Hội nghị “Giảng dạy và đào tạo trong chuyên ngành Da liễu” năm 2014 tại Cần Thơ

Ngày đăng: 13/05/2015 Admin

   Đến dự có GS.TS. Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. PGS.TS.Trần Hậu Khang – Giám đốc bệnh viện Da liễu TW, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn DL-Trường ĐHY Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Tất Thắng – Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Đại học Y dược Tp Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam; BSCKII Vũ Hồng Thái – Giám đốc bệnh viện Da liễu Tp Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Da liễu trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.

Về phía lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ, có BSCKII Cao Minh Chu- Phó GĐ Sở Y Tế TP Cần Thơ, TS. Lê Ngọc Của –Thường trực hội đồng NCKH- Sở Y Tế TP Cần Thơ.

Về phía lãnh đạo Trường ĐHYD Cần Thơ, có PGS.TS. Đàm văn Cương – Phó Hiệu Trưởng, TS. Ngô Văn Truyền – Trưởng khoa Y, TS. Nguyễn Văn Lâm – Phó Trưởng khoa Y, TS. Lê Minh Lý – Phó Trưởng khoa Y, PGS.TS. Lê Thành Tài – Phó khoa Y tế công cộng.

          Tham dự Hội nghị còn có cán bộ lãnh đạo của bệnh viện Da liễu TW, Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, Bv Da liễu Tp HCM, Các cán bộ giảng viên thuộc các bộ môn Da liễu các trường đại học, cao đẳng, trung học Y Dược tại Việt Nam (ban chủ nhiệm bộ môn, giáo vụ đại học và sau đại học), Ban lãnh đạo và các cán bộ, bác sĩ làm công tác đào tạo – nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến thuộc các trung tâm, bệnh viện, các đơn vị Da liễu trong toàn quốc.

Ngoài ra còn có các cơ quan báo đài trung ương và địa phương đến tham dự và đưa tin.

        Các báo cáo khoa học, các tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị chủ yếu từ các Thầy cô giáo là lãnh đạo và cán bộ giảng của các Bộ môn Da liễu trên phạm vi toàn quốc, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Công tác đào tạo, giảng dạy chuyên ngành Da liễu của đơn vị hiện nay: Thực trạng, những tồn tại và đề xuất khắc phục (lâm sàng, lý thuyết). Cải tiến phương pháp giảng dạy, đào tạo cho các đối tượng đại học và sau đại học. Công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị hiện nay: Thực trạng, những tồn tại và đề xuất phương hướng hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Công Khẩn Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo Hội nghị

        Hội nghị đã bầu ra chủ tịch đoàn để điều khiển và chủ trì Hội nghị, bao gồm: GS.TS Nguyễn Công Khẩn; PGS.TS Trần Hậu Khang; BSCKII. Vũ Hồng Thái; TS. Huỳnh Văn Bá;Thư ký: PGS.TS. Nguyễn Hữu Sáu.

Đoàn chủ tịch chủ trì tại Hội nghị

       Mở đầu Hội nghị, PGS.TS.Trần Hậu Khang trình bày “Tổng quan về giảng dạy/đào tạo trong chuyên ngành Da liễu”. PGS Khang đã trình bày những nét tổng quan về nghành Da liễu với các thành phần chính là: bệnh da thông thường, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phong, các loại u da, bệnh da tự miễn, bệnh lông tóc móng, bệnh da di truyền, bệnh da nghề nghiệp và cuối cùng là lão hoá da. Với các thành phần này, nghành da liễu đã hình thành các chuyên đề sâu về da như: bệnh da nội, bệnh da ngoại khoa, mô bệnh học da, bệnh da ở sinh dục, bệnh da trẻ em, bệnh tổ chức liên kết, bệnh da do ánh sáng, thẩm mỹ da, bệnh da do di truyền, bệnh lông tóc móng. Do vậy, nghành da liễu có nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng tăng và ngày càng chuyên sâu để dáp ứng nhu cầu của xã hội. Ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Italia hay Mỹ thì tỷ lệ bác sĩ da liễu trên dân số lần lượt là 1/12.700; 1/13.580 và 1/28.000 dân, còn ở Việt Nam, một nước đang phát triển, tỉ lệ này là 1 bác sĩ da liễu/158.000 dân vẫn còn khoảng cách quá lớn so với các nước trên.

PGS. TS Trần Hậu Khang – Giám đốc bệnh viện Da liễu TW, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn DL-Trường ĐHY Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

          Với mô hình đào tạo từ bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và các lớp đặc biệt nghành da liễu với loại hình đào tạo từ chính qui/liên tục, ngắt quãng cho tới các lớp cấp chứng chỉ, lớp đặc biệt, hay tham quan học tập được áp dụng trong hệ thống đào tạo của Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của nghành. Thời gian đào tạo cũng là một vấn đề cẩn được lưu ý, ví dụ như ở các nước Anh, Mỹ, thời gian đào tạo một bác sĩ nội trú hay bác sĩ chuyên khoa da liễu từ khi vào đại học đến khi tốt nghiệp là từ 12 đến 14 năm. Còn ở Việt Nam, tổng thời đào tạo bác sĩ nội trú chỉ có 9 năm, bác sĩ chuyên khoa định hướng chỉ từ 9 tháng và chuyên khoa 1 học chuyên nghành da liễu chỉ có 1 năm.

        Các vấn đề đặt ra, PGS Khang đã kết luận, chuyên nghành da liễu là một chuyên nghành đặc biệt, có liên quan tới nhiều chuyên nghành khác như nội, ngoại, sản nhi, nội tiết, dị ứng… Hơn nữa, trong những năm gần đây, mô hình bệnh da liễu thay đổi, các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới và hiện đại hơn được áp dụng. Vì vậy, cần có những sự điều chỉnh cải tiến, thay đổi phương pháp và chương trình giảng dạy.

PGS.TS. Đàm văn Cương – Phó Hiệu Trưởng Trường ĐHYD Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị

BSCKII Vũ Hồng Thái – Giám đốc bệnh viện Da liễu Tp Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Da liễu trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch phát biểu tham luận tại Hội nghị.

TS. Huỳnh Văn Bá phát biểu tham luận 

Các báo cáo tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu cũng tập trung chủ yếu làm rõ các nội dung:

1) Thực trạng công tác giảng dạy/ đào tạo và công tác nghiên cứu khoa học: Đội ngũ cán bộ giảng dạy đã phát triển, nhiều bộ môn đã có phó giáo sư, nhiều tiến sỹ trẻ được đào tạo bài bản tại các nước có nên y học tiên tiến Nhiều đề tài khoa học đã được báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế và được đăng tải trên các tạp chí có uy tín ở trong nước và quốc tế. Phần lớn các bộ môn da liễu đã phối hợp tốt với các bệnh viện xây dựng mô hình viện-trường gắn kết chặt chẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2) Những tồn tại và khó khăn của các cở sở đào tạo chuyên ngành da liễu: Số lượng sinh viên và học viên sau đại học ngày càng nhiều. Nhưng cơ sở vật chất hạn chế, nội dung đào tạo chưa đồng nhất giữa, một số bộ môn có lượng cán bộ còn thiếu, một số bộ môn chỉ có thạc sĩ. Sự kết hợp giữa một số bộ môn và bệnh viện thực hành chưa thực sự tốt. Hầu hết các bộ môn chưa có đội ngũ nghiên cứu viên chuyên nghiệp, kinh phí nghiên cứu chủ yếu là do tự túc. Việc khám chữa bệnh ngoài giờ của một số thầy cô đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

3) Một số biện pháp giải quyết: Bổ sung nhân lực cho các bộ môn. Đặc biệt đối với bộ môn da liễu của trường Đại học y dược Cần Thơ cần được tăng cường đội ngũ cán bộ của cho Bội môn để đáp ứng với nhu cầu về da liễu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tăng cường đào tạo chuyên khoa 1 với năng lực đáp đứng được nhu cầu xã hội, xây dựng lộ trình tăng cường đào tạo bác sỹ nội trú bệnh viện chuyên ngành da liễu tiến tới 100% bác sỹ chuyên khoa da liễu phải là nội trú bệnh viện, từ đó Không đào tạo chuyên khoa định hướng. Cải cách phương thức đào tạo, hoàn thiện giáo trình đào tạo cho các đối tượng đào tạo đại học và sau đại học. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học: phối hợp với các chuyên ngành khác, hợp tác, phối hợp các bộ môn, kết hợp viện trường, trường-trường,  hợp tác nghiên cứu với các nước trên thế giới, có chế độ đãi ngộ thích hợp. Tạo điều kiện cho cán bộ giảng được học tập và nghiên cứu ở các nước có nền y học tiến tiến nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn. Phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và nhà trường, kết hợp tổ chức tốt vấn đề giảng dạy và đào tạo cho các cán bộ thỉnh giảng của bệnh viện.

       GS.TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo phát biểu ý kiến chỉ đạo: Hoan nghênh hội nghị vì trong giai đoạn hiện nay Bộ giáo dục đào tạo và Bộ Y tế cũng đã đề ra tiến trình cải cách về giáo dục nói chung và nhất là đào tạo y khoa. GS cũng đề xuất: Chuyên ngành da liễu có sự phát triển như vũ bão gắn liền với sự phát triển của xã hội, cần xây dựng quy hoạch tổng thể nhân lực chuyên ngành da liễu, tăng cường biên chế cho các bộ môn còn thiếu. Xây dựng mô hình đào tạo tích hợp, dựa vào các thành tố của người sử dụng nhân lực. Nâng cao chất lượng đào tạo, định hướng chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học phù hợp với nhu cầu xã hội. Phát triển đào tạo liên tục. Tăng cường hợp tác quốc tế.

Kết thúc hội nghị, PGS,TS Trần Hậu Khang tóm tắt những nội dung chủ yếu của hội nghi và cùng với các đại biểu thảo luận và đề ra những khuyến cáo cho công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thời gian tới như sau:

1-     Tổ chức hội nghị “Giáo dục và giảng dạy đào tạo trong chuyên ngành da liễu” 2 năm 1 lần. Hội nghị lần 2 năm 2016 sẽ tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ( Đại học Tây Nguyên).

2-      Cần cải tiến các phương pháp giảng dạy, lượng giá chất lượng đào tạo nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

3-     Đề xuất đào tạo chuyên khoa I thời gian 3 năm.

4-     Tiến tới bỏ đào tạo chuyên khoa định hướng/chuyên khoa sơ bộ.

5-     Tăng số lượng đào tạo bác sĩ nội trú.

6-     Tăng kinh phí đào tạo bác sĩ nội trú.

7-     Nên xem lại việc đào tạo hệ thạc sĩ, tiến sĩ cho các đối tượng thực hành ở tuyến dưới.

8-     Phối hợp với đào tạo thực địa (đặc biệt là chương trình phòng chống bệnh phong và các bệnh lây truyền qua đường tình dục).

       Hội nghị đã kết thúc với sự nhất trí và đồng thuận cao của các báo cáo viên và các đại biểu tham dự. Hẹn gặp lại tại Hội nghị “Giáo dục và giảng dạy đào tạo trong chuyên ngành da liễu” lần 2 năm 2016 tại tỉnh Đắk Lắk.

Nguồn tin: Ths. Đinh Hữu Nghị

Đăng tin: Ban CNTT – Bệnh viện Da liễu Trung ương


dalieu.vn dalieu.vn