Vitamin D và da

posted 08/08/2020 LISA

Vitamin D và vai trò của vitamin D đối với sức khỏe xương là kiến thức thưởng thức cơ bản, phổ biến và được truyền thông nhắc đến rất nhiều. Hai nguồn cung cấp vitamin D chính gồm:

  • Ngoại sinh từ thực phẩm:
  • Vitamin D2 (ergocalciferol): Thực vật (nấm)
  • Vitamin D3 (cholecalciferol): Động vật (cá, trứng, sữa…)
  • Sản xuất nội sinh khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trởi (đặc biệt là tia UVB): chủ yếu, chiếm 80% nguồn vitamin D ở người.

Trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm của những tháng mùa hè, câu hỏi được đặt ra là phơi nắng như thế nào để vừa đảm bảo đạt được nồng độ vitamin D tối ưu vừa an toàn cho da.

1. Đại cương

1.1 Vai trò của vitamin D

–     Giúp tăng hấp thu calci ở ruột và ống thận, tăng tích tụ calci ở xương

–     Một số vai trò khác như: biệt hóa tế bào, điều hòa miễn dịch, bài tiết insulin

–     Trong chuyên ngành Da liễu, vitamin D có vai trò:

+     Điều hòa sự tăng sinh và biệt hóa biểu bì.

+     Vai trò trong chu kỳ nang lông.

+     Vai trò trong một số bệnh Da liễu: vảy nến, viêm da cơ địa, bạch biến, rụng tóc từng mảng, lupus ban đỏ hệ thống, ung thư da,…

Một số nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin D có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn, gãy xương, ung thưvà bệnh tim mạch. Các cuộc khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia của Hoa Kỳ (NHANES) cho thấy mối liên quan đáng kể giữa nồng độ vitamin D huyết thanh thấp và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu về vitamin D đều đồng thuận với kết luận này và vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi.

1.2 Cơ chế tổng hợp vitamin D

Khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tiền chất của vitamin D trong da là 7-dehydrocholesterol được chuyển thanh tiền tố vitamin D (previtaminD3). Vitamin D3 được giải phóng vào tuần hoàn và gắn với protein vận chuyểnrồi vận chuyển đến gan. Ở gan nhờ enzym 25 hydroxylase, vitamin D3 được chuyển thành  25-hydroxyvitamin D (25(OH)D haycalcidiol). Sau đó, 25 (OH) D được chuyển đổi ở thận thành dạng hoạt động là1,25-dihydroxy vitamin D (1,25 (OH) 2D hay calcitriol).

Tình trạng vitamin D được đánh giá bằng nồng độ 25 (OH) D huyết thanh. Nồng độ này phản ánh cả lượng vitamin D từ phơi nhiễm tia UV và lượng vitamin D trong chế độ ăn.

Theo tiêu chuẩn của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, nồng độ 25 (OH) D huyết thanh ≥ 50 nmol/L được voi là đầy đủ cho xương và sức khỏe tổng thể ở những người khỏe mạnh.

1.3 Tác động của ánh sáng mặt trời tới làn da.

Ánh sáng mặt trời bao gồm bức xạ UV, ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại. Trong đó, tác động của bức xạ UV tới làn da là được nói đến nhiều nhất.

Bức xạ UV gồm:

UVC: bước sóng ngắn 100 – 290 nmm bị hấp thu hoàn toàn bởi tầng ozone, không thể đến bề mặt trái đất, vì vậy thường không gây hại.

UVB: bước sóng dài hơn từ 290 – 320 nm, chiếm 5 – 10% bức xạ UV của mặt trời. Tia UVB có thể gây bỏng nắng, rám nắng.

UVA: bước sóng dài nhất 320 – 400 nm, chiếm 90 – 95% bức xạ UV của mặt trời, tác dụng gây đột biến ADN từ đó gây ung thư da.

Tác động của ánh sáng mặt trời với làn da có thể chia thành

Tác động cấp tính: rám nắng, cháy nắng

Tác động mạn tính: lão hóa da, dày sừng ánh sáng, ung thư da (Tác động mạn tính là kết quả của sự tích lũy thiệt hại và giảm khả năng sửa chữa).

Chính vì những tác động có hại này của ánh sáng mặt trời, các biện pháp chống nắng được khuyến cáo rộng rãi để ngăn ngừa ung thư da và các khối u ác tính. Tuy nhiên, vì tác động có lợi của tia UV là tổng hợp vitamin đã dẫn đến mối lo ngại rằng việc chống nắng nghiêm ngặt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thông qua việc giảm nồng độ vitamin D xuống dưới mức tối ưu.

 2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ vitamin D

Các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ vitamin D có thể chia thành 2 nhóm là các yếu tố bên ngoài và các yếu tố cá nhân. Trong đó, các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng dến nồng độ vitamin D thông qua tác động của nó đến lượng bức xạ UVB.

Bảng 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ vitamin D

Các yếu tố bên ngoài như vĩ độ, mùa, khoảng thời gian trong ngày. ảnh hưởng đến nồng độ vitamin D thông qua việc góc thiên đỉnh mặt trời ảnh hưởng đến lượng tia UV chiếu đến bề mặt trái đất.

Góc thiên đỉnh của mặt trời được xác định là góc giữa phương thẳng đứng với vị trí của mặt trời trên bầu trời. Khi góc thiên đỉnh nhỏ nhỏ, đường truyền của tia UV từ mặt trời tới bề mặt trái đất ngắn nên năng lượng ít bị suy giảm và tất cả các photon trong chùm tia rơi xuống một diện tích nhỏ, khi đó cường độ bức xạ UV là mạnh nhất.

Như đã nói ở trên, tia UVB có bước sóng ngắn hơn UVA, bị hấp thu mạnh bởi tầng ozone. Vì vậy, cường độ bức xạ UVB mạnh nhất khi góc thiên đỉnh nhỏ nhất, tức là lúc mặt trời lên đình vào giữa trưa. Trước 10h sáng và sau 4h chiều, tia UVB bị hấp thu gần như hoàn toàn bởi tầng ozone, chỉ có chủ yếu tia UVA nên vitamin D sẽ không được tổng hợp nếu phơi nắng.  Nói như vậy thì để nhận được bức xạ UVB, chúng ta nên phơi nắng trong khoảng 10 – 16h.

Một số nghiên cứu nhận thấy, tiếp xúc với 0.33 hoặc 0.5 MED (liều ban đỏ tối thiểu) từ 2 – 3 lần/tuần ở cánh tay, bàn tay, mặt là đủ để đạt nồng độ vitamin D tối ưu. Hoặc tiếp xúc với 0.5 MED ở cánh tay và cẳng chân có thể tạo 3000 UI vitamin D. Như vây, những người da sáng màu có thể sản xuất đủ vitamin D khi ở dưới ánh sáng mặt trời giữa trưa 5 – 30 phút.

Khi cơ thể già đi, lượng 7-dehydrocholesterol giảm xuống dẫn đến giảm khả năng tổng hợp vitamin D. Ngoài ra, ở những người cao tuổi, một số yếu tố khác làm giảm nồng độ vitamin D nư: làn da tối màu, thời gian phơi nhiễm ánh nắng giảm, béo phì, một số rối loạn chuyển hóa, sử dụng một số loại thuốc…Nghiên cứu của Meehan và cộng sự năm 2014 cho thấy thiếu vitamin D phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe ở người cao tuổi (loãng xương, có thể liên quan đến suy giảm nhận thức , trầm cảm, bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa, ung thư…). Vì vậy, những người cao tuổi cần bổ sung vitamin D.

Nghiên cứu tới ảnh hưởng của kem chống nắng đến nồng độ vitamin D, Holick và cộng sự nhận thấy bôi kem chống nắng đúng cách với spf 15 làm giảm tổng hợp vitamin D 99.9%, spf 8 làm giảm 97.5%. Nghiên cứu của Caitriona và cộng sự về nồng độ vitamin D ở nhóm người tuân thủ bôi chống nắng nghiêm ngặt (nhóm bệnh nhân bị lupus ban đỏ) cho thấy một tỷ lệ lớn bị thiếu vitamin D, các tác giả khuyến cáo những người này nên bổ sung vitamin D 400 UI/ngày. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của M.Norval và cộng sự về nồng độ vitamin D khi sử dụng kem chống nắng lâu dài lại nhận thấy sử dụng kem chống nắng không gây thiếu vitamin D, nguyên nhân của điều này là do:

  • Lượng kem chống nắng sử dụng không đủ
  • Không bôi nhắc lại sau mỗi 2h
  • Người dùng kem chống nắng có xu hướng tiếp xúc ánh sáng nhiều hơn người không sử dụng.

Ngoài ra, khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ 2003 – 2006 cho thấy, Ở trong bóng râm và mặc áo dài tay có liên quan đáng kể với mức 25 (OH) D thấp và thiếu vitamin D còn đội mũ thì không.

3. Có nên tắm nắng không?

Vì các tác động có hại của bức xạ UV, hội Da liễu Hoa Kỳ không khuyến cáo phơi nắng. Hiệp hội này cũng đưa ra khuyến cáo chống nắng và phát hiện sớm ung thư da ở người da màu:

  • Tìm kiếm bóng râm bất cứ khi nào có thể.
  • Mặc quần áo chống nắng.
  • Đội một chiếc mũ rộng vành để che mặt và cổ, và đi giày che toàn bộ bàn chân.
  • Đeo kính râm có khả năngchống tia cực tím.
  • Bôi kem chống nắng phổ rộng với spf từ 30 trở lên. Kem chống nắng không có bộ lọc vô cơ (titan dioxide và kẽm oxit) thường được người da màu chấp nhận tốt hơn vì khả năng tạo màu tốt hơn trên làn da tối màu.
  • Thoa kem chống nắng khi da khô 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài trời. Khi ở ngoài trời, bôi nhắc lại sau mỗi 2 giờ cho tất cả vùng da tiếp xúc và sau khi ra mồ hôi hoặc bơi lội.
  • Tránh tiếp xúc với giường tắm nắng.
  • Uống bổ sung vitamin D.
  • Kiểm tra da hàng tháng, chú ý đến các vị trí lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc, bẹn và khu vực quanh hậu môn.

Đối với trẻ em thì sao? Làn da của trẻ có đặc điểm

  • Lượng melanin bảo vệ thấp hơn + lớp sừng mỏng hơn (đặc biệt trẻ < 3 tuổi) => Tia UV xâm nhập sâu hơn
  • Lớp đáy giàu tế bào gốc => dễ bị đột biến do tia UV
  • Da mỏng => tăng tỷ lệ hấp thu và mất nước qua da => dễ bị cháy nắng
  • Rám nắng có thể xảy ra trong tháng đầu tiên của cuộc đời (30-45 ngày)
  • Tổn thương do ánh nắng xảy ra ở trẻ em thuộc tất cả các type da
  • Phơi nhiễm tia UV trong thời thơ ấu => tăng nguy cơ ung thư da sau này (Leslie K Dennis et al: cháy nắng trong thời thơ ấu => tăng gấp đôi nguy cơ phát triển ung thư da ở tuổi trưởng thành).

Hiệp hội Nhi khoa Hoa kỳ đã đưa ra khuyến cáo về các biện pháp chống nắng cho trẻ sơ sinh và trẻ em:

Với trẻ <6 tháng tuổi

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời
  • Sử dụng quần áo và mũ bảo hộ thích hợp.
  • Thoa kem chống nắng trên những khu vực nhỏ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi không thể tránh nắng.

Trẻ >= 6 tháng tuổi

  • Bảo vệ da bằng cách mặc quần áo mát mẻ, thoải mái, che phủ cơ thể.
  • Sử dụng mũ.
  • Hạn chế phơi nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều .
  • Sử dụng kính râm cókhả năng chống tia cực tím.
  • Bôikem chống nắng phổ rộng với SPF ≥15, thoa 15-30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ và sau khi bơi, đổ mồ hôi hoặc lau khô bằng khăn.
  • Đối với các khu vực nhạy cảm của cơ thể (mũi, má, đỉnh tai, vai), sử dụng kem chống nắng có chứa kẽm oxid hoặc titanium oxid.
  • Bổ sung vitamin D 400 IU mỗi ngày.

4. Bổ sung vitamin D thể nào

Dựa trên các bằng chứng khoa học hiện có về vai trò chính của canxi và vitamin D đối với sức khỏe của xương, Học viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo lượng vitamin D từ chế độ ăn uống cần thiết là:

  • 400 đơn vị quốc tế cho trẻ sơ sinh / trẻ em 0-1 tuổi
  • 600 IU cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn 1-70 tuổi
  • 800 IU cho người lớn trên 71 tuổi

Theo Bộ Y tế của Vương quốc Anh, các đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D gồm có

  • Phụ nữ có thai và cho con bú, đặc biệt là vị thành niên và phụ nữ trẻ
  • Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi
  • Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên
  • Người ít hoặc không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ví dụ như người ở trong nhà suốt thời gian dài.
  • Người có làn da tối màu như người châu Phi, Nam á bởi cơ thể họ có thể tổng hợp không đủ vitamin D (chú ý là đây là khuyến cáo của Vương quốc Anh, cho những người có làn da tối màu ở Vương quốc Anh với các đặc điểm địa lý, thời tiết của Anh quốc).

Bộ Y tế Vương quốc Anh khuyến cáo các đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D nên bổ sung vitamin D với liều:

  • Tất cả phụ nữ có thai và cho con bú nên uống bổ sung vitamin D 10 µg/ngày (400 UI/ngày).
  • Tất cả trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi nên bổ sung vitamin D dưới dạng giọt 7 – 8.5 µg/ngày (280 – 340 UI/ngày). Tuy nhiên những trẻ ăn sữa bột không cần bổ sung vitamin D đường uống cho đến khi chúng uống ít hơn 500 ml sữa/ngày vì những sản phẩm sữa đã được bổ sung vitamin D. Trẻ sơ sinh bú mẹ cần bổ sung vitamin D từ 1 tháng tuổi nếu trong thời gian mang thai mẹ của trẻ không bổ sung vitamin D.
  • Những người từ 65 tuổi trở lên và những ngời không tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời cũng nên bổ sung vitamin D 10 µg/ngày (400 UI/ngày).

Tài liệu tham khảo

  1. Cestari T. and Buster K. (2017). Photoprotection in specific populations: Children and people of color. Journal of the American Academy of Dermatology, 76(3, Supplement 1), S110–S121.
  2. Agbai O.N., Buster K., Sanchez M., et al. (2014). Skin cancer and photoprotection in people of color: A review and recommendations for physicians and the public. Journal of the American Academy of Dermatology, 70(4), 748–762.
  3. Saraff V. and Shaw N. (2016). Sunshine and vitamin D. Arch Dis Child, 101(2), 190–192.
  4. Kechichian E. and Ezzedine K. (2018). Vitamin D and the Skin: An Update for Dermatologists. Am J Clin Dermatol, 19(2), 223–235.
  5. Holick M.F. (2004). Vitamin D: importance in the prevention of cancers, type 1 diabetes, heart disease, and osteoporosis. Am J Clin Nutr, 79(3), 362–371.
  6. Meehan M. and Penckofer S. (2014). The Role of Vitamin D in the Aging Adult. J Aging Gerontol, 2(2), 60–71.
  7. Webb A.R. (2006). Who, what, where and when-influences on cutaneous vitamin D synthesis. Prog Biophys Mol Biol, 92(1), 17–25.
  8. VITAMIN D – ADVICE ON SUPPLEMENTS FOR AT RISK GROUPS.

Bài viết: BSNT Phạm Diễm Hương

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phiên đồng thời: Hội thảo khoa học, chủ đề 'Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu'

Phiên đồng thời: Hội thảo khoa học, chủ đề "Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu"

Phiên đồng thời: Hội thảo khoa học, chủ đề "Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu".

Tin hoạt động- 17 giờ trước

Phiên toàn thể: Hội thảo khoa học, chủ đề 'Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu'.

Phiên toàn thể: Hội thảo khoa học, chủ đề "Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu".

Phiên toàn thể: Hội thảo khoa học, chủ đề "Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu"..

Tin hoạt động- 18 giờ trước

Khai mạc hội thảo khoa học: Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu.

Khai mạc hội thảo khoa học: Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu.

Khai mạc hội thảo khoa học: Dầu gội trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tóc và da vùng đầu..

Tin hoạt động- 18 giờ trước

Thông báo: Mời báo giá Hóa chất, Vật tư y tế tiêu hao

Thông báo: Mời báo giá Hóa chất, Vật tư y tế tiêu hao

Thông báo: Mời báo giá Hóa chất, Vật tư y tế tiêu hao.

Báo giá- Mời thầu- 4 ngày trước

Chương trình LIVESTREAM, chủ đề: 'Kết hợp filler và botulinum toxin trong trẻ hóa da'

Chương trình LIVESTREAM, chủ đề: "Kết hợp filler và botulinum toxin trong trẻ hóa da"

Bác sĩ tham gia: TS.BS. Vũ Thái Hà - Trưởng Khoa NC&ƯD Công nghệ Tế bào gốc.

Video- 1 tuần trước

Tổ chức lễ khai giảng lớp 'tiêm chất làm đầy trong thẩm mỹ da' khóa 8

Tổ chức lễ khai giảng lớp "tiêm chất làm đầy trong thẩm mỹ da" khóa 8

Tổ chức lễ khai giảng lớp "tiêm chất làm đầy trong thẩm mỹ da" khóa 8.

Tin hoạt động- 1 tuần trước

largeer