Tính an toàn của các thủ thuật thẩm mỹ da liễu ở phụ nữ có thai và cho con bú

posted 13/05/2022 Admin

Tính an toàn của các thủ thuật thẩm mỹ ở phụ nữ mang thai và đang cho con bú chưa được nghiên cứu rộng rãi. Nguy cơ sức khỏe của bà mẹ và thai nhi là điều quan trọng cần xem xét trước bất kỳ thủ thuật nào được thực hiện. Với sự phổ biến ngày càng tăng của các thủ thuật thẩm mỹ, các bác sĩ sẽ phải đối mặt với các tình huống cần phải có kiến ​​thức về sự an toàn của các thủ thuật được thực hiện trong thời kì mang thai và sau sinh. Hơn nữa, các bác sĩ có thể vô tình thực hiện một số thủ thuật thẩm mỹ trong tam cá nguyệt đầu tiên, trước khi bệnh nhân biết việc mang thai.

 

1. Tiền sử và khám sức khỏe trước khi tiến hành thủ thuật.

Hỏi về tiền sử bệnh lý và khám sức khỏe nên được tiến hành trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào. Cần đặc biệt chú ý đến thuốc bệnh nhân đang sử dụng, vì thuốc có thể ảnh hưởng đến P450 CYP2D6 và CYP3A4,5,7 có thể cản trở chuyển hóa lidocain (Bảng 1).

Bảng 1: Các chất cảm ứng và chất ức chế hoạt động của P450 CYP2D6 và CYP3A4,5,7

Chất cảm ứng Chất ức chế
Barbiturates
Dexamethasone
Glucocorticosteroids
Rifampin
St. John’s Wart
Cimetidine
Cocaine
Doxepin
Erythromycin
Grapefruit juice
Ketoconazole
Ranitidine
Methadone
SSRIs

 

2. Thuốc kháng sinh

Mặc dù các thủ thuật thẩm mỹ thường không yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, nhưng tính an toàn của thuốc kháng sinh được xem xét vì nguy cơ nhiễm trùng sau thủ thuật. Bảng 2 xem xét các danh mục an toàn cho thai kỳ của các loại thuốc kháng sinh thông thường.

Bảng 2: Tính an toàn trong thai kì của một số nhóm kháng sinh thông thường

Tên kháng sinh Phân loại thai kì theo FDA
Kháng sinh tại chỗ Erythromycin

Metronidazole

Mupirocin

Neomycin

Polymycin

Clindamycin

B

B

B

B

B

B

Kháng sinh toàn thân Cephalosporin

Clindamycin

Erythromycin

Penicillins

Vancomycin

Ciprofloxacin

Gentamycin

Rifampicin

tetracyclines

B

B

B

B

B

C

C

D

D

 

 

3. Gây tê

    • Thuốc tê dùng ngoài da.

Benzocaine (Phân loại C): Không nên sử dụng benzocaine gây tê tại chỗ trong thai kỳ vì có liên quan đến chứng methemoglobin huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Vì chưa rõ benzocaine có bài tiết qua sữa mẹ hay không, nên thận trọng khi sử dụng thuốc ở phụ nữ cho con bú.

Lidocain 2,5% / Prilocaine 2,5% (Phân loại B): Thuốc bôi tê loại kết hợp Lidocain 2,5% / prilocaine 2,5%  được xem là an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc này gần các bề mặt của mắt vì nguy cơ tổn thương mắt do hóa chất. Mặc dù hiếm gặp, sự hấp thụ toàn thân của prilocaine liều cao có thể gây ra methemoglobin huyết, vì vậy nên sử dụng thuốc này trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với những người lo lắng về việc sử dụng thuốc dạng kết hợp này, có thể sử dụng dạng lidocain liposomal có thời gian giảm đau lâu hơn so với lidocain thông thường.

Tetracaine cream 1%/2%, oiment 1%, Dung dịch tra mắt 0,5% ( Phân loại C): Tetracaine là một loại thuốc gây tê dạng ester tác dụng kéo dài, thuộc phân loại nhóm C cho thai kì. Thuốc hấp thu tối thiểu qua da và không gây kích ứng giác mạc.

3.2 Thuốc tê dạng tiêm

Lidocain (Phân loại B): Lidocain thường được trộn lẫn với các sản phẩm làm đầy thẩm mỹ. Mặc dù được phân loại nhóm B dành cho thai kỳ, nhưng nếu vô tình tiêm thuốc vào động mạch có thể gây ra các nguy cơ về tim mạch cho mẹ và thai nhi. Các triệu chứng bao gồm choáng váng, nhịp tim nhanh, đau đầu. Dấu hiệu hoại tử tại vị trí tiêm là dấu hiệu rõ ràng của việc vô ý tiêm sản phẩm làm đầy vào động mạch. Bất kỳ dấu hiệu nào của sự tổn thương tim đều cần được chú ý ngay lập tức, vì tuần hoàn của thai nhi cũng có thể bị tổn thương. Liều lượng lidocain tiêm dưới da tối đa là 4,5 mg / kg, hoặc 300 mg. Lượng lidocain được sử dụng trong một lần điều trị với chất làm đầy da mặt thấp hơn rất nhiều so với mốc này.

Lidocain Tumescent (Phân loại B): Không có báo cáo nào về việc sử dụng Lidocain Tumescent ở phụ nữ có thai.

 

4. Tính an toàn của các thủ thuật thẩm mỹ trong da liễu trong thai kì

    • Peel da

Axit salicylic (Phân loại C): Còn thiếu các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn của các loại peel với axit salicylic sử dụng trong thai kỳ. Acid acetylsalicylic dạng uống (aspirin) và các thuốc chống viêm không steroid khác có thể được sử dụng an toàn trong thai kỳ mà không có tác dụng phụ cho mẹ hoặc con. Sữa rửa mặt chứa axit salicylic đã bán không cần kê đơn trong nhiều thập kỷ và không có tác dụng phụ nào trong thời kỳ mang thai được báo cáo trong y văn hoặc phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu thực hiện peel da bằng axit salicylic, khuyến cáo nên sử dụng với diện tích giới hạn.

Jessner’s Solution (Resorcinol, Salicylic acid, Lactic acid): Jessner’s Peels có hiệu quả trong việc lột da mức độ trung bình để trẻ hóa da và điều trị các tình trạng như nám da. Do dung dịch Jessner có chứa axit salicylic, nên chỉ nên sử dụng với diện tích da giới hạn. Tuy nhiên, mức độ an toàn của nó khi mang thai vẫn chưa được nghiên cứu.

Axit glycolic: Axit glycolic có khả năng hấp thụ qua da tối thiểu nên về mặt lý thuyết là an toàn trong thời kỳ mang thai. Các thử nghiệm lâm sàng về việc sử dụng nó trong thời kỳ mang thai còn thiếu.

Axit trichloroacetic: Bôi axit trichloroacetic (TCA) tại chỗ có thể an toàn trong thời kỳ mang thai. TCA thường gây kích ứng tại chỗ mà không hấp thu toàn thân. Mặc dù có rất ít nghiên cứu đã khảo sát việc sử dụng các loại mỹ phẩm chứa TCA, nhưng tính an toàn của TCA tại chỗ trong điều trị bệnh lý đã được chứng minh trong thai kì. Trong một nghiên cứu về phụ nữ mắc sùi mào gà khi mang thai được điều trị bằng liệu pháp CO2 kết hợp TCA 85%, các biến chứng được cho là không liên quan đến việc sử dụng TCA. Khi sử dụng TCA để lột da mặt trong thời kỳ mang thai, cần thận trọng để tránh sự hấp thu toàn thân tiềm ẩn qua niêm mạc mắt hoặc miệng. Người mẹ tiếp xúc với liều cao TCA (> 1.000 mg / kg mỗi ngày) có trong các sản phẩm phụ khử trùng nước uống có liên quan đến thai chậm phát triển trong tử cung.

 

4.2 Filler/botox

Botox

Botox ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong y khoa , vì vậy việc tiếp xúc vô tình với botox trong thai kỳ ngày càng phổ biến. Không có thử nghiệm đối chứng nào đánh giá việc sử dụng botox trong thai kỳ, nhưng một số nghiên cứu trong tài liệu da liễu và thần kinh học ủng hộ sự an toàn của onabotulinum toxin loại A trong thai kỳ. Người ta cho rằng trọng lượng phân tử lớn của onabotulinum toxin khiến nó khó có thể truyền qua nhau thai. Hiện còn thiếu các nghiên cứu tương tự về việc sử dụng abobotulinum và incobotulinum toxin trong thời kỳ mang thai. Ở hai bệnh nhân da liễu vô tình được tiêm onabotulinum sớm trong tam cá nguyệt đầu tiên, không có tác dụng phụ nào đối với mẹ và con. Bệnh nhân đầu tiên nhận được 54 IU để điều trị vết nhăn quanh mắt khi mang thai 6 tuần, và bệnh nhân thứ hai nhận được 65 IU khi mang thai 5 tuần. Cả hai đều không biết về việc mang thai của họ vào thời điểm đó. Ở một phụ nữ mang thai khác, onabotulinum toxin đã được tiêm hai lần vào mắt trái để điều trị tật lác mắt hội tụ. Số lượng đơn vị được sử dụng với mỗi lần tiêm không được báo cáo. Không có tác dụng phụ nào đối với mẹ và thai nhi.

Trong các tài liệu về thần kinh học, một số báo cáo đã về việc sử dụng onabotulinum toxin ở phụ nữ có thai với các chỉ định thích hợp. Trong một trường hợp, một phụ nữ 26 tuổi mắc chứng loạn trương lực cổ tử cung vô căn đã được điều trị liên tục với 300 IU onabotulinum toxin mỗi 3 – 6 tháng trong suốt 4 lần mang thai. Tất cả các lần mang thai đều không có biến chứng và các con không có bất kỳ tác dụng phụ nào trong 5 năm theo dõi. Một bệnh nhân khác có chỉ định thần kinh được tiêm 200 IU onabotulinum toxin khi thai được 2 tuần và sinh ra một em bé khỏe mạnh. Trong một cuộc khảo sát với 396 bác sĩ chuyên khoa thần kinh, 12 bác sĩ cho biết đã tiêm cho tổng số 16 phụ nữ mang thai, hầu hết đều được điều trị trong tam cá nguyệt đầu tiên, có 14 phụ nữ sinh con đủ tháng mà không có biến chứng. Một phụ nữ bị sẩy thai có tiền sử sẩy thai tự nhiên trước đó. Một người khác phá thai do lý do riêng không liên quan đến việc tiêm botox.

Mặc dù sự an toàn của việc sử dụng onabotulinum toxin được báo cáo trong các nghiên cứu trước đó, một số báo cáo ca bệnh khác đã báo cáo các tác dụng phụ. Ở một phụ nữ 34 tuổi nhận được 500 IU điều trị loạn trương lực cổ tử cung khi mang thai đôi được 4 tuần, sẩy thai đã xảy ra ở tuần thứ 10, các loại thuốc khác được sử dụng đồng thời bao gồm benztropine (phân loại C), clonazepam (phân loại D) và fluoxetine (phân loại C), có tiền sử sẩy thai một lần trước lần mang thai này. Mối liên quan giữa việc tiêm onabotulinum và sẩy thai là không rõ ràng, bởi vì tất cả những phụ nữ bị sẩy thai sau khi tiêm thuốc đều có tiền sử sẩy thai trước đó. Tuy nhiên, người phụ nữ này nhận được một liều độc tố onabotulinum lớn hơn nhiều (500 IU) so với các trường hợp khác được báo cáo trong y văn. Do đó, việc sử dụng onabotulinum toxin trong thời kỳ mang thai vẫn còn gây tranh cãi trong da liễu và thần kinh. Liều cao của onabotulinum toxin (> 600 IU) cũng có liên quan đến yếu cơ hệ thống.

Filler

Không có báo cáo ca bệnh nào về kết quả của phụ nữ mang thai và con cái của họ sau khi sử dụng axit hyaluronic (HA), axit poly-L-lactic, canxi hydroxylapatite, hoặc chất làm đầy collagen trong thời kỳ mang thai. Vì HA là một thành phần có trong cơ thể, nên nó có thể sử dụng an toàn trong thời kỳ mang thai về mặt lí thuyết. Mặc dù vậy, sự đồng thuận giữa các nhà sản xuất HA đều nên tránh sử dụng chất làm đầy trong thời kỳ mang thai vì thiếu nghiên cứu. Các sản phẩm HA trộn với lidocain cũng không gây ra nguy cơ biến chứng, bởi vì lidocain được phân loại B dành cho thai kỳ, nhưng nguy cơ vô ý tiêm vào động mạch là rất đáng lo ngại vì lidocain có nguy cơ gây tổn thương tim mạch nếu tiêm trực tiếp vào hệ tuần hoàn.

 

4.3 Cấy mỡ tự thân

Cấy mỡ tự thân là thủ thuật lấy chất béo từ một phần của cơ thể và di chuyển nó đến một khu vực khác. Trong thời kỳ mang thai, thai nhi ngày càng phát triển khiến nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ tăng lên. Việc loại bỏ chất béo, dù chỉ để chuyển nó đến một khu vực khác trong cơ thể, có thể gây nguy hiểm cho nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi. Các nguy cơ thuyên tắc mỡ và tắc mạch cũng cần được xem xét cẩn thận. Vì vậy, cấy mỡ tự thân không được khuyến khích trong thai kỳ. Ngoài ra, sự phân bố lại chất béo sinh lý trong và sau khi mang thai có thể làm thay đổi vẻ ngoài thẩm mỹ và sự hài lòng của người phụ nữ. Phụ nữ nên đợi cho đến khi cân nặng của họ đã ổn định sau sinh để thực hiện cấy mỡ tự thân.

 

4.4 Tiêm xơ

Giãn tĩnh mạch phát triển trong thời kỳ mang thai có khả năng thoái triển sau sinh, do đó nên đợi từ 6 – 12 tháng sau sinh trước khi thực hiện liệu pháp tiêm xơ. Có rất ít dữ liệu về tính an toàn của liệu pháp tiêm xơ ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, những hoạt chất tiêm xơ có thể đi qua nhau thai nên chống chỉ định tuyệt đối trong ba tháng đầu và sau tuần 36 của thai kỳ (Rabe và Pannier, 2010).

 

4.5 Hút mỡ

Hút mỡ chống chỉ định tuyệt đối trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kì, vì cần phải dự trữ đầy đủ chất béo để nuôi dưỡng nhu cầu ngày càng tăng của mẹ và thai nhi.

 

4.6 Liệu pháp laser và ánh sáng

Ứng dụng laser trong thẩm mỹ da liễu chưa được nghiên cứu ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, laser đã được sử dụng một cách an toàn để điều trị các tình trạng bệnh lý ở phụ nữ mang thai. Tính an toàn của laser CO2 điều trị sùi mào gà sinh dục ở bệnh nhân đang mang thai được hỗ trợ bởi một số nghiên cứu (Adelson và cộng sự, 1990; Gay và cộng sự, 2003; Schwartz và cộng sự, 1988; Woźniak và cộng sự, 1995 ).

Laser Nd:YAG cũng đã được sử dụng một cách an toàn để điều trị sùi mào gà ở những bệnh nhân đang mang thai (Buzalov và Khristakieva, 1994). Liệu pháp laser sử dụng trong tán sỏi ở phụ nữ có thai cũng đã được báo cáo an toàn. Adanur và cộng sự (2014) đã báo cáo tính an toàn và hiệu quả của laser YAG đối với sỏi niệu quản ở các vị trí khác nhau. Carlan và cộng sự. (1995) đã báo cáo trường hợp sử dụng thành công laser PDL điều trị bệnh sỏi niệu quản  ở một phụ nữ mang thai 20 tuần. Một số báo cáo trường hợp khác cũng cho thấy rằng mụn trứng cá và u hạt sinh mủ đã được điều trị an toàn bằng liệu pháp laser trong thai kỳ (Lee và cộng sự, 2013).

Liệu pháp laser tương đối an toàn ở những bệnh nhân đang mang thai khi được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, liệu pháp laser và ánh sáng xung cường độ cao không được chỉ định cho các thủ thuật thẩm mỹ trong thời kỳ mang thai do thiếu dữ liệu an toàn.

 

4.7 Triệt lông

Triệt lông vĩnh viễn bằng laser hoặc điện phân thường không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai do thiếu dữ liệu an toàn. Có mối lo ngại về ảnh hưởng của điện phân vì nước ối có các thành phần ion dẫn điện. Bệnh nhân được khuyến cáo điều trị rậm lông bằng các loại kem tẩy lông, wax lông trong thời kỳ mang thai.

 

5. Tính an toàn của các thủ thuật thẩm mỹ trong thời kỳ cho con bú

Rất ít nghiên cứu về tính an toàn của các thủ thuật thẩm mỹ trong thời kỳ cho con bú. Mối quan tâm chính trước khi thực hiện bất kì thủ thuật nào ở phụ nữ cho con bú là sự hấp thu toàn thân và bài tiết qua sữa mẹ của các chất, có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh. Lột da bằng hóa chất không có khả năng hấp thụ toàn thân, cẩn thận với các vùng xung quanh bề mặt niêm mạc để tránh nguy cơ hấp thu thuốc. Do đó, peel da được xem là an toàn ở phụ nữ cho con bú. Tương tự, kích thước phân tử lớn của các chất dùng trong filler/botox khiến chúng không được bài tiết vào sữa mẹ. Nguy cơ hấp thu toàn thân thấp nên có thể cân nhắc thực hiện thủ thuật này ở nhóm phụ nữ cho con bú.

Cấy mỡ, liệu pháp xơ hóa, và hút mỡ không được khuyến khích trong thời kỳ hậu sản vì tính chất xâm lấn của các thủ thuật này và thiếu các nghiên cứu về tính an toàn. Ngoài ra, dự trữ mỡ tăng trong thai kì và phụ nữ nên chờ cho cân nặng ổn định sau sinh trước khi theo đuổi các thủ thuật thẩm mỹ.

Đối với các thủ thuật laser, bước sóng ánh sáng không đủ sâu để ảnh hưởng đến chức năng của các ống dẫn sữa về mặt lí thuyết. Liệu pháp laser năng lượng thấp đã được sử dụng để điều trị viêm tuyến vú sau sinh và tăng khả năng lành vết thương do cắt tầng sinh môn. Các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng liệu pháp laser không có tác dụng phụ đối với việc tiết sữa, sản xuất sữa mẹ hoặc chất lượng sữa mẹ.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. K. Trivedi, BS, BA a,b, ⁎, G. Kroumpouzos, MD, PhD c,d , J.E. Murase, MD . A review of the safety of cosmetic procedures during pregnancy and lactation. International Journal of Women’s Dermatology 2017.
  2. KACHIU C. LEE, MD, MPH,*† KAVERI KORGAVKAR, BS,*† RAYMOND . Safety of Cosmetic Dermatologic Procedures During Pregnancy. American Society for Dermatologic Surgery 2013.
  3. Tyler KH, Zirwas MJ. Pregnancy and dermatologic therapy.J Am Acad Dermatol 2013;
  4. Sweeney SM, Maloney ME. Pregnancy and dermatologic surgery.Dermatol Clin 2006;
  5. Nussbaum R, Benedetto AV. Cosmetic aspects of pregnancy. ClinDermatol 2006;

Viết bài: THS.BS Nguyễn Thảo Nhi

Đăng bài: Phòng Công tác xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Biến chứng tiêm Filler tại cơ sở làm đẹp không uy tín

Biến chứng tiêm Filler tại cơ sở làm đẹp không uy tín

.

Tin sức khỏe- 17 giờ trước

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng.

Tin hoạt động- 18 giờ trước

Gây tê làm đẹp thế nào mới an toàn

Gây tê làm đẹp thế nào mới an toàn

.

Tin sức khỏe- 23 giờ trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa..

Tin hoạt động- 2 ngày trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV..

Tin hoạt động- 2 ngày trước

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5.

Tin hoạt động- 2 ngày trước

largeer