Quản lí vảy nến thông thường ở trẻ em

posted 11/12/2020 LISA

1.Đại cương

Vảy nến là một bệnh da thường gặp ở người lớn và trẻ em, gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Bệnh vảy nến ở trẻ em đa số đáp ứng với điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, một số trường hợp vảy nến mức độ trung bình đến nặng đòi hỏi điều trị bằng dùng thuốc toàn thân hoặc liệu pháp ánh sáng.

Mặc dù nhiều phương pháp điều trị vảy nến ở trẻ em được áp dụng tương tự như người lớn, nhưng các thử nghiệm về hiệu quả và độ an toàn để hướng dẫn cách tiếp cận điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em còn hạn chế. Do đó, việc phát triển các hướng dẫn điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em là một thách thức. Trong thực hành lâm sàng, việc xem xét các yếu tố cụ thể của bệnh nhân, chẳng hạn như tuổi, mức độ nặng của bệnh, bệnh đi kèm và khả năng chịu đựng các rủi ro và tác dụng phụ của các loại thuốc cụ thể, sẽ quyết định hướng điều trị.

Điều trị vảy nến ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết trẻ mắc bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình đáp ứng điều trị với các loại thuốc bôi tại chỗ như corticosteroid, ức chế calcineurin và các dẫn xuất của vitamin D.10 – 20% trẻ em mắc vảy nến trung bình đến nặng ( > 10% diện tích cơ thể) không đáp ứng với liệu pháp tại chỗ, thường phải điều trị liệu pháp ánh sáng hoặc dùng thuốc toàn thân. Ngoài ra, lựa chọn phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác của bệnh nhân. Viêm khớp vảy nến thường đòi hỏi điều trị bằng liệu pháp toàn thân dù tổn thương da ở mức độ nhẹ.

Hình 1: Tổn thương dát đỏ bong vảy mỏng, ranh giới rõ tập trung thành mảng vùng đầu gối ở trẻ 5 tuối.

2.Quản lý vảy nến thông thường mức độ nhẹ đến trung bình ở trẻ em từ 4 tuổi trở lên.

Vảy nến thể mảng mức độ nhẹ đến trung bình khi tổn thương < 10% diện tích bề mặt cơ thể. Đa số các trường hợp đáp ứng với liệu pháp tại chỗ. Vảy nến ở các vị trí đặc biệt như vảy nến ở da đầu, nếp kẽ điều trị có chút thay đổi.

2.1 Liệu pháp đầu tay:

Corticosteroid tại chỗ là liệu pháp điều trị chính cho bệnh vẩy nến ở trẻ em dựa trên kinh nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, liệu pháp corticosteroid dài hạn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ như teo da. Do đó, các thuốc bôi ngoài da không steroid (ví dụ, thuốc ức chế calcineurin hay dẫn xuất vitamin D tại chỗ) thường được thêm vào (hoặc thay thế) liệu pháp corticosteroid tại chỗ để giảm mức độ phơi nhiễm corticosteroid.

2.1.1 Corticosteroid tại chỗ:

  • Cách dùng:

– Tổn thương vảy nến trên thân mình và tứ chi ở trẻ em có thể được điều trị bằng corticosteroid tại chỗ có độ mạnh từ trung bình tới mạnh (nhóm 2 – 4 (bảng 1)) bôi 2 lần/ngày. Các dấu hiệu cải thiện (giảm ban đỏ và độ dày vảy) thường rõ ràng trong vòng 1 -2 tuần đầu tiên, cải thiện dần khi tiếp tục sử dụng. Các tác giả thường khuyến cáo bôi hàng ngày trong 4 tuần. Sau khi cải thiện, có thể ngừng sử dụng hoặc giảm tuần tần xuất bôi ( bôi cách ngày, bôi 2 lần/tuần vào cuối tuần) để duy trì đáp ứng. Tiếp tục sử dụng hàng ngày trong tối đa bốn tuần trong các đợt bùng phát bệnh.

Bảng 1: Bảng phân độ mức độ mạnh của corticoid bôi tại chỗ.

Vảy nến trên thân mình hoặc tứ chi không đáp ứng trong vòng 4 tuần điều trị corticosteroid tại chỗ nhóm 2 – 4, thì một đợt ngắn (≤ 2 tuần) corticoid mức độ rất mạnh (nhóm 1 (bảng 1)) là cần thiết. Sau 2 tuần sử dụng, nên giảm tần xuất bôi (ví dụ: hai ngày liên tục mỗi tuần). Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chuyển sang một loại corticosteroid mức độ nhẹ hơn.

Khuyến cáo nên kết hợp dẫn xuất vitamin D trong phác đồ điều trị. Bôi dẫn xuất vitamin D đồng thời với corticosteroid tại chỗ trong các đợt bùng phát cấp tính. Khi tần suất bôi corticosteroid tại chỗ giảm xuống còn hai ngày mỗi tuần, việc bôi chất tương tự vitamin D tại chỗ có thể tiếp tục trong năm ngày còn lại.

Corticosteroid tại chỗ có nhiều dạng bào chế (ví dụ: thuốc mỡ, kem, lotion, gel, dung dịch, xịt), thuốc mỡ được ưu tiên hơn do khả năng ngấm sau qua tổn thương vảy dày của vảy nến. Kết hợp corticosteroid tại chỗ với thuốc tiêu sừng, như axit salicylic 5% giúp tăng cường tác dụng của thuốc đối với các tổn thương nhiều vảy dày sừng.

Nên thận trọng khi sử dụng corticosteroid tại chỗ trên da mặt và vùng nếp kẽ do tăng nguy cơ tác dụng phụ trên da, tránh sử dụng corticosteroid tại chỗ hiệu lực trung bình đến mạnh ở những vùng này.

  • Tác dụng phụ và biện pháp phòng ngừa

Teo da và giãn mạch là tác dụng phụ thường gặp của liệu pháp corticosteroid tại chỗ, có thể giảm thiểu bằng cách hạn chế thời gian bôi thuốc, tránh bôi quá nhiều (chỉ cần lớp mỏng là đủ), và tránh sử dụng corticosteroid mạnh trên mặt và các vùng kẽ. Hấp thu toàn thân của corticosteroid tại chỗ cũng có thể dẫn đến ức chế trục tuyến yên vùng dưới đồi, đặc biệt ở trẻ em. Chất làm mềm da cũng có thể giúp giảm thiểu hiện tượng Koebner thông qua giảm khả năng kích ứng da.

2.2 Các liệu pháp khác:

Các thuốc bôi ngoài da khác như tazarotene, hắc ín và anthralin, ít được sử dụng cho bệnh vảy nến ở trẻ em vì tác dụng phụ. Kích ứng da thường hạn chế sử dụng tazarotene và anthralin ở trẻ em. Tar có mùi hôi và có thể làm ố da và quần áo:

  • Tazarotene – Mặc dù dữ liệu thử nghiệm ngẫu nhiên hỗ trợ hiệu quả của việc sử dụng tazarotene 1 lần/ngày đối với bệnh vẩy nến thể mảng ở người lớn, nhưng thiếu dữ liệu ở trẻ em. Một báo cáo trường hợp mô tả điều trị thành công bệnh vẩy nến móng tay ở trẻ em bằng tazarotene 0,05%.
  • Tar: chống viêm và chống tăng sinh, hắc ín có thể được kết hợp với corticosteroid tại chỗ và / hoặc axit salicylic. Mùi khó chịu, làm ố da và quần áo, và nguy cơ viêm nang lông nên ít sử dụng để bệnh vẩy nến trên mặt, thân mình hoặc tứ chi. Tuy nhiên, nhựa than đá thường được sử dụng trong các công thức dầu gội cho bệnh vẩy nến da đầu.
  • Anthralin: tác dụng chống tăng sinh và chống viêm. Anthralin có thể gây kích ứng da và có thể làm ố da và quần áo nên ít được ưa chuộng. Sử dụng anthralin được sử dụng thường xuyên hơn ở Châu Âu so với Mỹ.

2.3 Các vị trí đặc biệt: Da mặt, nếp kẽ và da đầu thường gặp ở trẻ em mắc vảy nến. Thay đổi cách tiếp cận điều trị cho những khu vực này là hữu ích để tăng hiệu quả và giảm thiểu tác dụng phụ.

Hình 2: Tổn thương vảy nến vùng nách, bẹn ở trẻ 6 tuổi.

2.3.1 Da mặt và nếp kẽ: corticosteroid và ức chế calcineurin tại chỗ đều có hiệu quả đối với bệnh vảy nến ở mặt và nếp kẽ. Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ được ưa chuộng để điều trị lâu dài ở những vị trí này do có nguy cơ cao bị teo da do corticosteroid ở những vùng này.

  • Cách dùng: thường sử dụng thuốc mỡ tacrolimus 0,03% cho trẻ, tacrolimus 0,1% thường gây kích ứng da, bôi 2 lần/ ngày cho đến khi đáp ứng. Cải thiện lâm sàng thường thấy trong tháng đầu tiên điều trị.

Corticosteroid tại chỗ nhóm yếu ( nhóm 6 hoặc 7) có thể sử dụng cho vảy nến trên da mặt hoặc nếp kẽ 2 lần/ ngày trong tối đa 2 tuần. Khi có đáp ứng, có thể ngừng điều trị và tiếp tục điều trị trong các đợt bùng phát tiếp theo. Nếu đáp ứng kém hoặc bệnh tái phát nhanh chóng (ví dụ, trong vài tuần), có thể chuyển bệnh nhân sang liệu pháp ức chế calcineurin tại chỗ.

  • Tác dụng phụ và biện pháp phòng ngừa

Thuốc thường dung nạp tốt. Cảm giác bỏng rát thoáng qua, ban đỏ và ngứa là những tác dụng phụ thường gặp nhất, mối liên quan giữa thuốc và bệnh ác tính vẫn chưa được thiết lập.

2.3.2 Da đầu

Bệnh nhân thường dùng thuốc ở dạng dầu gội, bọt, dung dịch, gel, thuốc xịt thích hợp để dùng cho da đầu. Dầu gội có thành phần điều trị có thể hữu ích để loại bỏ cặn bám một cách nhẹ nhàng.

  • Fluocinolone 0,01% 1 ngày/lần ủ da đầu còn đang ướt trong 1 -2 giờ.
  • Gội đầu chứa các thành phần:

-Dầu gội Tar (ví dụ: 0,5 hoặc 1% nhựa than đá)

-Dầu gội có tính bạt sừng (ví dụ: axit salicylic 2, 3 hoặc 6%)

Điều trị thay thế phổ biến là sử dụng corticosteroid tại chỗ mạnh (ví dụ: clobetasol propionat, fluocinonide, betamethason dipropionat) hoặc kết hợp với dẫn xuất vitamin D tại chỗ.

Hình 3: Tổn thương dát đỏ, bong vảy trắng vùng đầu, rìa tóc và sau gáy ở trẻ 10 tuổi

3.Quản lý vảy nến mức độ trung bình đến nặng ở trẻ em từ 4 tuổi trở lên

Các lựa chọn điều trị chính bao gồm thuốc ức chế miễn dịch (methotrexate, cyclosporin), liệu pháp ánh sáng, thuốc sinh học và retinoids đường uống. Tránh điều trị bằng corticosteroid đường uống do có khả năng làm bùng phát bệnh nặng khi ngừng thuốc.

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào việc xem xét các yếu tố cụ thể của bệnh nhân như mức độ nặng của bệnh, bệnh đi kèm, khả năng chấp nhận rủi ro và tác dụng phụ, và tiền sử điều trị trước đó.

3.1 Methotrexate:

Liệu pháp phổ biến nhất được sử dụng cho bệnh vảy nến ở trẻ em với chi phí điều trị thấp. Bổ sung axit folic hàng ngày (1 mg mỗi ngày) được chỉ định trong khi điều trị bằng methotrexate:

  • Cách dùng – Liều khởi đầu thường là 0,3 mg/ kg/tuần và sau đó có thể tăng lên đến 0,7 mg / kg/tuần tối đa là 25 mg. Đáp ứng điều trị trong tháng đầu tiên, nhưng thường mất ít nhất 10 tuần. Đánh giá đáp ứng ba tháng một lần và tăng liều hàng tuần 0,1 đến 0,2 mg / kg (tổng liều tối đa 0,6 mg / kg/tuần) nếu trẻ dung nạp methotrexate nhưng không đáp ứng đủ. Khi kiểm soát bệnh ổn định trong sáu tháng, bắt đầu giảm liều hàng tuần 0,1 mg / kg mỗi tháng theo dung nạp.
  • Tác dụng phụ – khó chịu đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường hô hấp trên, mệt mỏi và nhức đầu. Ức chế tủy xương và tăng men gan cũng có thể gặp. Sử dụng axit folic và tiêm dưới da, thay vì uống, của methotrexate có thể giúp giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Theo dõi xét nghiệm huyết học và men gan trong quá trình điều trị. Sàng lọc bệnh lao nên được thực hiện trước khi điều trị. Bệnh nhân nữ vị thành niên nên được tư vấn về khả năng gây quái thai của thuốc, và tất cả trẻ em nên tránh dùng vắc xin sống khi đang điều trị bằng methotrexate.

3.2 Quang trị liệu

Các lựa chọn quang trị liệu bao gồm UVB dải hẹp và laser excimer. Trong số này, UVB dải hẹp được sử dụng phổ biến hơn cho trẻ em. Laser excimer có  ưu điểm giảm thiểu sự tiếp xúc của dùng da lành với tia UVB, nhưng dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn của laser excimer ở ​​trẻ em còn hạn chế. PUVA hiếm khi được sử dụng ở trẻ em do lo ngại về nguy cơ tác dụng phụ cao hơn so với UVB băng hẹp

– Liệu pháp quang trị liệu thường được điều trị ngoại trú 2 – 3 lần/tuần. Sau khi đạt đáp ứng, tần suất chiếu sẽ giảm dần theo mức dung nạp. Phương pháp này nên áp dụng cho trẻ có thể hiểu và làm theo hướng dẫn và cảm thấy thoải mái khi đứng yên trong không gian kín một mình. Tần suất chiếu nhiều lần gây tốn nhiều thời gian và khó khăn về việc đị lại đối với bệnh nhân.

Chiếu tại nhà là một giải pháp thay thế thuận tiện cho trẻ em đã được điều trị bằng đèn chiếu một cách an toàn và hiệu quả ở cơ sở ngoại trú. Bệnh nhân và người chăm sóc cần được hướng dẫn rõ ràng để tự điều trị tại nhà và cần theo dõi lâm sàng tại cơ sở y tế.

  • Hiệu quả : Một nghiên cứu hồi cứu bao gồm 88 trẻ em được điều trị bằng UVB dải hẹp cho bệnh vẩy nến. Trong số 79 trẻ em hoàn thành liệu trình, 73/79 trẻ (92%) đạt được ít nhất PASI 75% cải thiện lâm sàng, 40/79 trẻ (51%) khỏi hoàn toàn các tổn thương da. Thời gian điều trị trung bình là khoảng ba tháng, và thời gian thuyên giảm trung bình là khoảng 20 tháng.
  • Tác dụng phụ – bao gồm ban đỏ, khô, ngứa. Dữ liệu hiện có cho thấy UVB dải hẹp không làm tăng nguy cơ ung thư da; tuy nhiên, các nghiên cứu bổ sung là cần thiết để xác nhận điều này, đặc biệt là ở trẻ em. Dẫn xuất vitamin D tại chỗ nên được áp dụng sau các buổi trị liệu bằng đèn chiếu. Khô da sắc tố và lupus ban đỏ chống chỉ định tuyệt đối với quang trị liệu.

3.3 Tác nhân sinh học

Thuốc sinh học điều trị vảy nến ở người lớn bao gồm: TNF-alpha (etanercept, adalimumab, infliximab và certolizumab),  ustekinumab ( ức chế IL 12 và IL- 23), secukinumab ( kháng IL-17A), ixekizumab ( kháng IL-17A), brodalumab ( kháng IL-17) và các tác nhân nhắm vào tiểu đơn vị p19 của IL-23 ( guselkumab, tildrakizumab và risankizumab).

FDA chấp thuận sử dụng etanercept với trẻ từ 4 tuổi, ustekinumab và ixekizumab  với trẻ từ 6 tuổi.

Cách sử dụng: Thuốc ức chế TNF-alpha thường được sử dụng điều trị vảy nến ở trẻ em hơn các thuốc khác.

  • Etanercept: 0,8 mg / kg tiêm 1 lần/ tuần, liều tối đa 50 mg
  • Adalimumab: 0,8 mg / kg tiêm ở tuần 0 và 1, sau đó cách tuần với liều tối đa 40 mg
  • Ustekinumab: Liều lượng dựa trên trọng lượng.Trẻ em ≤ 60 kg: 0,75 mg / kg; Trẻ 60 – 100 kg: 45 mg; Trẻ> 100 kg: 90 mg; ustekinumab được tiêm vào tuần 0, 4, sau đó 12 tuần một lần
  • Ixekizumab: Liều lượng dựa trên cân nặng; Trẻ <25 kg: 40 mg ở tuần 0, sau đó 20 mg mỗi bốn tuần; Trẻ từ 25 – 50 kg: 80 mg vào tuần 0, sau đó 40 mg mỗi bốn tuần; Trẻ > 50 kg: 160 mg ở tuần 0, sau đó 80 mg mỗi bốn tuần

Hiệu quả:  Các thử nghiệm ngẫu nhiên đã chứng minh hiệu quả và tính an toàn của etanercept, adalimumab và ustekinumab

  • Etanercept – Một thử nghiệm kéo dài 48 tuần, trong đó 211 trẻ em mắc bệnh vảy nến thể mảng từ trung bình đến nặng (4 – 17 tuổi) ngẫu nhiên dùng etanercept (0,8 mg / kg, tối đa 50 mg) hoặc giả dược 1 lần/ tuần trong 12 tuần, nhóm trẻ điều trị bằng etanercept đạt được PASI-75 nhiều hơn trẻ ở nhóm dùng giả dược (57%, 11%) ở 12 tuần. Ngoài ra, hiệu quả bền vững của etanercept đối với bệnh vẩy nến ở trẻ em đã được chứng minh qua 96 tuần.
  • Adalimumab – Một thử nghiệm trên 114 trẻ em ( 4 – 17 tuổi) vảy nến thể mảng nặng được ngẫu nhiên dùng methotrexate (0,1 – 0,4 mg / kg/ tuần) hoặc một trong hai chế độ liều của adalimumab (0,4 hoặc 0,8 mg / kg cách tuần một lần), nhóm dùng adalimumab liều 0,8 mg / kg đạt điểm PASI-75 cao hơn bệnh nhân ở nhóm dùng methotrexate (58%, 32%) sau 16 tuần. Hiệu quả duy trì của adalimumab trong 52 tuần ở trẻ em từ 4 – 18 tuổi cũng đã được báo cáo.
  • Ustekinumab – Một thử nghiệm trên 110 thanh thiếu niên mắc bệnh vẩy nến thể mảng từ trung bình đến nặng (12 – 17 tuổi) được chỉ định ngẫu nhiên vào một trong hai chế độ dùng ustekinumab (liều tiêu chuẩn hoặc nửa tiêu chuẩn), nhóm dùng liều tiêu chuẩn hoặc một nửa liều tiêu chuẩn có điểm PASI-75 cao hơn so với trẻ em được điều trị bằng giả dược (81%, 78% và 11%)
  • Ixekizumab – Một thử nghiệm trong đó 171 bệnh nhân trẻ em (từ 6 – 18 tuổi) mắc bệnh vẩy nến thể mảng từ trung bình đến nặng được chỉ định ngẫu nhiên để dùng ixekizumab hoặc giả dược dựa trên cân nặng, 102/115 bệnh nhân (89%) nhóm ixekizumab đạt PASI-75 ở tuần thứ 12 so với 14/56 bệnh nhân (25%) trong nhóm giả dược.

Hiệu quả và độ an toàn của các tác nhân sinh học điều trị vảy nến khác, bao gồm secukinumab, brodalumab, certolizumab pegol, guselkumab, tildrakizumab và risankizumab, đối với bệnh vảy nến ở trẻ em vẫn còn được xác định.

  • Tác dụng phụ – tác dụng phụ thường gặp nhất của tác nhân sinh học là phản ứng tại chỗ tiêm và nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trong thử nghiệm ngẫu nhiên so sánh adalimumab với methotrexate, tỷ lệ nhiễm trùng giữa các nhóm điều trị là tương tự nhau. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế IL-17 (ixekizumab và secukinumab) tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột. Tăng nguy cơ ác tính chưa được ghi nhận ở trẻ em.

Trẻ em được điều trị bằng các chất sinh học nên được tầm soát bệnh lao hàng năm. Ngoài ra, nên tránh dùng vắc xin sống trong quá trình điều trị.

3.4 Cyclosporine

– Cyclosporine thường được chỉ định điều trị vảy nến thể nặng và không đáp ứng điều trị

  • Cách dùng: 4 – 5 mg / kg/ ngày chia làm hai lần, cải thiện lâm sàng rõ rệt thường xảy ra trong tháng đầu tiên điều trị. Khi bệnh được kiểm soát, liều có thể giảm dần theo mức dung nạp. Thời gian điều trị nên dưới một năm vì độc tính, như tăng huyết áp, tổn thương thận và gan, và các khối u ác tính trong tương lai.
  • Hiệu quả: Dữ liệu sử dụng cho bệnh vẩy nến thể mảng ở trẻ em còn hạn chế. Một nghiên cứu hồi cứu trên 38 trẻ em và thanh thiếu niên dùng cyclosporin đối với bệnh vẩy nến thể mảng (liều trung bình 3,2 mg / kg/ngày, 2-5 mg / kg), 15/38 (39%) đạt được ít nhất PASI-75 sau 16 tuần. 8 bệnh nhân phải ngưng điều trị do tác dụng phụ.
  • Tác dụng phụ: độc tính trên thận, tăng huyết áp, nhiễm độc gan, tăng lipid máu, bất thường về chuyển hóa, và tăng nguy cơ nhiễm trùng và bệnh ác tính. Cần theo dõi xét nghiệm máu và kiểm tra huyết áp trong quá trình điều trị. Nên tránh dùng vắc-xin sống và kháng sinh macrolide làm tăng nồng độ cyclosporine trong quá trình điều trị.

3.5 Retinoids

Retinoids đường uống thường được sử dụng điều trị vảy nến thể mủ với hiệu quả cao hơn so với vảy nến thông thường so với các liệu pháp toàn thân khác. Acitretin là retinoid uống thường dùng cho bệnh vẩy nến.

Cách dùng: 0,5 – 1 mg / kg/ngày đối với vảy nến thể mảng và thường đáp ứng sau hai đến ba tháng.

Dữ liệu về hiệu quả điều trị vảy nến thể mảng ở trẻ em bằng acitretin còn hạn chế. Một nghiên cứu hồi cứu trên 154 trẻ em vảy nến từ trung bình đến nặng với 78 trẻ được điều trị bằng acitretin, 27/78 trẻ (35%) đáp ứng điều trị với điểm PASI ít nhất 75%.

Tác dụng phụ: khô da và niêm mạc và tăng mỡ máu. Theo dõi xét nghiệm huyết học, men gan và mỡ máu là cần thiết trong quá trình điều trị. Retinoids đường uống gây quái thai và phải tránh thai ba năm sau khi ngừng sử dụng.

4. Điều trị viêm khớp vảy nến thể khớp ở trẻ em.

Quản lý viêm khớp vảy nến ở trẻ em từ đầu rất quan trọng để hạn chế nguy cơ tàn tật sau này. Thông thường, viêm khớp vảy nến yêu cầu liệu pháp toàn thân để cải thiện tình trạng viêm khớp và bệnh da đồng thời ( methotrexate hoặc thuốc ức chế yếu tố hoại tử u TNF -alpha).

5. Điều trị vảy nến thông thường ở trẻ em dưới 4 tuổi.

Tiếp cận điều trị vảy nến thể mảng mức độ nhẹ đến trung bình ở nhóm trẻ em dưới 4 tuổi tương tự trẻ em nói chung. Corticosteroid bôi tại chỗ nhóm trung bình đến yếu (nhóm 4 – 7) được ưu tiên. Lưu ý đối với vị trí tã lót ở trẻ em, sử dụng corticoid tại chỗ cần được theo dõi chặt chẽ do nguy cơ tăng tác dụng phụ do việc mặc tã gây băng bịt vùng tổn thương.

Cũng như đối với trẻ lớn hơn, phương pháp điều trị chủ yếu vảy nến ở mặt và nếp kẽ là thuốc ức chế calcineurin tại chỗ và corticosteroid bôi tại chỗ hiệu lực thấp. Ưu tiên sử dụng thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (tacrolimus 0,03% hoặc pimecrolimus 1%) cho vảy nến ở mặt và vùng nếp kẽ và dùng thay thế trong các trường hợp sử dụng corticoid bôi tại chỗ lâu dài. Các dẫn xuất vitamin D và retinoid bôi tại chỗ hiếm khi được sử dụng trong điều trị trẻ sơ sinh vì tác dụng phụ thường gặp là kích ứng da.

Tiếp cận điều trị vảy nến mức độ trung bình đến nặng ở trẻ em dưới bốn tuổi chủ yếu bao gồm tối ưu hóa liệu pháp tại chỗ. Liệu pháp quang trị liệu và liệu pháp toàn thân hạn chế dùng ở nhóm tuổi này vì lo ngại về tính an toàn khi sử dụng.

Bài viết: BS Nguyễn Thị Thảo Nhi

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa..

Tin hoạt động- 27 phút trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV..

Tin hoạt động- 29 phút trước

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5.

Tin hoạt động- 4 giờ trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Bộ kít tách chiết

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Bộ kít tách chiết

.

Báo giá- Mời thầu- 1 ngày trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Ống falcon

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Ống falcon

.

Báo giá- Mời thầu- 1 ngày trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm : Dung dịch đệm  PDS và Trypsin

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm : Dung dịch đệm PDS và Trypsin

.

Báo giá- Mời thầu- 1 ngày trước

largeer