Dự phòng và điều trị tổn thương da do phương tiện phòng hộ cá nhân ở nhân viên y tế chống dịch COVID-19

posted 07/06/2021 Admin

 

1. ĐẠI CƯƠNG

Đại dịch COVID-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, đã và đang lây lan ra toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 03 tháng 6 năm 2021, thế giới có hơn 171 triệu ca bệnh được báo cáo, trong đó có khoảng 3,5 triệu người đã tử vong do COVID-19.

Tại Việt Nam, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1/2020, và đến nay đã có hơn 8000 ca bệnh được báo cáo, trong đó hơn 50 người đã tử vong. Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp với nhiều ổ dịch lớn (Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh). Biến chủng B.1.617.2 phát hiện tại Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh và mạnh, bệnh nhân tiến triển nặng.

Để ứng phó với tình hình đại dịch, Việt Nam đã và đang bổ sung thêm nhiều cơ sở, bệnh viện sàng lọc và điều trị bệnh nhân COVID-19. Số lượng nhân viên y tế phục vụ cho công tác sàng lọc, chăm sóc và điều trị bệnh nhân cũng theo đó tăng lên. Những nhân viên y tế (NVYT) tuyến đầu này cần sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân (Personal protection equipment – PPE) để tránh nguy cơ lây nhiễm vi rút khi tiếp xúc gần với người bệnh.  Các phương tiện phòng hộ cá nhân thường được sử dụng gồm: găng tay, khẩu trang, áo choàng, mũ, kính bảo hộ, mạng che mặt, ủng/bao giày.

Việc mặc PPE trong thời gian dài làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh da nghề nghiệp ở các NVYT. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, các bệnh da và những triệu chứng ngứa, khó chịu của bệnh có thể làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ các quy định khi mặc đồ bảo hộ cá nhân, dẫn đến nguy cơ thủng/ rách đồ bảo hộ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho NVYT. Vì vậy, nhận biết và dự phòng sớm bệnh da do PPE là điều rất cần thiết để bảo vệ NVYT trong đại dịch COVID-19.

Trong vùng dịch, những NVYT có vấn đề về da rất khó gặp các bác sỹ Da liễu để được khám và điều trị. Vì vậy, nhiều người đã tự chữa hoặc lờ đi cho đến khi bệnh nặng lên.

Việt Nam nằm trong đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nhiệt độ và độ ẩm cao. Mặc PPE trong thời gian dài giữa thời tiết nắng nóng làm các NVYT dễ bị sốc nhiệt, mệt lả, và dễ mắc các bệnh về da.

Hình 1. Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ cá nhân để lấy mẫu bệnh phẩm tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (06/2021)

(nguồn ảnh: BS. Nguyễn Thị Hà Vinh)

2. CÁC TỔN THƯƠNG DA DO PHƯƠNG TIỆN PHÒNG HỘ CÁ NHÂN CÓ THỂ GẶP Ở NHÂN VIÊN Y TẾ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ CÁC BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG, ĐIỀU TRỊ

2.1. TỔN THƯƠNG DA LIÊN QUAN KHẨU TRANG N95 VÀ KÍNH BẢO HỘ

Theo nghiên cứu của Lan J và cộng sự, trong đại dịch COVID-19, 97% NVYT tuyến đầu ở Trung Quốc có biểu hiện tổn thương da do PPE. Những người mang khẩu trang N95 và kính bảo hộ từ 6 giờ trở lên có nguy cơ bị tổn thương da ở vị trí tiếp xúc hơn những người mang những phương tiện bảo hộ này trong thời gian ngắn hơn. Mang các phương tiện bảo vệ mặt trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh lý da. Vì vậy, các NVYT nên được sắp xếp các đợt nghỉ giải lao nhiều hơn, để giảm thời gian mặc PPE liên tục (không quá 6 giờ), đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm như hiện nay.

Trứng cá

– Đối với những người đã có tiền sử bị trứng cá, việc mang khẩu trang N95 và kính bảo hộ trong thời gian dài gây nên áp lực và ma sát, làm bít tắc các nang lông và làm nặng tình trạng trứng cá trước đó. Những NVYT không bị trứng cá trước đó thì có thể mắc trứng cá do kích thích (acne mechanica) do khẩu trang, kính bảo hộ gây nên các chấn thương cơ học, tạo nên các sẩn viêm nhỏ. Mang khẩu trang và kính bảo hộ cũng tạo ra một vi môi trường nóng ẩm bên trong, làm tăng tiết mồ hôi và chất bã nhờn ở mặt, tạo điều kiện cho vi khuẩn C.acnes hoạt động.

– Để dự phòng trứng cá, NVYT nên được nghỉ giải lao thường xuyên để giảm tối đa sự cọ xát và áp lực từ khẩu trang, kính bảo hộ. Ngoài ra, nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt có thành phần axit salicylic và benzoyl peroxide trước và sau ca làm việc.

– Đối với các sẩn, nhân mụn trứng cá, có thể dùng kháng sinh, benzoyl peroxide, retinoid dạng kem/gel, đơn độc hoặc phối hợp. Nên dùng các loại dưỡng ẩm không chứa dầu, không gây nhân mụn. Những trường hợp trứng cá nặng, dai dẳng nên hội chẩn với bác sỹ Da liễu để được điều trị bằng các thuốc đường toàn thân.

Tổn thương da do áp lực (pressure injuries)

– Mang khẩu trang N95 và kính bảo hộ có thể gây ra các vết lõm trên da và các dát đỏ, thậm chí chỉ sau 1-2 giờ. Đây là những biểu hiện cảnh báo sớm của các tổn thương da do áp lực. Với áp lực liên tục lên một vị trí cố định lặp đi lặp lại hằng ngày thì các vết lõm và dát đỏ có thể tiến triển thành các bọng nước, vết trợt, loét. Các vị trí thường gặp là cầu mũi và hai má. Khí hậu nóng bức có thể làm tăng độ ẩm vùng da dưới khẩu trang, từ đó làm tăng nguy cơ bị các tổn thương da do áp lực và nguy cơ nhiễm khuẩn da thứ phát.

– Các biện pháp dự phòng, điều trị:

+  NVYT nên rửa mặt bằng các loại sữa rửa mặt nhẹ dịu có pH cân bằng, tránh dùng các loại xà phòng, chất tẩy rửa có tính kiềm có thể làm tổn thương hàng rào da. Sau khi thấm khô da mặt, nên bôi một lớp dung dịch bảo vệ lên vùng da chịu áp lực (VD như gel silicone, 3M Cavilon No Sting Barrier Film), xoa nhẹ nhàng và đảm bảo da khô hoàn toàn trước khi mang PPE. Chú ý tránh bôi những loại này vào vùng da gần mắt và các niêm mạc.

+ Nên bôi các loại dưỡng ẩm có chứa ceramide lên da trước khi mặc PPE khoảng 1 giờ; khi hết ca làm việc, nên bôi dưỡng ẩm vùng mặt đều đặn để duy trì hàng rào bảo vệ da

+ Tránh bôi các sản phẩm dung môi dầu, mỡ như petrolatum vì có thể gây trơn, làm trượt khẩu trang hoặc kính bảo hộ, không đảm bảo an toàn cho NVYT

+ Có thể dùng các miếng dán y tế mỏng (ví dụ như băng dán hydrocolloid) để giảm áp lực lên da, tuy nhiên việc dùng các loại miếng dán này cùng khẩu trang N95 vẫn còn nhiều tranh cãi vì chưa có bằng chứng đảm bảo độ an toàn trong phòng chống lây nhiễm COVID-19 cho người mang.

+ Giảm thời gian chịu áp lực: NVYT nên được nghỉ giải lao mỗi 2-3 giờ, mỗi lần khoảng 10-15 phút để cởi bỏ tạm thời các phương tiện phòng hộ

+ Nếu có tổn thương da nặng do áp lực, có thể cần dùng kháng sinh bôi tại chỗ và băng vết thương. Lý tưởng nhất là vết thương nên được điều trị khỏi hẳn trước khi mang lại khẩu trang.

+ Nếu tổn thương da do áp lực khi mang kính bảo hộ, có thể thay thế bằng mạng che mặt hoặc tấm kính che mặt.

Hình 2. Tổn thương da vùng mặt do áp lực khi mang khẩu trang N95 ở nhân viên y tế tại tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang (6/2021)

(nguồn ảnh: BS. Nguyễn Thị Hà Vinh)

 Mày đay do tiếp xúc và mày đay do áp lực

– Đeo khẩu trang N95 và kính bảo hộ vừa vặn, đúng cách sẽ bịt kín và chặt vùng da mặt. Những dụng cụ bảo hộ này và dây đeo đi kèm có thể gây mày đay do tiếp xúc và mày đay do áp lực.

– Các biện pháp dự phòng:

+ NVYT nên nghỉ giải lao đều đặn mỗi 2-3 giờ để giảm tối đa áp lực và ma sát từ PPE.

+ Có thể uống dự phòng thuốc kháng histamin H1 (thế hệ 2) 1-2 giờ trước khi bắt đầu ca làm việc.

Viêm môi (cheilitis)

– Liếm môi thường xuyên do mất nước, uống nước không đủ có thể gây ra viêm môi. Khí hậu nóng ẩm càng làm tình trạng này nặng lên.

– Để dự phòng, NVYT nên bôi thường xuyên các loại dưỡng môi (không chứa hương liệu) và uống nước đầy đủ mỗi 2-3 giờ khi nghỉ giải lao.

Các tổn thương da khác vùng mặt

– Viêm da dầu

– Viêm da do cọ xát, viêm da tiếp xúc kích ứng: do khẩu trang, gọng kính bảo vệ, dây đeo.

– Viêm da tiếp xúc dị ứng: ít gặp hơn, dị ứng với một thành phần nào đó của khẩu trang (gọng kim loại, dây cao su).

– Tăng sắc tố vùng da mặt: tăng sắc tố sau viêm (viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng)

– Các biện pháp dự phòng và điều trị:

+ Khi đội mũ phẫu thuật, kéo mũ che vùng da quanh tai trước khi mang khẩu trang để hạn chế áp lực từ dây đeo

+ Ngoài ra có thể dùng khẩu trang có dây đeo quanh đầu thay cho loại khẩu trang có dây đeo quanh tai để tránh viêm da tiếp xúc kích ứng ở vùng da quanh tai.

+ Dùng steroids bôi vùng da bị viêm và dưỡng ẩm thường xuyên để bảo vệ hàng rào da khỏi các tổn thương nặng hơn

+ Có thể dùng các chất bảo vệ da như gel silicone để làm giảm ma sát

Tất cả các loại thuốc, kem bôi tại chỗ nên được dùng ít nhất 1 giờ trước khi mặc PPE.

2.2. TỔN THƯƠNG DA LIÊN QUAN GĂNG TAY VÀ CÁC SẢN PHẨM VỆ SINH TAY

Các sản phẩm vệ sinh tay và viêm da tiếp xúc

– Vệ sinh tay đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống sự lây lan của vi rút. Tuy nhiên, việc vệ sinh tay quá nhiều lần trong đại dịch Covid-19 mà không bảo vệ da tay đúng cách, đều đặn sẽ dẫn đến tổn thương da tay. Trong quá trình chà xát, cọ rửa vệ sinh tay, các chất hoạt động bề mặt và các hoá chất tẩy rửa sẽ làm tổn thương hàng rào da, thay đổi hệ vi sinh vật trên da tay và gây viêm da tiếp xúc kích ứng. Đây có thể là đầu vào tiềm ẩn của vi rút.

– Viêm da tiếp xúc dị ứng với các chế phẩm vệ sinh tay có chứa cồn thường hiếm gặp

– Các biện pháp dự phòng và điều trị:

+ Nên dùng các chế phẩm rửa tay nhanh có chứa cồn (> 60% ethanol hoặc 70% isopropanol) hơn các loại xà phòng. Các chế phẩm này có tác dụng bất hoạt vi rút nhanh và thuận tiện cho NVYT, ít gây tổn thương da hơn so với rửa tay bằng xà phòng và nước. Nên dùng dạng gel hơn dạng dung dịch.

+ Sau khi rửa tay, nên bôi các loại kem dưỡng ẩm để bảo vệ hàng rào da, tốt nhất là các loại dưỡng ẩm có chứa ceramide

+ Không nên đeo nhẫn, các loại phụ kiện tay vì các hoá chất gây kích ứng da có thể đọng lại dưới những đồ vật này sau khi rửa tay

+ Dùng steroid bôi vùng da bị kích ứng; dùng kháng sinh bôi nếu có bội nhiễm. Hơn nữa, vùng da bị tổn thương cần có thời gian để lành lại trước khi tiếp tục các ca làm việc.

Các bệnh lý da liên quan sử dụng găng tay

– Viêm da tiếp xúc kích ứng khi đeo găng tay khá thường gặp, nguyên nhân do găng gây bịt kín da tay, bột bên trong găng, xà phòng và các chất tẩy rửa chưa được rửa sạch hoàn toàn trước khi mang găng.

Việc mang 2-3 lớp găng tay bảo vệ là không cần thiết và không được khuyến cáo, đặc biệt trong thời tiết nóng bức, gây ẩm, bí vùng da tay, dẫn đến da dễ bị kích ứng do các thành phần trong găng tay y tế. Chỉ mang thêm 1 lớp găng tay trong những tình huống đặc biệt khi găng tay đang mang có nguy cơ bị rách, tay có tổn thương da trước đó hoặc có vết bẩn nhìn thấy được…

– Viêm da tiếp xúc dị ứng với cao su (quá mẫn type IV) và dị ứng với latex (quá mẫn type I)

Viêm da tiếp xúc dị ứng với thành phần cao su trong găng tay y tế khá thường gặp ở NVYT. Có thể cần làm test áp để khẳng định chẩn đoán.

Dị ứng với latex là phản ứng quá mẫn type I với protein latex trong mủ cao su tự nhiên, có thể có biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ mày đay đến sốc phản vệ. Các protein latex trong bột găng tay y tế có thể là dị nguyên gây phản vệ ở những người dị ứng với latex. Có thể làm test lẩy da để khẳng định chẩn đoán.

– Các biện pháp dự phòng và điều trị:

+ Cung cấp găng tay y tế không có bột, găng tay y tế không latex cho tất cả NVYT

+ Nếu có tổn thương da, cần dùng steroid bôi tại chỗ và kem dưỡng ẩm bảo vệ hàng rào da. Tất cả các loại thuốc, kem bôi tại chỗ nên được dùng ít nhất 1 giờ trước khi mang găng tay.

+ Làm khô tay hoàn toàn trước khi mang găng tay để tránh gây ẩm ướt, bí dẫn đến tổn thương da tay

+ Tránh các loại kem bôi tay có chứa dầu hoặc petroleum vì có thể làm giảm tác dụng của găng tay.

Hình 3. Đeo găng tay y tế trong thời gian dài, giữa thời tiết nóng ẩm làm tăng tiết mồ hôi, một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ các bệnh da vùng bàn tay ở nhân viên y tế

(nguồn ảnh: BS. Nguyễn Thị Hà Vinh)

2.3. TỔN THƯƠNG DA LIÊN QUAN ÁO CHOÀNG BẢO HỘ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA KHÍ HẬU NHIỆT ĐỚI

Khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là trong khoảng thời gian mùa hè làm yếu hàng rào bảo vệ da và tăng nguy cơ mắc các bệnh da ở NVYT.

Thực tế, trước đây trong chiến tranh Việt Nam, đã ghi nhận các bệnh da thường gặp ở vùng có khí hậu nhiệt đới gây ảnh hưởng lớn lên sức khoẻ của quân lính, làm giảm sức mạnh của quân đội Mỹ.

Hầu hết tất cả các loại PPE đều gây bí, nóng bức, tăng bài tiết mồ hôi. Mặc áo choàng và các phương tiện bảo hộ cá nhân tạo ra vi môi trường nóng ẩm bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý da.

-Độ ẩm cao, thời tiết nóng bức gây tăng tiết mồ hôi ở NVYT mặc PPE gây ngứa, kích ứng da. Ngoài ra, thân nhiệt cao làm tăng giãn mạch dưới da và kích hoạt các sợi thần kinh nhóm C, gây triệu chứng ngứa. pH acid của mồ hôi gây khởi phát đáp ứng viêm qua trung gian Th2 và Th17, làm giảm tổng hợp filaggrin, làm tổn thương hàng rào da, từ đó tăng nguy cơ gây viêm, nhiễm khuẩn.

– Độ ẩm, bụi, nhiệt độ cao, phơi nhiễm ánh nắng mặt trời còn tăng nguy cơ khởi phát hoặc gây nên đợt bùng phát các bệnh lý viêm như trứng cá, viêm da cơ địa, vảy nến.

– Tăng tiết mồ hôi, quần áo bảo hộ ko thấm hút nước, độ ma sát cao là những yếu tố làm nặng các bệnh lý viêm da liên quan mồ hôi như miliaria (rôm sảy); mày đay cholin (hay mày đay cholinergic) và các bệnh nấm nông.

–  Sự khó chịu do tăng tiết mồ hôi làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ các quy định khi mặc đồ phòng hộ cá nhân và có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng ở những vùng da có PPE che phủ

– Các biện pháp dự phòng và điều trị:

+ NVYT nên được chia ca, nghỉ giải lao để được uống nước đủ; khuyến khích mặc trang phục mỏng, thấm hút tốt, thoáng mát bên trong áo choàng bảo hộ để giảm tình trạng nóng ẩm

+ Khu vực  nghỉ ngơi cần trang bị các thiết bị làm mát và thông gió tốt

+ Mày đay cholinergic, ngứa nhiều: có thể uống kháng histamin H1 thế hệ 2

+ Miliaria (rôm sảy): dùng steroid bôi dạng nhẹ, nhiễm nấm nông: dùng thuốc chống nấm dạng bôi

+ Đợt bùng phát viêm da cơ địa, vảy nến, viêm da dầu: dùng steroid bôi, dưỡng ẩm, và tránh các yếu tố kích thích

+ Dùng các chất tẩy rửa nhẹ dịu không chứa xà phòng, bôi kem dưỡng ẩm trước và sau ca làm việc để bảo vệ hàng rào da

+ Tóc nên cắt ngắn để được bọc gọn gàng trong mũ phẫu thuật, tránh lây nhiễm lên tóc và dễ dàng vệ sinh. Ngoài ra, tóc ngắn còn làm giảm sự  bết dính khi dùng mũ phẫu thuật

+ Nên cạo râu thường xuyên để phòng tránh các bệnh da do khẩu trang  như trứng cá, viêm nang lông, viêm da tiếp xúc kích ứng. Ngoài ra, râu quá dày và dài có thể dẫn đến những khó khăn khi đeo khẩu trang N95.

3. KẾT LUẬN

Đại dịch COVID-19 đang lan tràn trên toàn thế giới và NVYT tuyến đầu chống dịch đang phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh da nghề nghiệp do phương tiện phòng hộ cá nhân. Dự phòng và điều trị những bệnh da này không chỉ đảm bảo sức khoẻ của NVYT, giảm những triệu chứng khó chịu, giúp NVYT tuân thủ các quy định khi mặc PPE, mà còn giảm tối đa nguy cơ thủng/rách PPE gây lây nhiễm chéo. Ở những khu vực khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, NVYT càng dễ bị các tổn thương da, ngứa, khó chịu do nhiệt độ và độ ẩm cao, nắng nóng kéo dài. Tác động của những yếu tố này lên sức khoẻ NVYT nói chung và sức khoẻ của làn da nói riêng cần được chú ý. Nên có một hướng dẫn đầy đủ về dự phòng và quản lý các bệnh da nghề nghiệp do PPE cho NVYT, đặc biệt là những người phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt bên ngoài bệnh viện. Thời gian các ca làm việc nên được ngắn lại và thêm các đợt nghỉ giải lao ngắn cho NVYT. Thời gian mặc PPE liên tục không nên quá 6 giờ và giải lao mỗi 2-3 giờ để uống đủ  nước và giảm nguy cơ các bệnh da do PPE. Ngoài ra, có thể hội chẩn chuyên khoa Da liễu từ xa (teledermatology) để được chẩn đoán và điều trị mà vẫn đảm bảo an toàn cho NVYT.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. H C Lee, C L Goh. Occupational dermatoses from Personal Protective Equipment during the COVID-19 pandemic in the tropics – A Review. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2021 Mar; 35(3):589-596.
  2. Lan J, Song Z, Miao X, et al. Skin damage among health care workers managing coronavirus disease-2019. J Am Acad Dermatol. 2020;82(5):1215‐1216
  3. Elston DM. Occupational skin disease among health care workers during the coronavirus (COVID-19) epidemic. J Am Acad Dermatol. 2020;82(5):1085‐
  4. Abiakam N, et al. Personal protective equipment related skin reactions in healthcare professionals during COVID-19. Int Wound J.2021 Jun;18(3):312-322.

 

Viết bài: PGS.TS LÊ HỮU DOANH –  TS.BS NGUYỄN THỊ HÀ VINH

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liệt mặt, viêm não do zona thần kinh

Liệt mặt, viêm não do zona thần kinh

.

Tin sức khỏe- 2 ngày trước

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng

Khai mạc Giải Giao Hữu Thể thao Liên Bệnh viện và Cúp Bóng đá Tứ Hùng.

Tin hoạt động- 2 ngày trước

Thông báo về việc chào giá gói thầu 'Cung cấp mực cho máy in văn phòng của Bệnh viện Da liễu Trung ương'

Thông báo về việc chào giá gói thầu "Cung cấp mực cho máy in văn phòng của Bệnh viện Da liễu Trung ương"

.

Báo giá- Mời thầu- 2 ngày trước

largeer