Colchicin trong điều trị bệnh ý da liễu

posted 04/12/2020 LISA

1.Đại cương

Colchicin là dẫn chất của phenanthren chiết xuất từ cây Colchicum (cây bả chó) được FDA chấp thuận trong điều trị sốt Địa trung hải có tính chất gia đình và đợt Gout cấp [1]. Bên cạnh đó, colchicin cũng đã được sử dụng “off-label” để điều trị một số bệnh lý da liễu.

Một bệnh nhân nữ 20 tuổi đến bệnh viện Da liễu trung ương với nhiều sẩn đỏ xuất huyết nổi gờ cao lên bề mặt da ở cẳng chân 2 bên trong 1 năm nay. Sinh thiết cho kết quả viêm mạch vỡ bạch cầu đa nhân trung tính (LCV – leukocytoclastic vasculitis). Bệnh nhân không có rối loạn cơ qua khác. Tổn thương da tái đi tái lại 8 lần trong vòng 1 năm nay và không đáp ứng với corticoid. Bệnh nhân được điều trị bằng colchicin 1mg/ngày, tổn thương cải thiện trong vòng 1 tuần. Sau đó duy trì thuốc trong 6 tháng, theo dõi trong 1 năm bệnh nhân không bị tái phát.

Hình 1: Bệnh nhân trước và sau 1 tuần điều trị bằng colchicin

2. Đặc tính dược lý học [2]

2.1. Cơ chế

– Làm đứt gãy tubulin (vi ống) và ức chế phân bào

Colchicin có thể gắn với các vi ống, ức chế sự lắp ráp, polymer hoá các vi ống. Vi ống đóng vai trò quan trọng trong tạo khung xương tế bào, duy trì hình thái tế bào, sự di chuyển vật chất nội bào, bài tiết cytokin, chemokin, điều hoà kênh ion và tham gia vào phân bào.

Colchicin ức chế phân bào ở kì giữa (metaphase) à tác động mạnh vào các mô đang tăng sinh mạnh như: tuỷ xương, da, lông tóc.

– Chống viêm thống qua việc làm đứt gãy các vi ống và hạn chế chức năng di chuyển của các bạch cầu

–  Tác động lên hệ miễn dịch

Ức chế hoá ứng động bạch cầu đa nhân trung tính.

2.2. Dược động học

Là một alkaloid tan trong mỡ. Sau khi uống nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 1h, thuốc chuyển hoá qua gan, tuy nhiên tích tụ chủ yếu trong bạch cầu, nồng độ đỉnh trong bạch cầu đạt được sau 48h, đây cũng là khoảng thời gian hiệu ứng chống viêm đạt tác dụng tối đa.

Thời gian bán thải lên đến 20 – 40h, thuốc chủ yếu đào thải qua gan, ở người bình thường khoẻ mạnh có 10 – 20% đào thải qua thận.

2.3. Liều

Liều thay đổi, thường dùng là 0,5mg x 1 – 2 lần/ngày.

FDA phân loại C đối với phụ nữ có thai. Thuốc đã được chứng minh là có tiết qua sữa mẹ cho con bú.

Với trẻ em, colchicin được chứng minh là an toàn khi sử dụng dài ngày để điều trị sốt Địa Trung Hải có tính chất gia đình.

2.4. Tác dụng phụ

Tác dụng phụ hay gặp nhất là trên đường tiêu hoá: 5-10% gặp buồn nôn, nôn và tiêu chảy (do làm phân triển nhanh các tế bào biểu mô đường tiêu hoá), mất đi hoặc cải thiện khi giảm liều. Ít gặp hơn: tăng men gan, độc cơ, rụng tóc.

3. Ứng dụng của colchicin trong điều trị bệnh da liễu

Dựa trên tác động của thuốc trên bạch cầu đa nhân trung tính, colchicin được áp dụng trong nhiều loại bệnh da liễu liên quan đến bạch cầu đa nhân trung tính. Bài viết này sẽ nói về 3 chỉ định phổ biến nhất của colchicin trong da liễu gồm: viêm mạch LCV (leukocytoclastic vasculitis), hội chứng Sweet và loét áp tái diễn.

3.1. LCV (leukocytoclastic vasculitis)

– LCV là một thuật ngữ giải phẫu bệnh bao gồm các đặc điểm sau

+ Thâm nhiễm bạch cầu đa nhân trung tính.

+ Hoại tử fibrin (lắng đọng fibrin trong thành mạch – và quanh mạch)

+ Dấu hiệu tổn thương mạch máu: hồng cầu thoát mạch, tổn thương tế bào nội mô mạch máu.

– Căn nguyên:

+ Ở trẻ em, LCV chủ yếu liên quan đến viêm mạch Schonlein Henoch.

+ Ở người lớn do nhiều nguyên nhân: viêm mạch hệ thống, bệnh hệ thống, bệnh ác tính, nhiễm trùng, thuốc, v.v.

Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào căn nguyên và mức độ nặng bệnh. Nếu bệnh nhân chỉ có tổn thương da thì xử trí bao gồm kê cao chân, colchicin, dapsone hoặc corticoid liều thấp (cân nhắc liều cao nếu hình thành nốt phỏng, loét) [3].

Trong LCV mạn tính và tái phát, colchin được coi là lựa chọn đầu tiên. Liều khoảng 0,5mg x 2 lần / ngày sau 1 tuần tăng lên 0,5mg x 3 lần / ngày nếu không có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

– Bằng chứng:

+ Colchicin được sử dụng rộng rãi cho LCV tuy nhiên bằng chứng chỉ dựa trên loạt trường hợp lâm sàng và nghiên cứu thuần tập hồi cứu. Callen và cộng sự đã báo cáo loạt ca lâm sàng trên 13 bệnh nhân LCV được điều trị bằng colchicin, 9/13 đạt được kiểm soát bệnh hoàn toàn, hiệu quả thu được chỉ sau 7 đến 10 ngày [4].

+ Hazen và Michen mô tả 6 bệnh nhân viêm mạch hoại tử được quản lý bằng colchicin, 5/6 có cải thiện về mặt lâm sàng và 3/6 duy trì kết quả sau khi ngưng [5].

+ Sais và cộng sự trong một thử nghiệm ngẫu nhiên nhỏ có đối chứng đã phát hiện ra rằng LCV ở bệnh nhân Behcet, viêm mạch mày đay và loét đáp ứng với liệu pháp colchicin. Và tác giả đã khuyến cáo sử dụng colchicin như một trong những lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm mạch ở da [6].

3.2. Hội chứng Sweet

Hội chứng Sweet là bệnh lý da có sốt cấp tính và tăng bạch cầu đa nhân trung tính đặc trưng bởi sự thâm nhiễm của bạch cầu trung tính ở lda nên colchicin tác động vào cơ chế này. Corticoid đường uống là liệu pháp đầu tay (0,5 – 1,5mg / kg / ngày giảm dần) tuy nhiên colchicin cũng được coi là lựa chọn đầu tiên, đặc biệt trong các trường hợp chống chỉ định dùng corticoid. Amouri và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu hồi cứu trên 90 bệnh nhân mắc hội chứng Sweet. Colchicin được sử dụng thường xuyên hơn corticoid (lần lượt là 48,9% và 33,3%), liều dao động từ 1 đến 2 mg / ngày. 68,2% bệnh nhân sử dụng colchicin có cải thiện triệu chứng toàn thân sau 24 – 48 giờ. Các tổn thương trên da được cải thiện sau 7 – 14 ngày. 2 bệnh nhân phải ngừng sử dụng thuốc vì nổi mày đay và tăng men gan [7]. Maillard và cộng sự đã báo cáo một loạt trường hợp gồm 20 bệnh nhân mắc hội chứng Sweet sử dụng colchicin 1 – 1,5mg / ngày trong 10 – 21 ngày. 18 bệnh nhân đáp ứng điều trị, hết sốt sau 24 – 72 giờ, số lượng tổn thương da giảm sau 2 – 5 ngày và hết đau khớp sau 2 – 4 ngày. Thuốc được dung nạp tốt, chỉ có 1 bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn. 16 bệnh nhân được theo dõi và không bị tái phát sau 2 – 10 năm [8].

3.3. Loét áp tái diễn

Cơ chế bệnh sinh của loét áp tái diễn chưa rõ ràng nên cơ chế của colchicin vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Mục đích trong điều trị loét áp tái diễn là cải thiện chất lượng cuộc sống. Liệu pháp tối ưu là lựa chọn có thể kiểm soát vết loét trong thời gian dài nhất với liều thấp nhất và ít tác dụng phụ nhất. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị tại chỗ thì colchicin cùng với corticoid là thuốc uống đầu tay. Khi dùng phối hợp colchicin với corticoid, colchicin giúp làm giảm liều corticoid nhanh hơn. Colchicin có tác dụng trên tất cả các biến thể lâm sàng của loét áp tái diễn, liều lượng khác nhau giữa các nghiên cứu, từ 0,5 – 1,8mg / ngày. Ở 20 bệnh nhân loét áp được điều trị bằng colchicin 0,5mg x 3 lần / ngày, Katz và cộng sự thấy rằng chỉ sau 1 tuần 19/20 cảm thấy bớt đau, 18/20 cải thiện về số lượng tổn thương. 4/20 có tác dụng phụ thoáng qua không cản trở việc điều trị. Sau 2 tháng, số lượng tổn thương giảm 71% [9]. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên mù đôi trên 34 bệnh nhân RAS, prednisolon 5mg / ngày và colchicin 0,5mg / ngày đều có hiệu quả và không có sự khác biệt đáng kể ở cả hai nhóm về số lượng tổn thương, mức độ tái phát và mức độ đau; colchicin có nhiều tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của colchicin hầu hết mức độ nhẹ như rối loạn tiêu hóa. Trong khi đó, tác dụng phụ trên nhóm prednisolon nặng hơn (nhức đầu và tăng huyết áp). Vì lý do này, một số tác giả đề xuất chỉ sử dụng corticoid đường uống khi bệnh nhân không đáp ứng với colchicin [10].

4.Kết luận

Colchicin là một chất chống viêm mạnh có nhiều cơ chế. Nó là một trong những lựa chọn đầu tay với các bệnh lý da tăng bạch cầu đa nhân trung tính đặc biệt là loét áp tái diễn, viêm mạch LCV và hội chứng Sweet. Colchicin là loại thuốc phổ biến, rẻ tiền và an toàn khi sử dụng với liều điều trị.

Tài liệu tham khảo

  1. Research C. for D.E. and (2018). Colchicine (marketed as Colcrys) Information. FDA.
  2. Leung Y.Y., Hui L.L.Y., and Kraus V.B. (2015). Colchicine — update on mechanisms of action and therapeutic uses. Semin Arthritis Rheum, 45(3), 341–350.
  3. Gota C.E. and Calabrese L.H. (2013). Diagnosis and treatment of cutaneous leukocytoclastic vasculitis. International Journal of Clinical Rheumatology, 8(1), 49–60.
  4. Callen J.P. (1985). Colchicine is effective in controlling chronic cutaneous leukocytoclastic vasculitis. J Am Acad Dermatol, 13(2 Pt 1), 193–200.
  5. Hazen P.G. and Michel B. (1979). Management of necrotizing vasculitis with colchicine. Improvement in patients with cutaneous lesions and Behcet’s syndrome. Arch Dermatol, 115(11), 1303–1306.
  6. Sais G., Vidaller A., Jucglà A., et al. (1995). Colchicine in the treatment of cutaneous leukocytoclastic vasculitis. Results of a prospective, randomized controlled trial. Arch Dermatol, 131(12), 1399–1402.
  7. Amouri M., Masmoudi A., Ammar M., et al. (2016). Sweet’s syndrome: a retrospective study of 90 cases from a tertiary care center. International Journal of Dermatology, 55(9), 1033–1039.
  8. Maillard H., Leclech C., Peria P., et al. (1999). Colchicine for Sweet’s syndrome. A study of 20 cases. Br J Dermatol, 140(3), 565–566.
  9. Katz J., Langevitz P., Shemer J., et al. (1994). Prevention of recurrent aphthous stomatitis with colchicine: An open trial. Journal of the American Academy of Dermatology, 31(3), 459–461.
  10. Pakfetrat A., Mansourian A., Momen-Heravi F., et al. (2010). Comparison of colchicine versus prednisolone in recurrent aphthous stomatitis: A double-blind randomized clinical trial. Clin Invest Med, 33(3), E189-195.

Bài viết: Ths.Bs Thái Thị Diệu Vân

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Biến chứng tiêm Filler tại cơ sở làm đẹp không uy tín

Biến chứng tiêm Filler tại cơ sở làm đẹp không uy tín

.

Tin sức khỏe- 2 ngày trước

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng.

Tin hoạt động- 3 ngày trước

Gây tê làm đẹp thế nào mới an toàn

Gây tê làm đẹp thế nào mới an toàn

.

Tin sức khỏe- 3 ngày trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa..

Tin hoạt động- 5 ngày trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV..

Tin hoạt động- 5 ngày trước

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5.

Tin hoạt động- 5 ngày trước

largeer