Viêm miệng liên quan tới MYCOPLASMA PNEUMONIAE

posted 06/07/2018 Admin

1. Vài nét về Mycoplasma pneumoniae
     Mycoplasma pneumoniae là loài vi khuẩn rất nhỏ thuộc lớp Mollicutes, có khả năng gây viêm phổi và một số bệnh khác cho người. Năm 1898, Nocard và Roux phân lập được một loài mycoplasma trong môi trường nuôi cấy từ bò, nhưng tới năm 1944, Mycoplasma pneumoniae mới được phân lập và mô tả từ một bệnh nhân viêm phổi tiên phát không điển hình. Ban đầu, M. pneumoniae được xem là virus hơn là vi khuẩn vì kích thước nhỏ, đi qua được màng lọc. Nhưng sau đó, người ta thấy rằng, loài sinh vật này có thể sống và sinh sản độc lập, không cần ở trong tế bào khác, mượn vật chất di truyền của tế bào khác, vì thế nó được xem là vi khuẩn.

Về mặt thuật ngữ, mycoplasma (myco- nghĩa là nấm, -plasma nghĩa là dạng hình thành) xuất phát từ việc một vài loài Mycoplasma có sự tăng sinh giống nấm (gungal-like growth). Mycoplasma được phân vào lớp Mollicutes (mollis nghĩa là mềm, cutis nghĩa là da) do kích thước nhỏ và cấu trúc genome của chúng, không có vách tế bào (cell wall), chứa hàm lượng thấp nucleotid G+C và nhu cầu dinh dưỡng khác thường.

     Ở người, M. pneumoniae gây viêm phổi tiên phát không điển hình (primary atypical pneumonia), viêm khí phế quản, bệnh đường hô hấp trên. Thuật ngữ “viêm phổi lang thang” (walking pneumonia) hay viêm phổi không điển hình (atypical pneumonia) được sử dụng để chỉ loại viêm phổi gây ra bởi M. pneumoniae không đáp ứng với kháng sinh như penicillin. Ngoài ra, M. pneumoniae có liên quan tới một số bệnh da liễu như viêm miệng, hồng ban nút, bệnh Raynaud, bệnh Kawasaki, hội chứng Stevens-Johnson. Vi khuẩn lây từ người sang người qua các giọt nước bọt, hơi nước chứa mầm bệnh. Đa số người mang vi khuẩn không lây bệnh. Thời gian ủ bệnh trung bình là 1-4 tuần.
2. Viêm miệng liên quan tới Mycoplasma pneumoniae
2.1. Hội chứng Stevens-Johnson

     Hội chứng Stevens-Johnson là một bệnh thuộc phổ các bệnh da gây bong tách, hoại tử thượng bì (epidermolytic dermopathies), bao gồm các bệnh khác nữa như hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell), hồng ban đa dạng thể nặng. Các bệnh này có đặc điểm chung là gây hoại tử, bong tách thượng bì khỏi trung bì, nguyên nhân chủ yếu là do đáp ứng miễn dịch với thuốc hoặc các tác nhân sinh học khác, trong đó có M. pneumoniae.

     Trong hội chứng Stevens-Johnson, các triệu chứng thường xuất hiện sau khi dùng thuốc nghi ngờ gây dị ứng1-8 tuần. Các thuốc hay gặp là kháng sinh nhóm sulfamid, thuốc an thần, thuốc chống động kinh có vòng thơm (carbamazepin), allopurinol, piroxicam, tenoxicam, thuốc kháng virus (nevirapin-điều trị virus HIV1). Khởi đầu, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp trên, sau đó 1-3 ngày, xuất hiện khó chịu ở mắt, đỏ mắt, viêm kết mạc, viêm miệng, loét miệng. Có hai niêm mạc trở lên bị ảnh hưởng, hay gặp nhất là niêm mạc mắt và niêm mạc miệng, với mức độ khá nặng, đau, loét, hoại tử, khó nuốt. Các thương tổn da xuất hiện đồng thời hoặc sau đó, điển hình là các dát đỏ thẫm, ngứa, hoại tử, hình bia bắn không điển hình bằng phẳng với da lành, trên nền các dát đó xuất hiện bọng nước, mụn nước. Diện tích có bọng nước, bóc tách thượng bì chiếm dưới 10% diện tích cơ thể.


2.2. Viêm miệng liên quan tới Mycoplasma pneumoniae

     Khi hội chứng Stevens-Johnson chỉ biểu hiện ở niêm mạc, không có thương tổn da thì được gọi là hội chứng Stevens-Johnson không điển hình. Sau đó, dựa vào các phát hiện vi sinh, bệnh được gọi là viêm miệng liên quan tới M. pneumoniae (Mycoplasma pneumoniae-associated mucositis-MPAM), một thể bệnh riêng.

     Triệu chứng lâm sàng của MPAP

     Nghiên cứu hệ thống của Vujicvà cộng sự cho thấy, MPAM thường gặp ở tuổi trẻ (18-38), đặc biệt là trẻ em và thanh niên. Bệnh khởi phát với các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, ho khan, sau đó vài ngày xuất hiện viêm kết mạc mắt, viêm miệng. Thương tổn ở miệng khá nặng, loét, hoại tử, có giả mạc vàng bao phủ, ảnh hưởng tới môi, đầu lưỡi, niêm mạc má, thậm chí lan tới hầu họng và dây thanh. Ngoài ra, niêm mạc sinh dục có thể bị tổn thương. Không có thương tổn da của hội chứng Stevens-Johnson (bao gồm các dát thâm hoại tử, ngứa, hình bia bắn không điển hình bằng phẳng, các bọng nước hình thành trên nền dát đỏ thẫm).

     Các xét nghiệm trong MPAM

     – Xét nghiệm huyết thanh cho M. pneumoniae: bao gồm các kháng thể IgM, IgG, IgA. Trong đó, IgM phản ánh tình trạng mới nhiễm M. pneumoniae, được sản xuất trong vài tuần đàu sau phơi nhiễm, đỉnh là 3-6 tuần, sau đó giảm nhanh. Nồng độ IgM cao có ý nghĩa đặc biệt đối với trẻ em-đối tượng chưa phơi nhiễm trước đó. Tuy nhiên, kết quả IgM âm tính chưa loại trừ được tình trạng nhiễm cấp M. pneumoniae, hơn nữa IgM có thể tăng kéo dài, thậm chí hằng năm. Do đó, IgM không hẳn là dấu ấn đáng tin cậy cho sự mới nhiễm M. pneumoniae. IgG phản ánh sự tái nhiễm M. pneumoniae. Gần đây, người ta đề xuất dùng IgA để chẩn đoán nhiễm M. pneumoniae cấp bởi vì IgA được sản xuất sớm, đạt đỉnh sớm hơn và giảm xuống nhanh hơn so với IgM.

     – Mô bệnh học: có hiện tượng hoại tử của niêm mạc, xâm nhập viêm lan tỏa (giống như trong hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc).

     – Chụp X-quang ngực thẳng có thể có hình ảnh viêm phổi không điển hình.

     – Các xét nghiệm để loại trừ viêm miệng do các tác nhân khác như virus herpes, HIV, Epstein-Barr virus, giang mai, Chlamydia.

     – Các xét nghiệm ít làm hơn như nuôi cấy vi khuẩn, phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase (PCR).

     Chẩn đoán MPAP

     Theo Vujic, một bệnh nhân được chẩn đoán MPAP khi có đủ bốn tiêu chuẩn sau:

     – Có các triệu chứng liên quan với nhiễm M. pneumoniae.

     – Có loét miệng.

     – Xét nghiệm huyết thanh M. pneumoniae dương tính.

     – Không có thương tổn trên da.


Ảnh 5. Trường hợp MPAP (nguồn: I. Vujic)

a. Viêm kết mạc hai bên không có mủ.


b. Loét miệng có giả mạc.

c. Mô bệnh học: có hoại tử niêm mạc và xâm nhập viêm lan tỏa.

     Điều trị MPAP

     – Vệ sinh, chăm sóc thương tổn loét miệng:

​    + Làm sạch bằng các dung dịch sát trùng như chlohexidine

​    + Dùng gạc ẩm đắp môi, miệng

​    + Loại trừ nhiễm trùng do herpes, Candida với các trường hợp thương tổn niêm mạc miệng lâu lành.

​    – Chăm sóc các niêm mạc khác bị tổn thương như mắt, sinh dục.

​    – Các thuốc toàn thân:

​    + Kháng sinh điều trị M. pneumoniae: nhóm macrolid, tetracyclin, doxycyclin. Chú ý rằng đã xuất hiện sự kháng thuốc của vi khuẩn đối với nhóm macrolid. Kháng sinh khác được sử dụng là fluoroquinolon, thận trọng cho trẻ em và phụ nữ có thai-những đối tượng dễ bị nhiễm M. Pneumoniae.

    + Một số tác giả sử dụng thuốc ức chế miễn dịch: corticosteroid, cyclosporin A.

​    – Hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh, nếu loét miệng nhiều, đau nhiều, không ăn được thì cân nhắc đặt sond dạ dày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Vujic I, Shroff, Grzelka M et al (2015). Mycoplasma pneumoniae-associated mucositis-case report and systemic review of literature. JEADV, 29, 595-598.

​    2. Waites KB, Talkington DF (2004). Mycoplasma pneumoniae and its role as a human pathogen. Clin Microbiol Rev, 17, 697-728.

​    3. Shalock PC, Dinulos JG (2005). Mycoplasma pneumoniae-induced Stevens-Johnson syndrome without skin lesions: fact or fiction? J Am Acad Dermatol, 52, 312-315.
 

Bài: BS. Trần Thị Huyền, Khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội

Đăng tin: Phòng CNTT&GDYT


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Biến chứng tiêm Filler tại cơ sở làm đẹp không uy tín

Biến chứng tiêm Filler tại cơ sở làm đẹp không uy tín

.

Tin sức khỏe- 15 giờ trước

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng

Tập huấn an toàn truyền máu cho điều dưỡng.

Tin hoạt động- 16 giờ trước

Gây tê làm đẹp thế nào mới an toàn

Gây tê làm đẹp thế nào mới an toàn

.

Tin sức khỏe- 21 giờ trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Mỏ vịt nhựa..

Tin hoạt động- 2 ngày trước

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV.

Thông báo: Bệnh viện Da liễu Trung ương mời các nhà thầu quan tâm nộp hồ sơ chào giá đăng ký thực hiện dự toán mua sắm Test nhanh HCV..

Tin hoạt động- 2 ngày trước

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5

Thộng báo: Lịch khám chữa bệnh dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 -1/5.

Tin hoạt động- 2 ngày trước

largeer