Giãn mạch nguyên phát lan tỏa (Generalized essential telangiectasia)

posted 26/10/2022 DalieuTW

1. Giãn mạch nguyên phát lan tỏa là bệnh gì?

Thuật ngữ telangiectasia mô tả sự giãn các mạch máu nhỏ tạo nên các vết nhỏ màu đỏ trên da và niêm mạc. Đây là vấn đề khá thường gặp với rất nhiều nguyên nhân. Giãn mạch máu nhỏ đơn thuần chủ yếu ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt là giãn mạch ở mặt.

Giãn mạch nguyên phát lan tỏa là bệnh lý chưa rõ nguyên nhân, là một thể của giãn mạch nguyên phát và được đặt tên theo sự xuất hiện lan tỏa tại nhiều vị trí trên cơ thể cũng như sự vắng mặt các bệnh lý da và toàn thân kèm theo. Đây là một tình trạng hiếm gặp và cũng là một chẩn đoán loại trừ.

2. Nguyên nhân của Giãn mạch nguyên phát lan tỏa là gì?

Nguyên nhân của giãn mạch nguyên phát lan tỏa đến nay vẫn chưa được biết rõ.

Một số tác giả ghi nhận yếu tố gia đình, gợi ý có vai trò của yếu tố gen. Giãn mạch nguyên phát lan tỏa không đi kèm với giãn tĩnh mạch chi dưới hay các bất thường tĩnh mạch khác. Không ghi nhận yếu tố kích thích (estrogen, serotonin, corticosteroid…), bệnh da hay bệnh cơ quan nội tạng kèm theo. Một số tác giả cho răng ánh sáng mặt trời có thể đóng một vai trò nào đó trong sự xuất hiện bệnh.

3. Giãn mạch nguyên phát lan tỏa có thường gặp không?

Đến nay tỷ lệ chính xác của giãn mạch nguyên phát lan tỏa vẫn chưa được thống kê nhưng có thể nói đây là một tình trạng hiếm gặp.

Bệnh thường gặp ở người 40-50 tuổi, nữ giới nhiều hơn nam giới. Bệnh gặp nhiều hơn ở người da trắng, có thể do mức độ tương phản giữa tổn thương mạch máu và nền da trắng rõ ràng hơn.

4. Giãn mạch nguyên phát lan tỏa biểu hiện thế nào?

– Lâm sàng

+ Triệu chứng đặc trưng:

Giãn mạch đỏ hoặc hồng (thể hiện mạch máu bị giãn là mao mạch chứ không phải tĩnh mạch), đường kính thường dưới 0,2mm (giãn tĩnh mạch thường có màu xanh hơn và đường kính thường lớn hơn 0,2mm), dạng vải ren hoặc dạng phân nhánh

Thường xuất hiện ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân, nhưng có thể xuất hiện ở thân mình và chi trên.

Khi căng da trên tổn thương, tổn thương mất màu tạm thời.

Các tổn thương giãn mạch nhỏ có thể kết hợp tạo thành mảng đỏ lan tỏa.

Thường không có triệu chứng cơ năng, đôi khi có thể có cảm giác tê bì hay kiến bò.

Hiếm gặp hơn là tổn thương kết mạc hoặc niêm mạc miệng.

+ Toàn thân không có triệu chứng gì

Hình 1. Hình ảnh lâm sàng giãn mạch nguyên phát lan tỏa (Nguồn: https://dermnetnz.org)

– Cận lâm sàng

+ Chụp mạch hồng ngoại cho thấy mạng tĩnh mạch dưới da bình thường.

+ Mô bệnh học:

Giãn mạch trong giãn mạch nguyên phát lan tỏa bắt nguồn từ phần tĩnh mạch của vòng mao mạch hoặc cũng có thể cấu trúc giải phẫu đã bị thay đổi. Mạch máu giãn có thành mỏng ở trung bì, thường ở phần nông gần vùng nối thượng bì – trung bì. Không có bằng chứng tân sinh mạch rõ ràng.. Không ghi nhận bất thường thượng bì và trung bì nào khác trên mô bệnh học.

5. Giãn mạch nguyên phát lan tỏa hay nhầm với bệnh gì?

Cần chẩn đoán phân biệt giãn mạch nguyên phát lan tỏa với các tình trạng giãn mạch khác:

  • Angioma serpiginosum (bớt mạch máu): biểu hiện dưới dạng các chấm đỏ dưới da, tập trung lại thành dải hoặc hình con rắn hay hình nhẫn.
  • Thất điều giãn mạch: một rối loạn di truyền hiếm gặp, với bất thường ở nhiều cơ quan như thất điều (mất điều hòa vận động), giãn mạch ở da và mắt, nhiễm trùng hô hấp tái diễn, nguy cơ xuất hiện ung thư
  • Giãn mạch mạng nhện: bất thường thường gặp, với lâm sàng đặc trưng là tổn thương sẩn đỏ ở trung tâm (thân nhện) và tỏa ra các nhánh giãn mạch ra xung quanh (chân nhện)
  • Giãn mạch xuất huyết di truyền: có yếu tố kích thích rõ
  • Giãn mạch do các bệnh lý nội khoa như xơ gan, hội chứng cận u….

6. Giãn mạch nguyên phát lan tỏa diễn biến thế nào?

Giãn mạch có thể tiến triển nhanh hoặc chậm, và thường lan dần ra các vị trí khác của cơ thể. Chúng không tự mất đi mà tồn tại kéo dài với thời gian không xác định. Cực kỳ hiếm khi gây xuất huyết hoặc gây triệu chứng toàn thân. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, nhìn chung giãn mạch nguyên phát lan tỏa là một tình trạng lành tính và không gây ra bất kỳ các biến chứng gì.

7. Giãn mạch nguyên phát lan tỏa có điều trị được không?

Nhìn chung, giãn mạch nguyên phát lan tỏa tương đối khó điều trị, đặc biệt là với các tổn thương ở chi dưới. Không có phương pháp nào cho hiệu quả điều trị nhất quán. Một số báo cáo ghi nhận hiệu quả khi sử dụng laser mạch máu hay IPL (ánh sáng xung mạnh).

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chúng tôi đang ứng dụng laser màu xung và laser Nd: YAG 1064 xung dài để điều trị giãn mạch nguyên phát lan tỏa.

Một số báo cáo ca bệnh cho thấy hiệu quả của tetracyclin uống hay 6-mercaptopurine. Sử dụng kem che khuyết điểm hoặc các loại lotion làm rám da cũng có thể giúp cải thiện tạm thời vấn đề thẩm mỹ.

Nếu bạn xuất hiện tình trạng như trên, hãy liên hệ với số Hotline của chúng tôi để được tư vấn khám và điều trị bệnh: 19006951.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Griffiths C.E, Barker J, Bleiker T, Chalmers R, Creamer D. Rook’s Textbook of Dermatology.. Ninth edition. Wiley Blackwell. 2016
  2. McGrae JD Jr, Winkelmann RK. Generalized essential telangiectasia: report of a clinical and histochemical study of 13 patients with acquired cutaneous lesions. JAMA 1963; 185:909
  3. Abrahamian LD, Rothe MJ. Primary telangiectasia of childhood. Int. J. Dermatol. 1992; 31: 307–13.
  4. Ali MM, et al. Generalized essential telangiectasia with conjunctival involvement. Clin Exp Dermatol 2006; 31:781
  5. Yadav S, Kaye S, Wilson N. An unusual presentation of generalized essential telangiectasia. Clin Exp Dermatol. 2015 Jul;40(5):513-5.
  6. McGrae JM, Winkelmann RK. Generalised essential telangiectasia. Report of a clinical and histochemical study of 13 patients with acquired cutaneous lesions. JAMA 1963; 185:909–13.
  7. Swensson B, Swensson O, Haring G. [Progressive disseminated essential telangiectasia with conjunctival involvement.] Klin. Monatsbl. Augenheilkund. 1998; 212: 116–19 (In German, with abstract in English).
  8. Long D, Marshman G. Generalized essential telangiectasia. Australas J Dermatol. 2004 Feb;45(1):67-9.
  9. Buscaglia DA, Conte ET. Successful treatment of generalized essential telangiectasia with the 585-nm flashlamppumped pulsed dye laser. Cutis. 2001;67:107-108.

Viết bài: THS.BS Trịnh Ngọc Phát

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *