Xử trí nấm, mụn và các bệnh ngoài da sau mưa lũ

Xử trí nấm, mụn và các bệnh ngoài da sau mưa lũ

 Nấm da, phát ban, chốc, ghẻ lở, mụn nhọt… là các bệnh ngoài da thường gặp sau mưa lũ và ngập lụt. 

Bệnh về da thường xuất hiện sau mưa lũ. Ảnh: Thanh Thanh

Nước ăn chân hay là nấm kẽ chân là một bệnh thường phát triển trong mùa mưa, lũ. Do khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm trichophyton rubrum phát triển và gây bệnh ở các kẽ ngón chân. Điều trị bệnh không khó, nhưng cần biết dùng thuốc đúng mới mang lại hiệu quả.

Những ngày này, số bệnh nhân gặp các vấn đề về da do mưa lũ đến khám gia tăng đáng kể tại Bệnh viện Da liễu Trung ương….

Theo TS.BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Trung ương, tỉ lệ bệnh nhân tăng lên tương đối, tăng lên so với mùa khô khoảng 30%.

Sở Y tế Hà Nội thông tin về tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt, có 667 bệnh nhân mắc bệnh về da, tiêu hoá và mắt, trong đó chủ yếu là bệnh về da chiếm hơn 76% (với 508 ca).

Nhóm bệnh thứ nhất là nhóm bệnh viêm da. Bệnh viêm da xảy ra khi tiếp xúc với các hóa chất. Trong bão lũ, các hóa chất, phân bón tan vào dòng nước, khi con người tiếp xúc sẽ gây nên tình trạng viêm da.

Nhóm bệnh thứ 2 là bệnh nhiễm trùng và nấm da. Xác động vật chết, phân rữa trong nước tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi sinh vật sinh sôi nảy nở phát triển.

Nhóm bệnh thứ 3 là chấn thương da. Bệnh xảy ra khi các loại côn trùng bị phá vỡ môi trường sống sẽ trở nên hung hãn và tấn công con người.

Nhóm bệnh thứ 4 xảy ra trên cơ địa của những người mắc các bệnh về da mãn tính như vảy nến, viêm da cơ địa…

Nước ăn chân xuất hiện ban đầu từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4. Sau đó nếu không điều trị sẽ nhanh chóng lây lan ra toàn bộ các kẽ chân và toàn bộ bàn chân, gây ra các triệu chứng điển hình như: Vùng da bàn chân, kẽ chân luôn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, bong tróc...; Vùng da kẽ ngón chân bị mủn có màu trắng bợt; Da kẽ chân bị nứt, loét, gây rỉ nước hoặc chảy máu, đau; Vùng bị nấm có màu hồng hoặc đỏ hơn so với các vùng da còn lại.

"Khi gặp vấn đề bất bình thường về làn da, nên khám sớm tại chuyên khoa da liễu, thói quen sinh hoạt cũng cần phải thay đổi trong thời kỳ mưa lũ, không đi tất ẩm, giày ẩm, có thói quen vệ sinh thân thể hàng ngày.Trong trường hợp phải lội nước mưa, về phải rửa bằng sản phẩm làm sạch phù hợp, chấm khô kẽ chân, kẽ tay…", TS.BS Phạm Thị Minh Phương cho hay.

Nguồn: Laodong.vn