Đặc điểm da trẻ sơ sinh

posted 18/08/2020 LISA

1. CẤU TRÚC, SINH LÝ DA TRẺ SƠ SINH

1.1. Cấu trúc

Cấu trúc da của trẻ sơ sinh có sự khác biệt lớn so với người lớn: mỏng hơn (độ dày bằng 40-60% so với người lớn), ít lông hơn, kết nối thượng – trung bì yếu hơn. Tỉ lệ diện tích da/cân nặng ở trẻ sơ sinh gấp 5 lần so với người lớn. Vì vậy, da trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương, nhiễm khuẩn và mức độ hấp thu thuốc qua da cao hơn.

Thượng bì và trung bì được hình thành vào tháng thứ 4 của thai kì nhưng lớp sừng còn mỏng và chức năng chưa đầy đủ, lớp mỡ dưới da cũng chưa phát triển cho đến tận quý 3 (tuần 34).

Ở trẻ đẻ non trước 34 tuần thai, lớp sừng chưa trưởng thành làm tăng mất nước qua thượng bì  (transepidermal water loss – TEWL), tăng khả năng mất nước, mất nhiệt, rối loạn điện giải. Trẻ đẻ non 25 tuần có mức độ TEWL gấp 15 lần so với trẻ đẻ đủ tháng. Ở hầu hết các trẻ sinh non, chức năng hàng rào da sẽ hoàn thiện khi trẻ đạt 2-3 tuần tuổi, và có thể mất đến 4-8 tuần nếu trẻ sinh non với cân nặng quá thấp. Một số biện pháp băng bịt cũng như dùng dưỡng ẩm tại chỗ có thể giảm TEWL.

Các cấu trúc phần phụ trung bì đã phát triển tuy nhiên chưa hoàn thiện. Do ảnh hưởng của androgen từ mẹ và thời kì thai nhi, tuyến bã thường phì đại trong vài tuần sau sinh. Điều hoà nhiệt qua cơ chế giãn co mạch máu ở nhú bì còn hạn chế và chức năng tuyến eccrine cũng chưa hoàn chỉnh.

Tuyến mồ hôi ở trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và chưa phản ứng đầy đủ với các kích thích bên ngoài. Khả năng tiết mồ hôi tỉ lệ với tuổi thai. Ở những trẻ đẻ non, những ngày đầu tiên có thể không tiết mồ hôi. Trẻ sinh trước 36 tuần thường không có phản ứng tiết mồ hôi đáp ứng với nhiệt và sẽ có lúc khoảng 2 tuần tuổi, bắt đầu ở vùng trán, sau đó đến thân mình và các chi.

1.2. Sinh lý

Có sự khác biệt về hệ vi sinh ở da trẻ sinh thường với trẻ sinh mổ. Trẻ sinh mổ có hệ vi sinh vật ở da tương tự ở da mẹ là Staphylococcus, Corynebacterium, Propionibacterium, trẻ sinh đường âm đạo chủ yếu là Lactobacillus, Prevotella, Sneathia.

Trẻ sơ sinh, bề mặt da có tính kiềm nhẹ, pH từ 6.34-7.5 (người lớn là 5-5.5) và phụ thuộc vào vị trí giải phẫu. Nguyên nhân là do da trẻ tiếp xúc với dịch ối có tính kiềm trong suốt quá trình thai nhi. pH kiềm làm tăng hoạt động của enzim serine proteases, làm thoái hóa các desmosome giữa các tế bào sừng dẫn đến sự bong vảy da trong những ngày đầu đời.

Phản ứng hydrat hóa ở da ở trẻ sơ sinh cũng khác biệt so với người lớn. Khi mới sinh ra, da trẻ thường cứng và khô hơn so với người lớn. Trong vòng 30 ngày đầu, da trẻ mềm dần do sự tăng hydrat hóa da, và giảm dần ở tuổi trưởng thành. Cơ chế chính để lớp sừng bảo tồn hydrat hóa là lipid gian bào, cầu nối desmosome, ceramid, phức hợp giữ nước gian bào (yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên – NMF). NMF bao gồm: serine, glycine, pyrrolidone-5-carboxylic acid, arginine, ornithine, citrulline, alanine, histidine, và urocanic acid. Nồng độ NMF ở trẻ em thấp hơn người lớn nhưng ở 2 tuần đầu tiên thì cao hơn, có thể là cơ chế để kiềm hóa pH da và hydrat hóa da ngay sau sinh.

Bảng 1: Sự khác nhau giữa da trẻ em và người lớn

Da trẻ em Da người lớn
Cấu trúc
Độ dày thượng bì Mỏng Dày
Lipid Ít Nhiều
Melanin Ít Nhiều
Chức năng sinh lý
Tiết mồ hôi Ít Nhiều
pH Cao Thấp
Yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên Thấp Cao
TEWL Cao Thấp
Hấp thụ qua da Nhiều Ít

Nguy cơ nhiễm độc chất qua da cũng tăng lên ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non. Hấp thu qua da qua 2 con đường chính: (1) thông qua tế bào sừng và lớp malpighi thượng bì (qua thượng bì) và (2) qua lỗ nang lông, tuyến bã (qua phần phụ). Một số chất được báo cáo là nguy cơ gây nhiễm độc qua da ở trẻ em như bảng dưới đây:

Bảng 2: Các chất dùng ngoài da có thể gây nhiễm độc toàn thân

Thành phần Sản phẩm Nhiễm độc qua da
Cồn (alcohol) Sát khuẩn da Hoại tử xuất huyết, tăng nồng độ cồn trong máu
Aniline Thuốc nhuộm Methemoglobin, tử vong
Benzocain Gây tê niêm mạc (kem đánh răng) Methemoglobin
Acid boric Bột chống hăm Nôn, tiêu chảy, đỏ da toàn thân, động kinh, tử vong
Calcipotriol Chức ức chế vitamin D3 Tăng calci máu,
Chlorhexidin Sát khuẩn tại chỗ Hấp thu toàn thân nhưng không gây độc
Corticoid Chống viêm Teo da, giãn mạch, suy thượng thận
Diphenhydramin Chống ngứa Hội chứng kháng cholinergic
Lidocain Gây tê tại chỗ Xuất huyết, động kinh
Neomycin Kháng sinh Điếc thần kinh
Povidin Kháng khuẩn Suy giáp
Acid salicylic Bạt sừng Toan chuyển hoá
Tacrolimus Điều hào miễn dịch Tăng nồng độ chất ức chế miễn dịch trong máu
Ure Dưỡng ẩm Tăng ure máu

2. CÁC HIỆN TƯỢNG SINH LÝ Ở DA TRẺ SƠ SINH

2.1. Chất gây (vernix caseosa)

Là chất dạng proteinlipid, màu trắng, hình thành do tuyến bã và các tế bào keratinocyte từ quý 3 của thai kì. Trẻ đẻ non dưới 28 tuần hoặc cân nặng dưới 1000g thường không có chất gây. Chất gây có nhiều chức năng như giữ nước, giữ nước, khiến pH của da giảm dần từ trung tính đến 5-5.5, miễn dịch (tìm thấy thành phần kháng vi sinh vật trong chất gây).

Hình 1: Chất gây ở trẻ sơ sinh (nguồn: Internet)

2.2. Bong da sinh lý (Desquamatuion of skin)

Da trẻ sơ sinh đủ tháng thường mềm, mịn và mượt. Sau 24-36h, có thường tượng bong vảy da sinh lý và có thể kéo dài đến tận 3 tuần. Bong vảy da ngay sau sinh gợi ý đến một số bất thường như thiếu máu trong tử cung, vảy cá bẩm sinh…

2.3. Mảng xanh tím dạng lưới ở da (Cutis marmorata)

Cutis marmorata là một mảng màu xanh tím dạng lưới ở da, thường ở thân mình, chân tay ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo một số thống kê, có thể gặp cutis marmorata ở 50% số trẻ sơ sinh. Đây là một hiện tượng sinh lý giãn các mao mạch và mạch máu nhỉ đáp ứng với lạnh và mất đi khi ấm trở lại. Nếu không mất đi sau khi ủ ấm, cần loại trừ giãn mạch dạng cutis marmorata bẩm sinh. Hiện tượng này có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng và không cần phải can thiệp. Ở một số trẻ mắc hội chứng Down, ba nhiễm sắc thể 18, hội chứng Cornelia de Lange, hiện tượng này có thể kéo dài hơn.

Hình 2: Cutis marmorata ở thân mình (nguồn: Internet)

Hình 3: Cutis marmorata ở hai chân (nguồn: Internet)

Ở một số trẻ, cutius marmorata có màu trắng (cutis marmorata alba) do mạch máu nằm sâu, và cũng không cần thiết phải can thiệp lâm sàng

2.4. Thay đổi màu da của Harlequin (Harlequin color change)

Có thể thấy ở trẻ đủ tháng nhưng thường gặp hơn ở trẻ đẻ non. Lưu ý đây không phải là bệnh vảy cá Harlequin. Tỉ lệ gặp ở 10% trẻ khoẻ mạnh. Thường xảy ra từ ngày thứ 2 đến thứ 5, nhưng có thể xảy ra từ vài giờ sau sinh cho đến tuần tuổi thứ 2-3. Hiện tượng này thường xảy ra khi trẻ nằm nghiêng, một nửa cơ thể đỏ còn một nửa cơ thể thì trắng lại, thường tồn tại từ 30 giây đến 20 phút. Thay đổi màu da của Harlequin liên quan đến sự chưa trưởng thành của trung tâm dưới đồi trong việc điều hoà mạch máu ngoại biên.

Hình 4: Thay đổi màu da của Harlequin ở mặt và bìu trẻ sơ sinh (nguồn: Internet)

2.5. Chứng xanh tím đầu cực (acrocyanosis)

Da trẻ sơ sinh mới đẻ sau khi gắng sức (ho, thở mạnh, khóc…)  có thể chuyển màu đỏ tím, tím nhất là ở bàn tay, bàn chân, môi nhưng thường chuyển nhanh sang màu hồng, được gọi là chứng xanh tím đầu cực (acrocyanosis). Hiện tượng này được xem là sinh lý bình thường. Tuy nhiên, cần phân biệt với các tình trạng như động kinh, rối loạn tim mạch, cơn ngừng thở… Cơ chế là do những thay đổi vận mạch làm co mạch ngoại vi, có thể tồn tại trong 24-48 giờ sau sinh.

Hình 5: Acrocyanosis ở trẻ sơ sinh (nguồn: Internet)

Kết luận:

Mức độ hoàn thiện hàng rào da của trẻ sơ sinh tỉ lệ theo tuổi thai và thượng bì hoàn chỉnh cấu trúc ở tuần 34 thai kì. Tuy nhiên, trong 2-3 tuần đầu cuộc sống, da trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh về mặt chức năng. So với da người lớn, da trẻ sơ sinh mỏng hơn, dễ nhiễm trùng, dễ tổn thương và nhiễm độc hơn, mất nước qua thượng bì cao, pH cao hơn…và kèm theo một số hiện tượng sinh lý. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được phát hiện sớm những vấn đề bất thường về da và chăm sóc một cách đặc biệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Amy S.Paller, MD et al (2016). Clinical pediatric Dermatology, Fifth edition. Elsevier.
  2. F. S. Afsar, (2010). Physiological skin conditions of preterm and term neonates Clinical and Experimental Dermatology, 35, 346–350
  3. Judy Tang, (2010). Harlequin colour change: unilateral erythema in a newborn. CMAJ. 2010 Nov 23; 182(17): E801.
  4. Enrico Valerio (2015). Harlequin Color Change: Neonatal Case Series and Brief Literature Review. AJP Rep. 2015 Apr; 5(1): e73–e76.
  5. Alain Ta€ıeb MD, PhD (2018). Skin barrier in the neonate. Pediatric Dermatology. 2018;35:s5–s9.
  6. Teresa Oranges, Valentina Dini, and Marco Romanelli, (2015). Skin Physiology of the Neonate and Infant: Clinical Implications. ADVANCES IN WOUND CARE.

Bài viết: BSNT Hồ Phương Thùy

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông báo mời chào giá

Thông báo mời chào giá

.

Tin hoạt động- 4 giờ trước

Chương trình LIVESTREAM: Xua tan nỗi lo tăng tiết mồ hôi

Chương trình LIVESTREAM: Xua tan nỗi lo tăng tiết mồ hôi

.

Video- 18 giờ trước

Tổ chức lễ khai giảng lớp 'Liệu pháp meso trong thẩm mỹ da' khóa 13

Tổ chức lễ khai giảng lớp "Liệu pháp meso trong thẩm mỹ da" khóa 13

.

Tin hoạt động- 1 ngày trước

Lịch trực tháng 5/2024

Lịch trực tháng 5/2024

.

Lịch trực- 1 ngày trước

Bệnh viện Da liễu Trung ương đạt Huy chương Vàng: Bóng bàn đôi nam nữ lứa tuổi dưới 40

Bệnh viện Da liễu Trung ương đạt Huy chương Vàng: Bóng bàn đôi nam nữ lứa tuổi dưới 40

Bệnh viện Da liễu Trung ương đạt Huy chương Vàng: Bóng bàn đôi nam nữ lứa tuổi dưới 40.

Tin hoạt động- 2 ngày trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm hóa chất cho thuốc bôi ngoài da.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm hóa chất cho thuốc bôi ngoài da.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm hóa chất cho thuốc bôi ngoài da..

Tin hoạt động- 2 ngày trước

largeer