HPV trong bệnh ở miệng

posted 28/03/2019 Admin
  1. Đại cương

Human papillomavirus – HPV là virus gây u nhú ở người. Có hơn 100 tuýp HPV, trong đó khoảng 80 tuýp hay gây bệnh ở da và 40 tuýp hay gây bệnh ở niêm mạc, được chia làm 2 nhóm là nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao gây ung thư. Trên lâm sàng hay gặp nhất là bệnh hạt cơm và sùi mào gà do vi rút này gây nên. Ngoài ra HPV cũng gây nên những bệnh có tổn thương trong niêm mạc miệng.

  1. Mối liên quan HPV và ung thư

Các tác nhân nhiễm trùng gây ra 17,8% bệnh ung thư, trong đó HPV xếp thứ 3, chiếm 5,2%. Theo thống kê của CDC trong khoảng thời gian 2008 – 2012, HPV liên quan đến 99,7% ung thư cổ tử cung, 40-90% ung thư vùng sinh dục – hậu môn và 70-80% ung thư vùng hầu miệng.

Các tuýp HPV nguy cơ cao gây ung thư là:  16,18, 31,33,45, 52, 58.. Trong đó hay gặp nhất là tuýp 16,18. Chúng có các gen tiền ung thư E6, E7 làm cho mất tác dụng kiểm soát của gen p53, và gen pRB, từ đó gây kích thích tăng sinh tế bào. HPV tuýp 16 gây khoảng 60-100% ung thư tế bào gai vùng hầu miệng và 13-47,5% ung thư tế bào gai khoang miệng. Tuy nhiên ở người châu Á, tỉ lệ này thấp hơn so với các nước phương Tây

  1. Đường lây truyền

Đường lây truyền là tiếp xúc trực tiếp của da và niêm mạc với tổn thương nhiễm HPV. Vi rút chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Các đường lây truyền khác hiếm gặp hơn là: tự lây nhiễm, hôn, lây từ mẹ sang con lúc đẻ, qua quần áo lót hoặc dụng cụ nhiễm HPV…

Một số nghiên cứu cho thấy có DNA của vi rút trong khói đốt tổn thương nhiễm HPV và có thể gây nhiễm lại u nhú khi tiêm DNA của vi rút gây u nhú ở bò (bovil paphillomavirus – BPV) được phân lập từ khói đốt laser CO2. Trên thế giới có báo cáo 2 trường hợp thủ thuật viên làm việc trong phòng đốt laser CO2 bị mắc ung thư vùng đầu mặt cổ, dương tính với dù yếu tố nguy cơ khác của họ rất thấp. Tuy nhiên các nghiên cứu khác lại thấy rằng không có bằng chứng gia tăng tỷ lệ mắc u nhú ở các thủ thuật viên chuyên về đốt laser CO2 so với quần thể dân số nói chung và không có sự liên quan của tỉ lệ mắc u nhú với số năm làm việc.

HPV có kích thước rất nhỏ nên đa phần khẩu trang và hệ thống lọc ít hiệu quả để ngăn ngừa phơi nhiễm. Chính vì vậy, khi các bằng chứng về việc lây nhiễm HPV từ khói laser CO2 chưa rõ ràng, các thủ thuật viên nên chú ý đến hệ thống hút khói và cần hút sát vào tổn thương khi đốt để giảm nguy cơ lây nhiễm.

  1. Các biểu hiện nhiễm HPV trong miệng
  • Biểu hiện giống hạt cơm thường ở da (verruca vulgaris)

Dạng này ít gặp, chủ yếu do HPV tuýp 2, 4 gây nên, biểu hiện là tổn thương dangi nhú, thường có màu trắng do dày sừng nhiều

 

 Hình 1. Tổn thương trong miệng do lây nhiễm HPV từ hạt cơm ở tay

  • Biểu hiện giống sùi mào gà (condylomata accuminatum)

Dạng này thường gặp ở thanh thiếu niên và người trẻ, do HPV tuýp 6,11,16,18.. gây nên. Tổn thương dạng nhú, bề mặt xù xì, có cuống hoặc không, thường do quan hệ đường sinh dục- miệng, có thể gây loạn sản và ung thư khi nhiễm HPV tuýp nguy cơ cao.

 Hình 2. Tổn thương dạng sùi mào gà ở miệng.

– Tăng sinh thượng bì nhiều ổ (bệnh Heck)

Bệnh do HPV tuýp 13,32 gây nên với yếu tố nguy cơ là vệ sinh kém, gen HLA- DR4… Tổn thương thường là nhiều sẩn nhỏ, gồ nhẹ, dày sừng ít, hay gặp ở môi, niêm mạc má, lưỡi và thường ít nguy cơ ác tính.

Hình 3. Bệnh Heck

  1. Chẩn đoán phân biệt
  • U vàng dạng nhú ở niêm mạc (verruciform xanthoma): tổn thương cũng có dạng nhú màu hơi vàng với cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng, không liên quan đến nhiễm HPV. Bệnh thường được chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học.

Hình 4. U vàng dạng nhú

  • Tăng sản dạng nhú viêm (imflammatory papillary hyperplasia): tổn thương dạng nhú do chấn thương mãn tính, thường gặp ở khẩu cái cứng thường do đeo răng giả kéo dài, vệ sinh kém

Hình 5. Tăng sản dạng nhú viêm

  1. Mối liên quan giữa HPV và bạch sản miệng

Tổn thương trong bạch sản là dát đỏ hoặc trắng, phẳng, trơn, chắc thường xuất hiện ở sàn miệng. Dát màu hỗn hợp đỏ và trắng có nguy cơ ung thư cao hơn. Khoảng 4% các bệnh nhân có thể tiến triển thành ung thư tế bào gai. Tỉ lệ nhiễm HPV ở tổn thương bạch sản khoảng 26,2% trong khi ở niêm mạch bình thường là 10-13%. Các nghiên cứu cho thấy tải lượng virus ở những tổn thương này thường thấp, hiếm khi HPV tích hợp vào bộ gen vật chủ nên vi rút ít có vai trò trong chuyển dạng ác tính của tổn thương.

  1. Điều trị

Tổn thương do nhiễm HPV ở niêm mạc miệng có thể tự thoái triển trong 1-2 năm. Để hạn chế lây nhiễm, nguy cơ ác tính, có thể sử dụng các phương pháp loại bỏ như: thuốc bôi, áp lạnh, laser, phẫu thuật.. Dựa vào đặc điểm, kích thước của tổn thương, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

  1. Phòng bệnh

Hiệu quả của vắc xin trong phòng ngừa nhiếm HPV ở niêm mạc miệng chưa được đánh giá nên chưa được đưa vào khuyến cáo. Chúng ta có thể sử dụng các phương pháp phòng HPV chung như: tiêm vắc xin, hạn chế số lượng bạn tình..

 

Tài liệu tham khảo

  1. Pringle G.A. (2014). The role of human papillomavirus in oral disease. Dent Clin North Am, 58(2), 385–399.
  2. Manson L.T. and Damrose E.J. (2013). Does exposure to laser plume place the surgeon at high risk for acquiring clinical human papillomavirus infection?. Laryngoscope, 123(6), 1319–1320.
  3. Rioux M., Garland A., Webster D., et al. (2013). HPV positive tonsillar cancer in two laser surgeons: case reports. J Otolaryngol Head Neck Surg, 42, 54.

 Bài viết: BSNT. Trịnh Thị Linh

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *