Rụng tóc ở giai đoạn ngừng phát triển của tóc (TE)

posted 11/06/2021 Admin

Bệnh nhân đến gặp bác sỹ Da liễu thường than phiền rằng: “ Trước tóc tôi dày lắm, bây giờ tóc mỏng còn một nửa, mỗi lần gội đầu tóc rụng đầy tay”, có thể bệnh nhân đã gặp phải tình trạng rụng tóc giai đoạn ở giai đoạn ngừng phát triển của tóc. Rụng tóc giai đoạn ở giai đoạn ngừng phát triển của tóc (telogen effluvium – TE) lần đầu được Kligman đề cập tới năm 1961. Đây là một dạng rụng tóc lan tỏa zđổi bất thường trong chu kỳ của nang tóc dẫn đến tóc rụng nhiều. Các yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã được xác định có liên quan đến việc gây ra TE. Trong một số trường hợp, nguyên nhân khó xác định được nguyên nhân hoặc do sự kết hợp của nhiều yếu tố.

1. DỊCH TỄ 

Đây là một tình trạng hay gặp trong nhóm rụng tóc không sẹo. Không có thống kê cho thấy TE hay gặp ở một chủng tộc, dân tộc cụ thể nào.

Bệnh hay gặp ở nữ hơn nam do nữ giới có tình trạng rụng tóc sau thai kỳ hay gặp, đồng thời nữ giới hay để ý và lo lắng về tình trạng rụng tóc này nhiều hơn nam giới

TE cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ em. TE mãn tính ít phổ biến hơn so với biến thể cấp tính và thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 60.

2. SINH BỆNH HỌC VÀ CĂN NGUYÊN

Một chu kỳ tóc bình thường, mỗi nang tóc trên da đầu trải qua chu kỳ độc lập với ba giai đoạn chính: anagen (tăng trưởng), catagen (biến đổi) và telogen (nghỉ ngơi). Sự kết thúc của giai đoạn telogen sau khoảng 3 tháng được đánh dấu bằng rụng tóc khỏi nang lông. Trên da đầu người bình thường, chỉ có khoảng 10% các nang tóc đang ở giai đoạn telogen tại bất kỳ thời điểm nào, trong khi các nang anagen và catagen lần lượt chiếm khoảng 90% và  dưới 1%. Nhờ có các chu kỳ không đồng bộ khác nhau của các nang tóc trên da đầu mà có thể ngăn chặn các đợt rụng tóc ồ ạt hàng loạt theo chu kỳ, thay vào đó, tóc rụng rải rác và liên tục hàng ngày. Nếu không có bệnh lý da đầu hoặc tóc, thường có 50 -100 sợi tóc bị rụng mỗi ngày.

TE xảy ra do có sự thay đổi chu kỳ của tóc, tỷ lệ các nang tóc trong giai đoạn telogen tăng lên đáng kể vào cùng một thời điểm, dẫn đến hiện tượng rụng nhiều tóc rõ rệt sau đó. Sợi tóc đang ở giai đoạn telogen chỉ rụng khi có sợi tóc mới ở giai đoạn anagen mọc lên, đẩy sợi tóc cũ đang thoái triển khỏi da đầu. Trong TE, người ta ước tính rằng 7 – 35 % các nang thường vẫn ở trong giai đoạn anagen chuyển sang giai đoạn catagen rồi giai đoạn telogen.

Cơ chế bệnh sinh của TE còn chưa được khẳng định . Có 2 giả thuyết chính :

  • Giai đoạn anagen rút ngắn: đây là thuyết hay gặp. Dưới tác động của một số yếu tố như thuốc, gây stress (sốt), các nang tóc đang ở giai đoạn anagen nhanh chóng chuyển sáng giai đoạn telogen, gây biểu hiện rụng tóc thấy được sau 2-3 tháng.
  • Giai đoạn anagen kéo dài: dưới tác động của yếu tố kích thích (yếu tố hormon khi phụ nữ mang thai), giai đoạn anagen được kéo dài hơn, trì hoãn sự khởi đầu của telogen. Khi yếu tố kích thích anagen kéo dài kết thúc, các nang chuyển sang giai đoạn telogen gây rụng tóc nhiều sau đó. Đây có thể là cơ chế chính của rụng tóc sau sinh.

Một số cơ chế khác cũng được đề cập như giai đoạn telogen rút ngắn hay giai đoạn telogen kéo dài.

Một phần ba số bệnh nhân không xác định được nguyên nhân, cần khai thác kĩ tiền sử của người bệnh để có thể định hướng được nguyên nhân. Một số các yếu tố có liên quan đến sự khởi phát của TE dựa trên các quan sát lâm sàng.

Các nguyên nhân có thể bao gồm:

 

Sinh lý Rụng tóc sau thai kỳ
Rụng tóc sinh lý ở trẻ sơ sinh
Bệnh lý Thương hàn
Lao
Sốt rét
HIV
Stress Sốt, sốt cao, sốt kéo dài (do virus Dengue, cúm, SARS-coV-2..)
Chấn thương, phẫu thuật lớn
Lao động nặng
Đói ăn, ăn kiêng
Thuốc Retinoid uống
Chống tránh thai
Thuốc kháng tuyến giáp
Thuốc chống co giật
Betablocker, captopril, amphetamines, kim loại nặng
Bệnh nội tiết Cường giáp, suy giáp
Bệnh lý nội tạng Suy gan, suy thận
Bất thường chu kỳ nang tóc Hội chứng anagen short sydrome
Dinh dưỡng Thiếu máu thiếu sắt, viêm da đầu chi ruột, thiếu kẽm mắc phải, suy dinh dưỡng
Tác nhân tại chỗ Viêm da tiếp xúc dị ứng do thuốc nhuộm
Một số bệnh lý khác Lupus ban đỏ hệ thống, vảy nến, giang mai, ung thư…

 

*Một số nghiên cứu ca bệnh, chùm ca bệnh năm 2021 đăng tải trên các tạp chí Dermatol Ther, Clin Cosmet Investig Dermatol  cho thấy TE có liên quan tới nhiễm virus SARS-coV- 2. Covid 19 có thể là một căn nguyên căng thẳng tâm lý xã hội và cũng là một yếu tố stress gây phản ứng tiền viêm, hình thành vi huyết khối ảnh hưởng đến nang tóc dẫn đến hiện tượng TE xảy ra trung bình 50 ngày sau nhiễm trùng virus SARS-coV- 2.

3. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Biểu hiện lâm sàng chính trong TE là tóc rụng nhiều, giảm mật độ tóc trên da đầu cấp tính hoặc mãn tính.Thường lượng tóc rụng ít hơn 50% lượng tóc tóc trên da đầu do đó bệnh nhân sẽ không dẫn đến bị rụng tóc toàn bộ. Mức độ nặng của rụng tóc có thể không rõ ràng ở những bệnh nhân có mái tóc dày trước khi bắt đầu xuất hiện TE do thường chỉ một phần tóc bị rụng. Có thể cho bác sỹ khám bệnh xem lại bức ảnh có chụp tóc trước đó của bệnh nhân để bác sỹ đánh giá được sự  thay đổi mật độ tóc.

TE có thể tiến triển dưới 2 dạng:

Rụng tóc cấp tính: Rụng tóc do telogen phát triển trong vòng 2-3 tháng sau khi yếu tố kích thích. Thời gian để tóc mọc lại về mặt lâm sàng là từ 6 đến 12 tháng.

Rụng tóc mạn tính : rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng. Thường khó xác định được căn nguyên trong rụng tóc TE mạn tính. Sự phân bố rụng tóc ở da đầu trong TE thường lan tỏa; tuy nhiên, rụng tóc có thể dễ nhận thấy nhất ở vùng thái dương, vùng trán và đỉnh

Không có biểu hiện bất thường về da đầu và sợi tóc.

Trên cùng một bệnh nhân, rụng tóc TE có thể kết hợp với các tình trạng rụng tóc khác như rụng tóc kiểu hói nam/nữ.

4. CHẨN ĐOÁN

Hướng tới TE khi gặp tình trạng rụng tóc lan tỏa, không viêm, đặc biệt là khi rụng tóc xảy ra cấp tính và có tác nhân gây căng thẳng tâm lý hoặc sinh lý.

Tiền sử bệnh nhân

Tiền sử bệnh nhân rất có giá trị trong việc đánh giá bệnh nhân nghi ngờ bị TE, từ đó có căn cứ để xác định nguyên nhân. Một bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều yếu tố gây TE. Trước khi khám lâm sàng, bác sỹ cần tìm hiểu:

  • Quá trình rụng tóc (ngày bắt đầu, thời gian, các yếu tố khởi phát rõ ràng)o   Đặc điểm của rụng tóc (ước tính lượng tóc rụng hàng ngày, xuất hiện các sợi tóc bị mất (nguyên vẹn so với tóc gãy)
  • Tiền sử bệnh :bệnh nội khoa gần đây hoặc mãn tính, phẫu thuật lớn, giảm cân nhanh chóng, chế độ ăn kiêng, Sinh con, sẩy thai hoặc phá thai, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu dinh dưỡng (ví dụ, kẽm, protein, ferritin, vitamin D), rối loạn tuyến giáp, tác nhân gây căng thẳng tâm lý
  • Tiền sử dùng thuốc, thực phẩm chức năng
  • Tiền sử phơi nhiễm chất độc
  • Tiền sử gia đình mắc (các) bệnh về tóc…

Khám lâm sàng

  • Da đầu: kiểm tra không có dấu hiệu củag da đầu, vảy da, sẩn, mụn mủ, sẹo trên bệnh nhân chỉ có TE đơn thuần. Có thể có biểu hiện TE kết hợp với viêm da dầu, có dát đỏ, vảy da nhờn.
  • Tóc: Bệnh nhân TE đơn thuần không có dấu hiệu bất thường của thân tóc

– Móng: có thể thấy dấu hiệu bất thường như móng hình thìa ở bn TE do thiếu máu, thiếu sắt, móng có rãnh ngang do bệnh lý toàn thân

– Test kéo tóc: nên thực hiện trên vài vị trí da đầu để đánh giá mức độ hoạt động của tình trạng rụng tóc. Kiểm tra sợi tóc rụng dưới kính hiển vi để xem đó có phải là sợi tóc đang ở giai đoạn ngừng triển. Nếu trên 5 sợi tóc ở giai đoạn telegen hoặc trên 15 sợi/3 vị trí là test kéo tóc dương tính.

Nữ, 29 tuổi , rụng tóc TE sau sinh 4 tháng

Ảnh: Bs Quách Thị Hà Giang

 

Bn Covid 19 bị rụng tóc TE khoảng 2 -3 tháng sau nhiễm coronavirus. Đây là lượng tóc rụng bệnh nhân gom được sau chải đầu một buổi sáng.

Ảnh:  Enid Child (internet)

Cận lâm sàng

Dermoscopy: sợi tóc trưởng thành đường kính đồng đều, sợi tóc mới mọc ngắn, có độ dày bình thường.

Sinh thiết da đầu: cần để chẩn đoán phân biệt với TE mạn tính với rụng tóc từng vùng lan tỏa, rụng tóc kiểu hói

  • Tăng tỷ lệ nang telogen trên 25%
  • Không thay đổi tỷ lệ tóc trưởng thành và tóc tơ .
  • Ít có sự thay đổi về đường kính sợi tóc
  • Không có biểu hiện viêm quanh nang tóc

Tóc đồ: đánh giá tỉ lệ sợi tóc tăng triển/ngừng triển

Đếm tóc rụng: để xác định số lượng tóc bị rụng cũng như theo dõi quá trình tiến triển/cải thiện của TE. Bệnh nhân thu thập tóc rụng trong quá trình chải tóc mỗi ngày trong hai tuần. Mỗi ngày, lượng tóc rụng được đóng gói trong các túi riêng biệt và được dán nhãn ghi ngày tháng và chữ “S” cho ngày gội đầu. Rụng tóc nhiều hơn từ 100 – 150 sợi tóc/ngày được coi là tình trạng rụng tóc bệnh lý. Các sợi tóc này có thể được soi dưới kính hiển vi để xác nhận là tóc ở giai đoạn telogen.

A. Nang tóc ở giai đoạn telogen

Hành lông bầu dục, mất lớp áo ngoài, giảm- mất sắc tố

B. Nang tóc ở giai đoạn anagen

Hành lông uốn méo, có lớp áo ngoài,có sắc tố

Nguồn:  Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine, 7th ed

Các xét nghiệm tìm nguyên nhân

– Công thức máu

– Nồng độ vi chất (ferritin, nồng độ 25-hydroxyvitamin D )

– Chức năng tuyến giáp

– Kháng thể kháng nhân…

* Việc thực hiện thêm các xét nghiệm khác trên từng bệnh nhân tùy thuộc vào thông tin có được qua quá trình hỏi bệnh, khai thác tiền sử, khám bệnh để chỉ định thêm các xét nghiệm phù hợp, giúp loại trừ bệnh lý khác, đưa đến chẩn đoán xác định.

Chẩn đoán phân biệt

– Rụng tóc ở

– Giai đoạn phát triển của tóc

– Rụng tóc kiểu hói

– Rụng tóc từng vùng lan tỏa

– Hội chứng rụng tóc anagen

– Bất thường cấu trúc sợi tóc

5. ĐIỀU TRỊ

Giải quyết căn nguyên

TE là tình trạng rụng tóc có thể phục hồi hoàn toàn nếu xác định và khắc phục được nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân gây rụng tóc được phát hiện và loại bỏ hoặc điều trị, tình trạng rụng tóc sẽ khỏi và có thể mọc lại rõ rệt trong vòng 6 đến 12 tháng.

– Điều trị bệnh lý liên quan.

– Điều chỉnh cho sự thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng

– Ngừng sử dụng thuốc nghi ngờ nếu có thể

– Điều trị đồng thời các rối loạn về tóc hoặc da đầu (ví dụ: viêm da dầu)

Bổ sung vi chất Việc bổ sung vi chất như sắt, kẽm, biotin và vitamin D…có hiệu quả điều trị TE trong trường hợp có bằng chứng cho thấy có sự thiếu hụt, nguy cơ thiếu thật sự các chất này. Nồng độ ferritin huyết thanh nên được duy trì ở mức trên 40 hoặc 70 mcg/L. Hiệu quả của các chất bổ sung vitamin, vi chất trong trường hợp không có bằng chứng thiếu hụt những chất này đối với TE là không rõ ràng. Chế độ ăn dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng rất quan trọng trong việc kết hợp điều trị TE.

Minoxidil tại chỗ

Các bác sĩ lâm sàng sử dụng minoxidil tại chỗ cho bệnh nhân TE mãn tính dù không có đủ bằng chứng để xác nhận hiệu quả. Thuốc được kê đơn nhằm mục đích duy trì mật độ tóc và kích thích tóc mọc lại. Hầu hết các chuyên gia cho rằng minoxidil không có hiệu quả cho TE. Một số bác sỹ bắt đầu dùng minoxidil khi quá trình rụng bắt đầu ngừng nhằm hỗ trợ tóc mọc lại.

Tư vấn tâm lý

Rụng tóc có thể có tác động tâm lý sâu sắc khiến nhiều người rất lo lắng, đôi khi mức độ căng thẳng không tương xứng với mức độ rụng tóc. Do đó, đánh giá trạng thái tinh thần của bệnh nhân là một phần quan trọng của việc quản lý bệnh nhân. Bác sỹ Da liễu cần giải thích cơ bản về chu kỳ phát triển của tóc và mối quan hệ của nó với telogen effluvium, tiên lượng về khả năng phục hồi tóc trên từng bệnh nhân.

Trang điểm/ngụy trang

Bệnh nhân có thể thay đổi kiểu tóc, nhuộm tóc, chất làm dày sợi tóc, xăm- nhuộm màu da đầu, nối tóc để che vùng tóc rụng nhiều, cải thiện thẩm mỹ cho tóc, da đầu.

Bệnh nhân cần được theo dõi, đánh giá sự cải thiện hàng tháng.

6. KẾT LUẬN

TE là tình trạng rụng tóc không sẹo hay gặp với biểu hiện rụng tóc nhiều 2-3 tháng sau khi có yếu tố kích thích. Cải thiện đáng kể về mặt thẩm mỹ thường được ghi nhận trong vòng 6 -12 tháng nếu xác định và giải quyết được căn nguyên. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh. Bệnh nhân cần được tư vấn về căn nguyên, tiến triển của bệnh để hạn chế lo lắng, căng thẳng tâm lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Dauton A, Harries M. Chronic telogen effluvium: a systemic review of interventions. Br J Dermatol 2017; 177:52.

2.     https://emedicine.medscape.com/article/1071566

3.     Harrison S, Sinclair R. Telogen effluvium. Clin Exp Dermatol 2002; 27:389.

4.     Hailey Olds, Telogen effluvium associated with COVID‐19 infection,  2021, Dermatol Ther.

5.     Tosti A, Piraccini BM, van Neste DJ. Telogen effluvium after allergic contact dermatitis of the scalp. Arch Dermatol. 2001 Feb. 137(2):187-90

6.     Wilma Bergfeld, MD, Telogen effluvium, Uptodate.

Người viết: BSCK II. Quách Thị Hà Giang  

Người đăng: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

largeer