Hội chẩn chẩn đoán, điều trị và quản lý 2 ca bệnh phong

posted 07/03/2022 Admin 3

Bệnh Phong, theo quan niệm cũ, một trong tứ chứng nan y, lâu nay đã bị lãng quên ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới nhờ những tiến bộ vượt bậc trong việc sử dụng đa hóa trị liệu.

Theo thống kê, số ca mắc mới hàng năm tại Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 748 ca năm 2011 xuống còn 73 ca năm 2020. Tuy nhiên, trong chiến tuyến chống Phong, bên cạnh niềm vui khi số ca mắc mới giảm, các bác sỹ luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm đối với những bệnh nhân phong cũ và giờ đây, với cả những bệnh nhân Phong mới.

Bệnh nhân Phong cũ bị xã hội lãng quên do những tàn tật mà căn bệnh mang lại, họ phải chịu đựng những hắt hủi của xã hội do hình hài xấu xí. Đối với những bệnh nhân Phong mới, chẩn đoán đúng đã trở nên thách thức hơn khi bệnh biểu hiện triệu chứng đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm hoặc bị bỏ qua. Yếu tố dịch tễ khó lường khi có những ca bệnh được chẩn đoán ngay tại nội thành Hà Nội. Thách thức tiếp theo là những bệnh nhân Phong kháng thuốc, bệnh nhân có cơn phản ứng Phong dai dẳng, không đáp ứng điều trị, thậm chí gặp nhiều tác dụng không mong muốn do dùng thuốc kéo dài.

Từ khó khăn trên, Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận thấy yêu cầu cấp thiết, phải nhìn nhận và đánh giá lại hiện trạng chẩn đoán, điểu trị và quản lý bệnh Phong, cũng như để trao đổi và hướng dẫn cho lực lượng phòng chống Phong của địa phương.

Trên tinh thần đó, chiều 04/3/2022, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tổ chức buổi hội chẩn chuyên môn 2 ca bệnh phong, hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham gia trực tiếp buổi hội chẩn gồm có PGS.TS. Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện; ThS.BS. Trần Mẫn Chu, Chuyên gia xét nghiệm Giải phẫu bệnh, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện; TS.BS. Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc; TS.BS. Đinh Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến; ThS.BS. Lê Thị Mai, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến. Tham gia trực tuyến buổi hội thảo là các bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh Phong tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Da liễu tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh nhân số 1, nam, 55 tuổi, địa chỉ Hậu Lộc, Thanh Hóa, đã được chẩn đoán Phong và cơn phản ứng Phong loại I tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cách đây trên 1 năm. Bệnh nhân được quản lý và điều trị tại địa phương theo phác đồ nhiều vi khuẩn và corticoid toàn thân để ức chế cơn phản ứng Phong. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn thỉnh thoảng xuất hiện nhiều nodule, một loại thương tổn của phản ứng Phong loại II. Kết thúc 12 tháng trị liệu, bệnh nhân không tái khám, tự uống corticoid. Các thương tổn nhanh chóng xuất hiện trở lại và bệnh nhân nhập viện. Bệnh nhân đã hoàn thành đủ liệu trình đa hóa trị liệu tuy nhiên vẫn còn cơn phản ứng phong và chuyển thể phản ứng miễn dịch là một trong những thách thức trong điều trị hiện nay.

Bệnh nhân số 2, nữ 49 tuổi. Bệnh nhân ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thương tổn ban đầu là các ban đỏ ở mặt. Bệnh nhân đã đi khám tại 1 bệnh viện lớn ở Hà Nội, được chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống và điều trị bằng corticoid toàn thân. Thương tổn giảm nhưng hay tái phát. Bệnh nhân được điều trị dai dẳng nhiều đợt trong thời gian dài. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sỹ nghi ngờ cơn phản ứng phong loại II, chỉ định xét nghiệm mô bệnh học và phát hiện được đặc điểm điển hình của bệnh Phong. Bệnh nhân đã được điều trị bằng phác đồ đa hóa trị liệu, điều trị cơn phản ứng phong bằng thuốc lamprene và corticoid toàn thân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, khi giảm liều corticoid, bệnh nhân xuất hiện trở lại các thương tổn trở lại cộng với tình trạng tăng sắc tố da do tác dụng không mong muốn của Lamprene, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý bệnh nhân.

Qua buổi hội chẩn 04/3/2022, chúng ta nhận ra, điều trị bệnh phong, tuy theo phác đồ, nhưng trên từng người bệnh cụ thể, còn nhiều điều các bác sỹ lâm sàng cần lưu ý. Buổi hội chẩn đã đưa ra hướng quản lý, điều trị đối với 02 bệnh nhân cụ thể, nhưng quan trọng hơn là truyền đạt kinh nghiệm quý báu trong quản lý và điều trị bệnh nhân phong cho các bác sỹ tham gia. Buổi hội chẩn cũng nhắc nhở cộng đồng cần nâng cao nhận thức để bệnh phong không còn cơ hội quay trở lại.

Hình ảnh minh hoạ

 

Tham gia hội chẩn trực tiếp và trực tuyến

Trái sang phải: Ths.BS. Trần Mẫn Chu; PGS.TS. Lê Hữu Doanh; TS.BS. Vũ Thái Hà.

PGS.TS. Lê Hữu Doanh khám trực tiếp bệnh nhân và hướng dẫn các bác sỹ trẻ

Ảnh và bài: Phòng Chỉ đạo tuyến

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hội chứng DRESS

Hội chứng DRESS

.

Chuyên môn- 10 giờ trước

Khô da sắc tố

Khô da sắc tố

.

Chuyên môn- 14 giờ trước

Vảy nến mủ ở phụ nữ có thai (Pustular psoriasis of pregnancy)

Vảy nến mủ ở phụ nữ có thai (Pustular psoriasis of pregnancy)

.

Chuyên môn- 14 giờ trước

Liệt mặt, viêm não do zona thần kinh

Liệt mặt, viêm não do zona thần kinh

.

Tin sức khỏe- 1 ngày trước

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng.

Tin hoạt động- 1 ngày trước

Thông báo về việc chào giá gói thầu 'Cung cấp mực cho máy in văn phòng của Bệnh viện Da liễu Trung ương'

Thông báo về việc chào giá gói thầu "Cung cấp mực cho máy in văn phòng của Bệnh viện Da liễu Trung ương"

.

Báo giá- Mời thầu- 1 ngày trước

largeer