Viêm da tiếp xúc do Kiến khoang (paederus)

posted 09/02/2015 Admin

1.   ĐẶT VẤN ĐỀ.

Biểu hiện da do côn trùng khá phức tạp. Từ biểu hiện chấn thương cơ học, bị côn trùng đốt với các chất kích ứng, độc hoặc mang tính dị nguyên hoặc dược học, phản ứng tiếp xúc đến những biểu hiện nhiễm trùng thứ phát, hay truyền bệnh… Trong đó, viêm da tiếp xúc do côn trùng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu lo lắng và có thể thành dịch. Bệnh do tiếp xúc đơn thuần với các chất chất tiết của côn trùng đang sống hoặc bị chết.

Các côn trùng hay gây viêm da tiếp xúc bao gồm côn trùng cách cứng: Họ Meloidae (Lytta vesicatoria, Ruồi Tây Ban Nha_Địa trung hải, phía bắc), Epicauta_sâu ban miêu (Mỹ, Mexico, ấn độ, Sudan, Senega), Họ Staphylinidae (rove beetle) Paederus_kiến khoang: Paederus fuscipes, P.australia, P.sabaeus, Họ Oedemeridae (Oxycopis vittata, Sessinia (coconut beetles), Thelyphassa lineata), Họ Paussidae (Cerapterus concolor), Họ Coccinellidae (ladybirds), Họ Tenebrionidae darkling beetles (Tribolium castaneum), Loài Blaps. Một số loại bướm cũng có thể gây viêm da tiễp xúc như: Họ Lymantriidae bướm bụi (Euproctis crysorrhoea_ bướm đuôi nâu), E. similis (bướm đuôi vàng)…

               

Paederus iliensis

Mylabris impressa 

(Coleoptera: Meloidae)

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể gây thành dịch đặc biệt vào mùa mà loài đó phát triển mạnh. Vào tháng 9, 10, 11 hàng năm, Viện Da liễu thường tiếp nhận nhiều bệnh  nhân ở Hà nội và các tỉnh phía bắc có biểu hiện lâm sàng khá giống nhau với tổn thương thành dải đỏ, phù có trường hợp có mụn nước mụn mủ vị trí vùng hở là chủ yếu. Bệnh được chẩn đoán nhầm là herpes, Zona, giời leo.

2.    GIỚI THIỆU VỀ PAEDERUS

Paederus là côn trùng thuộc họ Staphylinidae (nhưng theo phân loại khác có thể dứng độc lập theo họ Paederinae). Họ này có tới 1400-20000 giống rất giống nhau. Thường gặp P. fuscippes, P. literalis, P. caligatus, P. australia, P. sabaeus… Paederus mình dài, thanh từ 1,5-20 mm (7-10 mm), thoạt nhìn giống kiến. Dân gian gọi bằng nhiều tên như: kiến khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Đầu nhỏ, có 2 râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước. Mình mang 3 đôi chân. Bụng có 8 đốt rất dẻo, uống cong dẽ dàng, một sô đốt bụng màu đỏ hung một số đốt khác màu đen, đốt cuối cùng nhọn có 2 cái cặp. Trên mình có cánh 2 đôi cánh, cánh cứng ở ngoài che khoảng 3-4 đốt bụng, cánh lụa ở dưới, bình thường cánh lụa cuộn gọn dưới cánh cứng, khi bay thì cánh này xoè ra. Paederus chạy và bay rất nhanh, khi chạy cong đít lên như đít bọ cạp. Sống chủ yếu bằng chất phân huỷ của thực vật, đôi khi cả động vật thối rữa… Hay sống ở chỗ có phân rác, cỏ mục, rìa đầm lầy, dưới đống gạch, trong vỏ cây nứt nẻ, đôi khi trong cả tổ chim, ổ động vật có vú có khi sống chung với kiến thường với mối.

Paederus littoralis

Chúng sinh sản quanh năm, nhưng chủ yếu nhiều vào mùa mưa thời tiết nóng ẩm. Đây là loại côn trùng vùng nhiệt đới, nóng ẩm.

Đối với các loài này thường hoạt động vào ban đêm nhưng Paederus lại hoạt động ban ngày (điều này có thể giải thích được tại sao buổi tối hay gặp Paederus quanh bóng điện sáng). Chúng ưa khí hậu ẩm. Ta có thể gặp Paederus ở quanh bóng đèn trong các buồng làm việc, buồng ngủ, nhất là ở các cơ quan đóng quân cạnh đồng ruộng, hồ, rác.

Pavan đã chiết xuất từ P. fuscipes một chất có độc tính gây phỏng tương tự như Cantharidin của sâu ban miêu, gọi là pederin, bôi lên da chuột bạch gây phản ứng viêm mạnh, bôi lên da người gây phản ứng viêm da bọng nước. Cấu trúc hoá học của Pederin chưa biết rõ chỉ biết cháy ở 1120C.

3.    LÂM SÀNG

3.1.    Báo cáo vụ dịch

Theo Blecklemicher và Linssen ở châu thổ sông Volga các ngư dân và mục đồng hay bị viêm da do Paederus.

A.Conders và cs cũng báo cáo một vụ dịch viêm da phỏng nước do paederus xẩy ra vào mùa hè 1958-1959.

Armstrong và cs mô tả vụ dịch ở Okinawa năm 1966 do Paederus fuscipes.

Ở vùng bắc Úc năm 1996 theo tác giả Todd RE và cs mô tả một đợt bệnh viêm da phỏng nước do Paederus australis.

Vào cuối màu mưa năm 1993, có một vụ dịch viêm da quy cho do Paederus sabaeus ở vài thành phố miền trung Phi do Penchenier L và Chandenier J mô tả.

Tháng 5-1960, Nguyễn Sĩ Quốc và cs báo cáo vụ dịch viêm da phỏng nước gồm 31 bệnh nhân được cho là viêm da đồng cỏ nhưng có thể là do viêm da do Paederus.

Từ 1960-1963, Nguyễn Xuân Hiền và cs phát hiện bệnh này ở 5 đơn vị khác nhau (tỷ lệ mắc bệnh 6,6-13,1%).

3.2.    Viêm da tiếp xúc do côn trùng từ tháng 7/2000-10/2001 tại Viện Da liễu

Biểu hiện viêm da tiếp xúc do côn trùng bùng phát vào tháng 10 năm 1999, theo đánh giá số bệnh nhân viêm da tiếp xúc tăng cao vào các tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm. Theo số liệu năm 1999, do chưa thông kê biểu hiện viêm da tiếp xúc do côn trùng với các biểu hiện viêm da tiếp xúc chung nhưng chúng tôi thấy rằng vào tháng 10, 11 số liệu này tăng cao.

Số liệu bệnh nhân viêm da tiếp xúc kích ứng côn trùng năm 1999

Số liệu bệnh nhân viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng năm 2000 – 2001

Đến tháng 10/2000, thống kê bệnh nhân viêm da tiếp xúc do côn trùng tách riêng so với viêm da tiếp xúc chung, chúng tôi nhận thấy rằng biểu hiện viêm da tiếp xúc do côn trùng gặp rải rác cả năm nhưng thấy tăng nhiều và tháng 7 đến tháng 10 (đây là mùa mưa, khi hậu nóng, ẩm)

    Các bệnh nhân biểu hiện lâm sàng là vệt đỏ, phù có thể trên có mụn nước mụn mủ, vị trí tổn thương chủ yếu là vùng hở và bệnh nhân phần nàn xuất hiện sau khi ngủ dậy. Chúng tôi tiến hành bắt côn trùng tại nhà người bệnh năm 2000 trong đó chủ yếu gặp côn trùng kiến khoang (Paederus) và định loại là Paederus fuscippes. Vào năm 2001, bệnh nhân đến khám tại phòng khám Viện Da Liễu có biểu hiện viêm da tiếp xúc do côn trùng được nhận dạng côn trùng mẫu, nhiều bệnh nhân nhận thấy có nhiều kiến khoang ở trong nhà. Chúng tôi tiến hành đến nhà một số người bệnh cũng nhận thấy đấy có kiến khoang.

3.3.    Tình hình bệnh viêm da tiếp xúc kính ứng do côn trùng tại Viện Da liễu Quốc gia từ 3/2007 đến tháng 9/2009

Số lượng bệnh nhân bị VDTXKU côn trùng từ 3/2007 – 9/2009

Tỷ lệ bệnh VDTXKU côn trùng so với tổng số bệnh nhân khám tại Viện Da liễu Quốc gia từ tháng 3/2007 – 9/2009

3.4.    Biểu hiện lâm sàng

–    Bệnh thường phát vào tháng 7 đến tháng 10, nghĩa là vào mùa mưa.

–    Đại đa số bệnh nhân là người làm việc dưới ánh đèn, công tác văn phòng, học sinh.

–    Hơn 60% bệnh nhân phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng.

–    Đặc điểm lâm sàng:

+    80% có tổn thương ở mặt, 1/2 thân mình.

+    100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền hơi cộm theo chiều vệt tay dài 1-5cm rộng 3-10mm, trên đó có mụn nước và phỏng nước ở giữa, có vùng hơi lõm gợi hình một vật gì hình tròn hoặc bầu dục áp vào. 100% có cảm giác rát bỏng tại chỗ.

+    20% trong 1-2 ngày đầu có cảm giác ngây ngất sốt, khó chịu mệt mỏi, nổi hạch đau vùng tương ứng.

+    3,82% sưng vùng mi mắt.

+    Một số khác có hình tổn thương đối xứng (kissing lesion) ở hai bên bẹn hoặc kheo tay.

+    Điều kiện mắc bệnh và diễn biến tổn thương:

 

 Tổn thương thành dải

  Tổn thương vùng khoeo 

–    Vào mùa mưa ban đêm Paederus theo ánh đèn bay vào buồng làm việc, buồng ngủ, buồng tắm. Bệnh nhân làm việc, ngủ, tắm dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ mặt, phần hở thân mình vô tình dơ tay quệt, đập làm côn trùng có chứa chất pederin xiết lên da, hoặc côn trùng bám vào khăn mặt rơi vào bồn rửa, bệnh nhân không chú ý nên xát phải côn trùng lên da và gây viêm da phỏng nước.

–    Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau đi lại khó.

Phù nề mi mắt kèm vệt đỏ vùng sống mũi

–    Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết xẫm màu, toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.

–    Có một số ít bệnh nhân chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng nước phỏng mủ.

 

 Tổn thương vùng mặt trước cẳng tay và cánh tay

  Tổn thương đối xứng (kissing lesion)

–    Trong một mùa mua bệnh nhân có thể bị 2-3 lần.

–    Về xét nghiệm không có biến đổi gì đặc biệt. Trừ một số trường hợp tổn thương phỏng mủ rộng, sưng đau, sốt bạch cầu có thể cao. Hình ảnh tổ chức học chỉ là viêm da không đặc hiệu.

–    Cần phân biệt với viêm da do nguyên nhan khác như  (hoá chất, sơn..) zona, viêm da tiếp xúc do lá cây (photophytodermatitis).

Dát đỏ, phù nề, mụn mủ lan tỏa ở vùng mặt

4.    ĐIỀU TRỊ

•    Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxýt kẽm, mỡ kháng sinh.

•    Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh chung, kháng Histamin tổng hợp, thuốc giảm đau có thể dùng corticoid bôi hoặc đường toàn thân.

•    Trường hợp nhẹ bệnh có thể tự khỏi.

5.    PHÒNG BỆNH

•    Khi làm việc dưới ánh đèn tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rôi vào cổ, mặt (khó thực hiện, vì đây là phản xạ…)

•    Buổi tối khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dùng.

•    Vào mùa mưa đề phòng côn trùng bay vào nhà ta có thể xịt các thuốc diệt côn trùng không hại. 

•    Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối, xà phòng… để ngăn không nổi thành phỏng nước, phòng mủ. 


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

largeer