Rụng tóc kiểu hói nam: Sinh bệnh học và biểu hiện lâm sàng

posted 06/05/2021 Admin

Tóc không chỉ là một trong các yếu tố quan trọng quyết định đến sức hấp dẫn về ngoại hình mà còn bộ phận thể hiện cá tính của mỗi người. Mái tóc dày, khỏe tượng trưng cho sức sống, sự mạnh mẽ, bản lĩnh của phái mạnh. Mái tóc thưa, rụng nhiều, sợi lơ thơ có thể ám chỉ sự yếu đuối gây giảm tự tin của một người đàn ông. Rụng tóc nội tiết tố nam là loại rụng tóc phổ biến nhất ở nam giới. Vùng trán, đỉnh, thái dương là các vị trí rụng tóc hay gặp. Tại các vùng này, sợi tóc trở nên mảnh, giảm đường kính sợi tóc, đồng thời giảm mật độ tóc. Nhìn chung, tác động tiêu cực đến tâm lý của rụng tóc kiểu hói nam ít hơn so với nữ giới có dạng rụng tóc này. Song nhiều nam giới rất lo lắng, mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống của họ khi mắc bệnh.Một số thuật ngữ khác như “hói đầu ở nam” và “rụng tóc kiểu nam”, “rụng tóc androgen ở nam”  được sử dụng để chỉ tình trạng này.

1. DỊCH TỄ HỌC

Tuổi bắt đầu mắc chứng rụng tóc nội tiết tố nam ở nam giới khác nhau, nhưng xảy ra trung bình ở nam giới trong độ tuổi ngoài 20. Rụng tóc kiểu hói nam phổ biến nhất ở độ tuổi trung niên. Mức độ nặng của rụng tóc kiểu hói ở nam giới tăng theo độ tuổi. Tình trạng này không được ghi nhận ở trẻ em trước tuổi dậy thì có thể do dạng hói đầu phụ thuộc vào nội tiết tố androgen.. Có khoảng 30% đàn ông da trắng bị bệnh ở độ tuổi 30, ít nhất 50% bị ảnh hưởng bởi độ tuổi 50 tuổi và 80% bị ảnh hưởng bởi 70 tuổi. Tỷ lệ mắc cũng thay đổi theo chủng tộc: đàn ông da trắng có nhiều khả năng bị hói đầu hơn các chủng tộc khác như đàn ông gốc Á, Mỹ da đỏ và châu Phi.  

2. SINH BỆNH HỌC

Sự phát triển bình thường của tóc xảy ra ở mức độ nang tóc trong chu kỳ 3 giai đoạn:
–  Giai đoạn tăng triển (anagen): 85% số tóc ở giai đoạn tăng triển, tăng trưởng tích cực từ 2 đến 7 năm. Tóc được tạo ra liên tục thông qua sự phân chia và tăng trưởng của các tế bào biểu bì sản xuất keratin bao quanh nhú bì ở gốc nang lông.
–  Giai đoạn ngừng triển (catagen): 1% số tóc ở giai đoạn ngừng triển, quá trình chuyển đổi từ 2 đến 3 tuần, trong đó nang tóc co lại như kết quả của quá trình chết theo chương trình .
–  Giai đoạn thoái triển (telogen): Giai đoạn này kéo dài từ 2-3 tháng, chiếm 14%  Sau thời kì nghỉ ngơi tóc sẽ bị rụng đi. Sau khi tóc rụng, tóc mới sẽ mọc ra từ chân tóc và chu kì tăng trưởng mới sẽ bắt đầu trở lại.
Ở các bệnh nhân rụng tóc kiểu hói có sự giảm dần mật độ của các sợi tóc cuối (dày và có sắc tố) và sự gia tăng đồng thời của mật các sợi tóc tơ (ngắn, mịn, không có sắc tố).
Rụng tóc kiểu hói ở nam, giai đoạn tăng triển rút ngắn và giai đoạn thoái triển dài ra hoặc giữ nguyên, thời gian của giai đoạn tăng triển và thoái triển kéo dài. Số lượng tóc giảm, thậm chí, tóc dài ra xong không chạm tới da đầu.
Nguyên nhân của rụng tóc kiểu hói nam cũng chưa hoàn toàn được sáng tỏ. Tình trạng này xảy ra là do sự kết hợp của sự tăng cường hoạt động của androgen trên nang tóc có yếu tố bẩm sinh di truyền (gen nhạy cảm).

Vai trò của nội tiết tố androgen được nghiên cứu nhiều nhất, cụ thể là androgen dihydrotestosterone (DHT). Dihydrotestosterone là được tổng hợp từ testosterone nhờ 5α-reductase loại 1 và loại 2. 5α-reductase loại 2, được biểu hiện trong các nang lông và các mô phụ thuộc androgen khác như tuyến tiền liệt, có vai trò quan trọng hơn loại 1 trong rụng tóc kiểu hói nam.
Hiện tượng chuyển đổi từ sợi tóc cuối sang sợi tóc tơ được cho là do sự thu nhỏ của nang tóc.  Sự thu nhỏ nang tóc là do một quá trình được điều hòa bởi yếu tố hormon tại phần hành nang tóc. Ở cấp độ tế bào, dihydrotestosterone liên kết với thụ thể androgen, và phức hợp hormone-thụ thể sau đó sẽ kích hoạt các gen chịu trách nhiệm chuyển đổi dần dần các nang tóc lớn, trưởng thành thành các nang tóc thu nhỏ hơn với giai đoạn tăng triển bị rút ngắn.
Một số dòng bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của nội tiết tố androgen và DHT  trong rụng tóc kiểu hói ở nam
–  Rụng tóc kiểu hói không gặp ở các thái giám – những người thiếu hụt androgen. Đồng thời, sự tiến triển của rụng tóc kiểu hói  nam ở nam giới bị dừng lại khi những nam giới bị thiến sau khi dậy thì.
–  Rụng tóc kiểu hói không gặp ở những người người có đột thiếu gen 5α-reductase loại 2, hay thụ thể của androgen
–  Da đầu của người rụng tóc kiểu hói có chứa nồng độ cao của 5α-reductase, DHT, và thụ thể androgen.
–  Rụng tóc được cải thiện bởi finasteride, một loại thuốc ức chế chuyển đổi testosterone thành DHT bằng cách ức chế có chọn lọc hoạt động của loại 5α-reductase
Một số gen nhạy cảm liên quan tới nam giới có rụng tóc kiểu hói đã được xác định như locus thụ thể androgen (AR) / EDAR2 trên nhiễm sắc thể X , locus PAX1 / FOXA2 trên nhiễm sắc thể 20p11 và gen HDAC9 trên nhiễm sắc thể 7p21. Nhiễm sắc thể 3q26 cũng có thể có vai trò đóng góp gây bệnh
Mặc dù các cơ chế gây bệnh qua androgen được xác định và nghiên cứu nhiều nhất, các cơ chế gây bệnh khác có thể có liên quan bao gồm tín hiệu Wnt, tín hiệu prostaglandin D2, tín hiệu prostaglandin F2-alpha và tín hiệu Janus kinase (JAK). Các phương pháp điều trị mới cho tình trạng rụng tóc kiểu hói nam có tác dụng đích dựa trên cơ chế này đang được nghiên cứu và ứng dụng.

3. LÂM SÀNG
Các dấu hiệu của rụng tóc kiểu hói ở  nam giới có thể xuất hiện từ thời kỳ thanh thiếu niên. Hiện tượng tóc rụng, thưa bắt đầu ở vùng thái dương, trán hoặc vùng đỉnh đầu. Mức độ hói khác nhau ở mỗi người, có người hói nhiều ở vùng đỉnh đầu, có người vùng trán thái dương lại bị nặng hơn.
Tóc rụng thưa mỏng đi từ từ, thường tạo thành chữ M ở phía trước, vùng trán thái dương rồi rụng vùng đỉnh, hậu quả là để lại một vành còn tóc ở hai bên và vùng chẩm của đầu.
Nhiều nam giới mắc chứng rụng tóc nội tiết tố nam có biểu hiện ngứa. Ngứa có thể là triệu chứng của bệnh viêm da dầu kết hợp hay là một triệu chứng của bệnh cảnh rụng tóc kiểu hói còn cần nghiên cứu thêm.

Phân loại rụng tóc
Năm 1951, Halminton lần đầu tiên đưa ra thang phân loại rụng tóc kiểu hói nam từ tuýp I –VIII.  Theo thang điểm này, túyp I rụng tóc dọc gờ trán, túyp II rụng vùng trán và khởi đầu vùng đỉnh chẩm. Túyp III, IV, V cả hai vùng liên hợp nối với nhau, hói hoàn toàn phía trên, còn lại tóc ở hai mặt bên và sau gáy thành một vành từ trước ra sau. Sau đó, Norwood đã bổ sung phân loại rụng tóc của Hamilton, thêm tuýp IIIa, IVa, Va, rụng tóc rõ hơn ở rìa chân tóc ở trán và tuýp III vertex đăc thù bởi rụng tóc vùng đỉnh.
Không phải tất cả đàn ông mắc chứng rụng tóc kiểu hói nam đều tuân theo các kiểu rụng tóc theo thang Hamilton-Norwood. Có khoảng 10% nam giới có kiểu hình giống với bệnh rụng tóc kiểu hói ở nữ giới (còn vùng chân tóc phía trước và rụng tóc phần đỉnh  đầu).

Bệnh lý khác liên quan
Bệnh tim mạch
Một số  nghiên cứu cho thấy ở các bệnh nhân rụng tóc kiểu hói nam có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân, rối loạn mỡ máu, kháng insulin cao hơn so với dân số chung. Ngoài ra, nghiên cứu mối liên quan giữa rụng tóc kiểu hói nam với hội chứng chuyển hóa cho các kết quả khác nhau. Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn về việc sàng lọc và dự phòng bệnh lý tim mạch, hội chứng chuyển hóa cho nam giới có rụng tóc kiểu hói.
Ung thư tuyến tiền liệt
Các nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa rụng tóc kiểu hói nam và ung thư tuyến tiền liệt cho kết quả khác nhau. Một số báo cáo cho thấy ở nam giới rụng tóc kiểu hói có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến song vẫn chưa có khuyến cáo cần sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến trên đối tượng này.

Ung thư da
Rụng tóc kiểu hói nam không đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể dẫn đến tổn hại về thể chất. Tóc là lớp ngoài cùng có nhiệm vụ góp phần bảo vệ da đầu khỏi tác hại của tia cực tím, giảm các chấn thương cơ học. Những người bị hói nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị cháy nắng và tổn thương tế bào dẫn đến ung thư da. Tuy nhiên những nghiên cứu hệ thống về các tác dụng có hại này chưa được khẳng định.

Chẩn đoán xác định
– Chẩn đoán xác định rụng tóc kiểu hói nam thường dựa vào đặc điểm lâm sàng của rụng tóc tiến triển chậm, sợi tóc thưa và mảnh dần, hình thái rụng tóc điển hình.
– Mô bệnh học: thực hiện khi cần chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng rụng tóc khác. Thay đổi tỉ lệ nang tóc ở pha tăng trưởng và pha thoái triển (A:T), tỉ lệ tóc trưởng thành và tóc tơ (T:V). Nhiều nang tóc giảm kích thước, gần như teo hoàn toàn.
– Dermoscopy: đường kính sợi tóc đa dạng, nang tóc thu nhỏ, chấm vàng quanh nang tóc, có vùng nhỏ không có tóc.

Chẩn đoán phân biệt
– Rụng tóc ở giai đoạn ngừng phát triển của tóc
– Rụng tóc từng vùng lan tỏa
– Tật nhổ tóc
– Giang mai II…

4. KẾT LUẬN
Rụng tóc kiểu hói nam là một tình trạng phổ biến ở nam giới thường xuất hiện từ từ sau tuổi dậy thì được đặc trưng bởi việc rụng các sợi tóc cuối ở các vùng thái dương, trán, đỉnh đầu. Tình trạng này có thể gây tác động tiêu cực tới tâm lý của người mắc. Yếu tố nội tiết, di truyền và các yếu tố khác góp phần vào sự tiến triển của rụng tóc kiểu hói nam. Tác động của dihydrotestosterone lên các nang nhạy cảm góp phần vào quá trình thu nhỏ nang tóc, biểu hiện lâm sàng là sự thay thế các sợi tóc cuối  bằng các sợi tóc tơ ngắn, mỏng .
Chẩn đoán rụng tóc nội tiết tố nam thường dựa vào lâm sàng, sinh thiết da đầu được thực hiện trong một số trường hợp cần phân biệt.Tình trạng này cũng có thể liên quan đến các rối loạn khác như bệnh tim mạch và ung thư tuyến tiền liệt, hội chứng chuyển hóa. Các phương pháp điều trị mới có tác dụng đích dựa trên các cơ chế gây bệnh khác đang được nghiên cứu và ứng dụng .

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Thường, Bệnh học Da liễu tập 3, 2017, Nhà xuất bản Y học

2. https://www.uptodate.com/contents/androgenetic-alopecia-in-men-pathogenesis-clinical-features-and-diagnosis

3. Hagenaars SP, Hill WD, Harris SE, et al. Genetic prediction of male pattern baldness. PLoS Genet 2017; 13:e1006594.

4. Kaufman KD. Androgens and alopecia. Mol Cell Endocrinol 2002; 198:89.

5. Su LH, Chen TH. Association of androgenetic alopecia with metabolic syndrome in men: a community-based survey. Br J Dermatol 2010; 163:371.

 

Ảnh 1: Nam, 45 tuổi, rụng tóc bắt đầu từ khi 27 t, tóc hói ưu thế vùng trán-thái dương và vùng đỉnh đầu

(Nguồn : Bs Quách Thị Hà Giang)

Ảnh 2:: Phân loại rụng tóc kiểu hói nam theo thang Hamitol-Norwood

(Nguồn : uptodate)

Bài viết: BSCKII Quách Thị Hà Giang

Đăng bài: phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liệt mặt, viêm não do zona thần kinh

Liệt mặt, viêm não do zona thần kinh

.

Tin sức khỏe- 2 ngày trước

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng.

Tin hoạt động- 2 ngày trước

Thông báo về việc chào giá gói thầu 'Cung cấp mực cho máy in văn phòng của Bệnh viện Da liễu Trung ương'

Thông báo về việc chào giá gói thầu "Cung cấp mực cho máy in văn phòng của Bệnh viện Da liễu Trung ương"

.

Báo giá- Mời thầu- 2 ngày trước

largeer