Rụng tóc do hóa trị ung thư (CIA)

posted 13/07/2021 Admin

“Điều trị bằng hóa chất này thì tôi có bị rụng tóc không?”– câu hỏi mà hầu hết các bệnh nhân ung thư đặt ra khi chuẩn bị hóa trị liệu. Rụng tóc là một tác dụng không mong muốn thường gặp đối với bệnh nhân điều trị ung thư toàn thân. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng rất nặng nề về mặt tâm lý và xã hội. Sau hóa trị liệu, quá trình hồi phục tóc thường cần một khoảng thời gian từ vài tháng đến một năm.

Sinh bệnh học

Tế bào mầm (tế bào gốc) của nang tóc là loại tế bào có thể phân chia. Những tế bào mới đẩy tế bào tóc trước đó lên, các tế bào đã biệt hóa di chuyển ra phía ngoài; xếp chồng và hóa sừng sinh tạo thành phần thân tóc cứng. Ở mỗi nang tóc có 2 vị trí có mặt của tế bào mầm:

  • Phần đáy của chân tóc nằm trong một bầu gọi là hành tóc, hành tóc chứa các mao mạch- hệ vi tuần hoàn, tế bào sắc tố và tế bào mầm tóc nằm ở trung tâm..
  • Phần eo nang tóc, nơi chứa tuyến bã nhờn và cơ dựng lông có một phần “phình” (hair bulge) là nơi chứa các tế bào mầm. Khả năng phân chia của các tế bào mầm tại hành tóc cao hơn so với tế bào mầm ở phần phình.

Trung bình một đời người mỗi nang tóc trải qua 25 chu trình gồm 4 giai đoạn; giai đoạn tăng trưởng (anagen), thoái triển (catagen) và nghỉ ngơi (telogen), sau thời gian này tóc sẽ rụng (còn được gọi là exogen). Tại bất kỳ thời điểm nào, có 80 -90% nang tóc trên da đầu đang ở trong giai đoạn tăng trưởng. Trong quá trình tăng trưởng, các tế bào mầm hoạt động phân bào trong hành tóc phân chia và biệt hóa, dẫn đến tốc độ mọc tóc khoảng 0,35 mm mỗi ngày. Khoảng 5- 10% nang tóc đang ở trạng thái thoái triển telogen, ở giai đoạn này tất cả các hoạt động phân bào dừng lại. 1 -3 % còn lại nằm trong catagen, giai đoạn ngừng triển. Giai đoạn cuối cùng của chu kỳ tóc là khi tóc được giải phóng khỏi nang gây hiện tượng rụng tóc (exogen). Da đầu được ước tính chứa trung bình 100.000 sợi tóc, trong đó 100 đến 150 sợi tóc bị rụng hàng ngày như một phần của chu kỳ tóc bình thường.

Các thuốc hóa trị liệu tiêu diệt các tế bào sinh trưởng nhanh, đây là đặc tính điển hình của tế bào ung thư. Nhưng cũng vì vậy các thuốc này cũng tác động đến các tế bào bình thường có chu kỳ sinh trưởng nhanh khác như: tế bào ở tủy xươnghệ tiêu hóanang tóc. Hóa chất điều trị ung thư sẽ tác động tới các tế bào mầm nang tóc đang phân chia ở giai đoạn tăng triển gây rụng tóc theo một hoặc cả hai cách:

  • Nếu sự tăng sinh của tế bào sừng của mầm nang tóc bị ức chế mạnh, tóc có thể tách khởi hành tóc và rụng. Hiện tượng rụng tóc này được gọi là anagen effluvium- rụng tóc giai đoạn phát triển của tóc.
  • Sợi tóc có đoạn trở lên mảnh dần trong quá trình hóa trị và tóc có thể rụng do bị đứt gẫy

Khả năng hồi phục của chứng rụng tóc liên quan đến mức độ tổn thương của tế bào mầm nang tóc. Do tác dụng của hóa trị thường tác động vào tế bào gốc ở trong hành tóc, ít ảnh hưởng đến tế bào gốc ở phần phình ra ở eo tóc nên chính các tế bào mầm ở vùng phình sẽ chịu trách nhiệm kích hoạt lại sự phát triển của nang tóc. Rụng tóc do hóa trị thường hồi phục lại nhưng có thể không hồi phục hoàn toàn.

Đặc điểm lâm sàng

  • Rụng tóc do hóa trị liệu nhận thấy rõ ở đầu, bộc lộ rõ nhất ở những vùng có mật độ tóc thấp, đặc biệt là vùng đỉnh và trán của da đầu. Rụng tóc có thể lan tỏa toàn bộ hoặc rụng tóc khu trú từng mảng.
  • Có thể rụng lông mày và lông mi, lông tay chân, cũng như lông nách và lông mu, tuy nhiên, tóc ở những khu vực này phục hồi thường nhanh hơn so với tóc trên da đầu.
  • Thời gian rụng tóc phụ thuộc vào loại thuốc điều trị toàn thân, liều lượng và liệu trình. Đối với hầu hết các phác đồ điều trị, rụng tóc thường bắt đầu sau khoảng 2-3 tuần điều trị

 

Hình ảnh bệnh nhân ung thư bị rụng tóc do hóa trị

Nguồn: Bs Quách Thị Hà Giang

 

Bảng  1: Đánh giá mức độ rụng tóc theo thang điểm DEAN

ĐIỂM  DEAN % TÓC RỤNG
Mức độ 0 Không rụng tóc
Mức độ1 0 < tóc rụng ≤  25%
Mức độ 2 25  <  tóc rụng ≤  50%
Mức độ 3 50 < tóc rụng ≤ 75%
Mức độ 4 tóc rụng ≥ 75%

 

Yếu tố nguy cơ

  • Khả năng gây rụng tóc của các tác nhân hóa trị liệu phụ thuộc vào từng tác nhân cụ thể và đường dùng, liều lượng và phác đồ dùng. Nguy cơ rụng tóc khác nhau giữa các loại thuốc, một số thuốc không hoặc ít gây rụng tóc. Tần suất rụng tóc do hóa trị liệu khác nhau giữa bốn nhóm thuốc chính: > 80% đối với chất chống vi quản antimicrotubule (vd: paclitaxel), 60% -100% đối với chất ức chế topoisomerase (vd:doxorubicin), > 60% đối với chất alkyl hóa (vd:cyclophosphamide) và 10% -50% đối với chất chống chuyển hóa (ví dụ: 5-fluorouracil + leucovorin)
  • Các phác đồ hóa trị liều cao, ngắt quãng, truyền tĩnh mạch có liên quan đến nguy cơ rụng tóc và mức độ rụng tóc cao hơn so với phác đồ liều thấp, đường uống.
  • Phác đồ hóa trị kết hợp có nhiều khả năng dẫn đến rụng tóc hơn so với dùng một loại thuốc đơn lẻ.·
  • Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ và mức độ rụng tóc:chuyển hóa thuốc kém (ví dụ: bệnh nhân rối loạn chức năng gan có thể bị rụng tóc nặng, đột ngột), tiền sử xạ trị, hóa trị trước đó, cao tuổi, có rụng tóc do nội tiết tố kết hợp,..

 

Bảng 2: Dự báo mức độ rụng tóc một số hóa trị

Mức độ Nặng Trung bình Nhẹ
Hay gặp Doxorubicin (>40 mg/m2)Epirubicin (>30 mg/m2)DaunorubicinPaclitaxelDocetaxelCyclophosphamide (tĩnh mạch) IfosfamideEtoposide (tĩnh mạch)IxabepiloneEribulinCombination chemotherapy with doxorubicin, docetaxel, paclitaxel, etoposide MechlorethamineMethotrexateCarboplatin Paclitaxel Bleomycin
Ít gặp VincristineVinblastineEtoposide OxaliplatinCyclophosphamide (uống) FluorouracilCapecitabineHydroxyureaThiotepaCarboplatinCisplatin

 

Bảng 3: Tỉ lệ bệnh nhân sử dụng một số thuốc điều trị đích bị rụng tóc

ĐÍCH TÁC DỤNG THUỐC TỈ LỆ
Ức chế KIT/PDGFRA Ripretinib 50%
VEGF inhibitors   Sorafenib  29 %
Regorafenib 24%
Regorafenib 16%
Pazopanib 12%
Ức chế BRAF Vemurafenib 24%
Dabrafenib 19%
Encorafenib 14%
Ức chế Bcr/Abl Nilotinib 16%
Dasatinib 8%
Ức chế sonic hedgehog signal (BCC) Vismodegib 57%

 

Khả năng phục hồi

  • Do tác dụng của hóa trị thường đặc hiệu cho các tế bào tăng sinh, cư trú trong hành tóc, không ảnh hưởng tế bào mầm trong phần phình có trách nhiệm kích hoạt lại sự phát triển của nang tóc, rụng tóc do hóa trị thường có thể hồi phục. Các nang tóc tiếp tục hoạt động bình thường trong vòng một vài tuần sau khi ngừng điều trị, và tóc mọc lại có thể nhận thấy thấy rõ ràng trong vòng 3-6 tháng. Tóc mới thường có những đặc điểm khác với tóc ban đầu; 65% bệnh nhân gặp phải tình trạng tóc bạc, quăn, có thể là do tác động khác nhau của hóa trị liệu lên tế bào sắc tố nang lông và biểu mô lớp trong, và những tác động này thường cải thiện theo thời gian.

 

Điều trị dự phòng·

Hệ thống làm lạnh/Mũ lạnh/Băng lạnh

Nguyên lý hoạt động: Giả thuyết thứ nhất là các thiết bị như băng lạnh, mũ lạnh làm giảm nhanh nhiệt độ của da đầu vài độ trước, trong và sau hóa trị liệu. Quá trình làm lạnh sẽ giúp mạch máu co lại và làm giảm lưu lượng máu có chứa hóa chất trong da đầu đến 20-40% mức bình thường. Giả thuyết thứ hai là tốc độ khuếch tán thuốc qua màng sinh chất giảm ở nhiệt độ thấp, dẫn đến giảm tỷ lệ thấp thuốc xâm nhập vào nang tóc. Thứ ba, do sự phân chia tế bào là một quá trình trao đổi chất phụ thuộc vào năng lượng, nên có khả năng quá trình làm lạnh sẽ làm mất tác dụng của các phản ứng phụ thuộc vào enzym, ảnh hưởng tác động của thuốc vào một số giai đoạn trong chu kỳ phân chia tế bào. Thứ tư, ở nhiệt độ thấp sẽ có sự suy giảm chung trong hoạt động trao đổi chất, hoạt động của tế bào nang tóc(như các phản ứng oxy hóa) có thể làm giảm độc tính tế bào của các loại thuốc hóa trị.  Sự kết hợp  các cơ chế này của  này của thiết bị làm lạnh sẽ làm ngăn ngừa hoặc giảm tác động của thuốc tới nang tóc, giảm rụng tóc.Hệ thống làm lạnh được FDA cấp phép: DigniCap, Paxman

Hiệu quả: Đây là thiết bị đã được sử dụng trên 30 nước nhằm làm giảm mức độ hoặc phòng rụng tóc ở các bệnh nhân cần điều trị hóa chất. Hiệu quả đạt được ở các mức khác nhau tùy thuộc vào thiết bị làm lạnh, loại, phác đồ hóa chất bệnh nhân được dùng. Một phân tích tổng hợp vào năm 2015 kết luận rằng hạ thân nhiệt da đầu là can thiệp duy nhất làm giảm đáng kể nguy cơ rụng tóc do hóa trị liệu (10 nghiên cứu, bao gồm 818 bệnh nhân và bao gồm ba thử nghiệm ngẫu nhiên).

Một nghiên cứu khác trên 755 bài báo và dữ liệu từ 27 nghiên cứu liên quan đến 2202 người tham gia cho thấy tỷ lệ hiệu quả của việc sử dụng thiết bị làm mát da đầu để bảo vệ tóc là 61% (p = 0,000).

Tác dụng không mong muốn: lạnh, đau đầu, đau cổ, chóng mặt, buồn nôn, khô da.

*Các nghiên cứu đã thực hiện cho thấy sử dụng mũ lạnh không liên quan tới việc làm tăng tỉ lệ di căn ung thư da đầu.

Chi phí: 1500$-3000$  (tại Mỹ)

Chỉ định

 –  Chỉ định sử dụng mũ lạnh đa dạng trên các bệnh nhân có khối u chắc, điều trị hóa chất có nguy cơ gây rụng tóc nhiều như ung thư vú, buồng trứng, tiền liệt tuyến

–  Chỉ định xem xét cụ thể trên từng bệnh nhân khi đánh giá lợi ích của mũ lạnh có thể làm giảm rụng tóc, tăng chất lượng cuộc sống.

Chống chỉ định:

–   Trẻ em (do chưa có dạng mũ thiết kế cho trẻ em)

–   Bệnh nhân có phác đồ truyền hóa chất liên tục kéo dài >1 ngày

–   Bệnh nhân xạ trị vùng hoặc toàn bộ đầu

–   Bệnh nhân bị các bệnh liên quan tới lạnh như cold aglutinin disease, cryoglobulinemia

–   Ung thư máu

–   Suy giảm chức năng gan

–   Không khuyến cáo sử dụng mũ lạnh cho bệnh nhân ung thư phổi, ung thư da·

 

Thuốc điều trị dự phòng rụng tóc

Hiện tại, chưa có thuốc nào được cơ quan quản lý chấp thuận cho chỉ định làm giảm rụng tóc trên bệnh nhân ung thư điều trị hóa chất. Dưới đây là thông tin về hiệu quả của một số thuốc điều trị dự phòng rụng tóc do hóa trị:

  • Bimatoprost 0.03% tại chỗ

Bimatoprost là một chất tương tự prostaglandin, đã được sử dụng thành công để mọc lông mi ở những bệnh nhân bị rụng lông mi.

Mặc dù Bimatoprost 0,03% tại chỗ có thể được xem xét để điều trị chứng rụng lông mi do hóa trị liệu, nhưng không có dữ liệu nào chứng minh lợi ích phòng ngừa và sự an toàn trong quá trình hóa trị liệu .

  • Minoxidil

Minoxidil được cho là có thể thay đổi chu kỳ tóc bằng cách kéo dài giai đoạn tăng triển, tăng kích thước nang tóc chống lại sự thu nhỏ của nang tóc. Minoxidil đã được FDA chứng nhận để điều trị chứng rụng tóc nội tiết tố nam.

Hiệu quả của minoxidil trong điều trị dự phòng rụng tóc do hóa trị còn hạn chế.Một thử nghiệm ngẫu nhiên trên 48 bệnh nhân với các khối u  khác nhau nhận phác đồ có chứa doxorubicin, dùng dung dịch minoxidil 2% tại chỗ bôi 2 lần/ngày. Kết quả cho thấy minoxidil không ngăn ngừa sự phát triển rụng tóc mức độ nặng so với giả dược. Một nghiên cứu khác trên 22 phụ nữ được hóa trị sau khi phẫu thuật ung thư vú cũng cho thấy điều trị bằng minoxidil tại chỗ không ngăn ngừa được rụng tóc, nhưng rút ngắn thời gian mọc lại tối đa và thời gian từ rụng tóc tối đa đến mọc lại lần đầu.

Do tác dụng gây giãn mạch, tăng lượng máu tới nang tóc, kéo dài giai đoạn tăng triển anagen nên không dùng minoxidil trong quá trình hóa trị. Có thể dùng sau khi kết thúc hóa trị và thời điểm bắt đầu dùng phụ thuộc vào thời gian bán hủy của hóa chất điều trị.

  • Finasteride

Đây là một chất ức chế 5-alpha-reductase loại II, được FDA phê duyệt để điều trị rụng tóc kiểu hói nam. Finasteride không được khuyến cáo để điều trị hoặc phòng ngừa chứng rụng tóc ở bệnh nhân đang hóa trị do lo ngại về tính an toàn. Thuốc đã được chứng minh là làm tăng nồng độ estrogen huyết thanh và liên quan đến nữ hóa tuyến vú ở nam giới.

  • Calcitriol

Dự phòng bằng calcitriol (1,25 (OH) 2D3) tại chỗ; bảo vệ chuột khỏi rụng tóc do cyclophosphamide-, etoposide- và doxorubicin. Tuy nhiên, một thử nghiệm trên 12 bệnh nhân được hóa trị liệu ung thư vú có chứa anthracycline và cyclophosphamide đã không chứng minh được bất kỳ lợi ích nào của calcitriol trong việc ngăn ngừa rụng tóc do hóa trị liệu. Calcitriol không được khuyến khích sử dụng để phòng ngừa rụng tóc do hóa trị liệu do lo ngại ảnh hưởng tới sự tác động của hóa trị với tế bào ung thư.

Một số chất đã thử nghiệm trên động vật khác

–   Kháng thể đặc hiệu

–   Chất co mạch

–   Chất chống oxy hóa

–   Cytokines và các yếu tố tăng trưởng

–   Yếu tố sửa chữa chu kỳ nang tóc

–   Chất ức chế chết theo chương trình

–   Hormon cận giáp…Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số thử nghiệm sử dụng các chất này trên chuột nhằm giảm tình trạng rụng tóc do tác động của hóa trị. Tuy nhiên, hiệu quả của các chất này mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm trên động vật. Trong tương lai, các chất này cần được đánh giá trên các thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả và tính an toàn để được đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân ung thư cần hóa trị.

Kết luận

Mặc dù  hóa trị là một trong các liệu pháp hiệu quả trong điều trị một số bệnh ung thư, rụng tóc vẫn là một gánh nặng tâm lý rất lớn đối với bệnh nhân. Quá trình hồi phục lại tóc cần từ vài tháng tới hàng năm, thường tình trạng tóc không hồi phục không hoàn toàn như ban đầu. Các thiết bị làm lạnh cho thấy có hiệu quả nhất định trong điều trị dự phòng rụng tóc do hóa trị và được FDA chấp thuận. Ngoài ra, chưa có thuốc nào cho thấy có hiệu quả đáng kể làm giảm rụng tóc trên bệnh nhân ung thư điều trị hóa chất. Một số hoạt chất đã có tác dụng trên động vật cần có thêm nghiên cứu lâm sàng trên người để có thể sử dụng an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhân ung thư cần hóa trị có nguy cơ gây rụng tóc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Paus R, Haslam IS, Sharov AA et al. Pathobiology of chemotherapy‐induced hair loss. Lancet Oncol 2013;14:e50–e59.

2.  Shurui Wang,.  The scalp cooling therapy for hair loss in breast cancer patients undergoing chemotherapy: a systematic review and meta-analysis, 2021 Apr 13, Support Care Cancer

3.  Christopher John Dunnill, A Clinical and Biological Guide for Understanding Chemotherapy‐Induced Alopecia and Its Prevention, Oncologist. 2018 Jan; 23(1): 84–96

4.   Hope S Rugo, Alopecia related to systemic cancer therapy, Uptodate

5.  Freites-Martinez A, Shapiro J, Goldfarb S, et al. Hair disorders in patients with cancer. J Am Acad Dermatol 2019; 80:1179.

6.  Trueb RM. Chemotherapy‐induced hair loss. Skin Therapy Lett 2010;15:5–7

Người viết: BS CKII. Quách Thị Hà Giang

Người đăng: Phòng CTXH

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

largeer