện các triệu chứng. Bệnh gai đen liên quan đến bệnh lý ác tính có thể khỏi nếu khối u gây bệnh được điều trị thành công.

Bệnh gai đen liên quan đến tình trạng kháng insulin có thể được điều trị bằng các loại thuốc như metformin và rosiglitazone, là các thuốc làm tăng độ nhạy insulin.

Nên ngừng sử dụng tất cả các tác nhân kích thích và thuốc.

Các thuốc bạt sừng như retinoid tại chỗ (ví dụ tretinoin tại chỗ 0,1% hoặc kết hợp tretinoin 0,05% và amoni lactat 12%) và podophyllin có thể có hiệu quả. Các chất tương tự vitamin D tại chỗ (ví dụ calcipotriol (calcipotriene) 0,005%) cũng có hiệu quả.

Melatonin cũng có thể cải thiện các triệu chứng trên da ở những bệnh nhân béo phì mắc bệnh bằng cách cải thiện tình trạng viêm và độ nhạy của insulin.

Sử dụng tia laser alexandrite, mài da và lột da bằng hóa chất cũng có hiệu quả. Phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị chính cho các tổn thương ác tính.

7. Tiên lượng

Bệnh nhân mắc dạng lành tính của bệnh gai đen có ít hoặc không có biến chứng về da, tiên lượng tốt và có khả năng hồi phục sau điều trị. Biến chứng có thể xuất phát từ các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường và các tình trạng kháng insulin. Tiên lượng ở bệnh nhân mắc dạng ác tính của bệnh gai đen thường kém vì bệnh lý ác tính đã tiến triển vào thời điểm chẩn đoán ở những bệnh nhân này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Shah VH, Rambhia KD, Mukhi JI, Singh RP, Kaswan P. Clinico-investigative Study of Facial Acanthosis Nigricans. Indian Dermatol Online J. 2022;13(2):221–8. Published 2022 Mar 3. doi:10.4103/idoj.IDOJ_855_20.

2.      Verma S, Sandhu S, Kotwal N, Madke B, Yadav N, Vasudevan B. Review of facial acanthosis nigricans: Easy to diagnose and difficult to treat marker of hyperinsulinemia/metabolic syndrome. Med J Armed Forces India. 2024;80(3):257–69.

3.      Mourad AI, Haber RM. Drug-induced acanthosis nigricans: A systematic review and new classification. Dermatol Ther. 2021;34:e14794. DOI: 10.1111/dth.14794.

Viết bài: BSNT. Nguyễn Mạnh Hùng

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội