Thực hành chẩn đoán tế bào học trong chuyên ngành Da liễu

posted 27/07/2016 Admin


     Chẩn đoán tế bào học là một môn khoa học tương đối mới. Tế bào học (cytology) là một thuật ngữ y học có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa nghiên cứu về tế bào đơn lẻ – các đặc điểm hình thái nội tại cũng như chức năng của chúng. George Papanicolaou được coi là cha đẻ của chuyên ngành  tế bào học.

     Năm 1947, Tzanck – một tác giả người Pháp, người đầu tiên đưa chẩn đoán tế bào học sử dụng trong chuyên ngành da liễu. Tác giả dùng kỹ thuật này để chẩn đoán các bệnh da có bọng nước, đặc biệt là herpes simplex. Từ đó tế bào học đã được kế thừa, phát triển, sử dụng rộng rãi bởi các bác sĩ da liễu để chẩn đoán các bệnh da khác nhau.
II. CÁCH THỨC TIẾN HÀNH:
1. Lấy bệnh phẩm:

     – Các bệnh da có bọng nước: Mẫu phải được lấy từ bọng nước mới, lật mái bọng nước, thấm dịch và nạo bằng một con dao cùn .

     – Tổn thương loét:  dùng dao cùn nạo đáy vết loét.

– Tổn thương nang: Dùng bơm kim kiêm chọc hút.

– Tổn thương u bề mặt tương đối lành: Dùng dao rạch tổn thương vừa phải, nạo 2 mép vết thương.
2. Phết bệnh phẩm lên lam.
3. Để khô tự nhiên.
4. Cố định lại bằng cồn.
5.Nhuộm Giemsa: Giemsa được pha loãng 1:10 với nước cất. Phủ giemsa và giữ trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch bằng nước và quan sát dưới kính hiển vi. Hạt nhân màu có thể thay đổi từ màu xanh, đỏ tím sang màu hồng. Tế bào chất nhuộm màu hơi xanh.
III. THỰC HÀNH CHẨN ĐOÁN TẾ BÀO HỌC TRONG CHUYÊN NGÀNH DA LIỄU
1. Bệnh da có bọng nước
1.1. Pemphigus:

     Trong tất cả các thể của bệnh pemphigus đều có tế bào gai lệch hình.
     Khái niệm tế bào gai lệch hình: là những tế bào biểu mô hình tròn, kích thước lớn, nhân to tròn chiếm gần 2/3 tế bào, viền nhân và viền màng tế bào rõ, nguyên sinh chất bắt màu bazơ, tạo thành vòng sáng halo quanh nhân

.


Hình 1: Tế bào gai lêch hình

     – Pemphigus vulgaris: thấy tế bào gai lệch hình.

     – Pemphigus sùi: Có tế bào gai lệch hình và bạch cầu đa nhân ái toan.

     – Pemphigus vảy lá và pemphigus da mỡ: Có tế bào gai lệch hình, trong nguyên sinh chất thường chứa hyalinized  nhạt màu.
1.2. Độc tính hoại tử biểu bì (TEN), hội chứng Stevens-Johnson (SJS)  và hội chứng bong vảy da do tụ cầu (SSSS).

     – TEN, hội chứng Stevens-Johnson (SJS): nhiều tế bào biểu mô thoái hóa, tế bào viêm rải rác và nguyên bào sợi.

     – SSSS: cho thấy các tế bào gai lệch hình, nguyên sinh chất hyalinized hóa với rất ít tế bào viêm.
1.3. Pemphigoid: không thấy tế bào gai lệch hình, chủ yếu bạch cầu đa nhân ái toan.
1.4. Durhing Brocq, lupus thể bọng nước: không thấy tế bào gai lệch hình, chủ yếu bạch cầu đa nhân trung tính.
1.5. Lichen phẳng thể bọng nước: rải rác lympho bào.
1.6. Viêm da tiếp xúc dị ứng: nhiều bạch cầu đa nhân ái toan.
 2. Bệnh da nhễm trùng
2.1. Herpes simplex, thủy đậu, herpes zoster: Có tế bào gai lệch hình và tế bào đa nhân khổng lồ.
Khái niệm tế bào đa nhân khổng lồ: Các tế bào kích thước rất lớn, viền bào tương mịn, nhân hợp bào (do nhiều nhân tế bào biểu mô hợp nhất). 



                              Hình 2: Tế bào đa nhân khổng lồ


2.2. Chốc:  các tế bào gai lệch hình cũng có thể được nhìn thấy nhưng chúng thường được kết hợp với nhiều bạch cầu trung tính.

2.3. U mềm lây: xuất hiện thể vùi- ưa basơ, đồng nhất, hình trứng bao quanh bởi lớp màng.


Hình 3: Thể vùi trong u mềm lây

2.4. Bệnh chân tay miệng: không thấy tế bào gai lệch hình và tế bào đa nhân khổng lồ, thấy nhiều tế bào biểu mô thoái hóa.
2.5. Đậu mùa: Có tế bào gai lệch hình bào tương ưa axit và các tế bào sừng hoại tử. 2.
2.6. Nấm dạng mụn mủ, mụn nước: xuất hiện sợi nấm và giả sợi.
2.7. Leishmaniasis: tế bào của Wright- tế bào đại thực bào với 1 nhân to lập dị và một nhân nhỏ ở cực ngược lại, nhiều động vật nguyên sinh nhóm lại với nhau như đàn ong.


Hình 4: Tế bào của Wright

3. Các bệnh liên quan đến gen
3.1.Hailey-Hailey: có nhiều tế bào gai lệch hình.
3.2.Bệnh Darier: xuất hiện thể Corp- hình tròn và thể Grain- hình dài hạt lúa là những tế bào dị sừng, có bào tương ưa axit, nhân không điển hình.
4. Khối u ở da
4.1. Ung thư tế bào đáy:  Các tế bào tập trung thành đám, bắt màu kiềm, kích thước khá đồng đều, hình trụ, có hàng tế bào rào dậu bên ngoài.


Hình 5: Tế bào học trong ung thư tế bào đáy

4.2. Ung thư biểu mô vảy: Các tế bào rời rạc nhau, nhân đa hình thái, hạt nhân to, nhiều hạt nhân, có thể có nhân chia bất thường, bào tương rộng.



                                    Hình 6: Tế bào học ung thư tế bào vảy

4.3. Bệnh Paget: Tế bào đơn lẻ hoặc tạo thành từng nhóm nhỏ, tế bào hình tròn, hình bầu dục với các tế bào có hốc sáng và một hạt nhân phì đại. Chúng xuất hiện kích thước lớn hơn tế bào sừng.
4.4. Hồng sản của Queyrat: Tế bào  đa diện, các tế bào hình tròn đa hình thái nhân, bào tương kiềm, hạt nhân rõ.
4.5. Mastocytoma: đặc biệt hữu ích cho trẻ em, hình dạng bất thường hình tam giác, đa giác, có hạt đỏ tím ở bào tương.

Hình 7: Tế bào mast trên phiến đồ tế bào

4.6.Histiocytosis X: tế bào không điển hình tế bào có kích thước lớn, bào tương xanh nhạt, nhân cuộn, hình hạt đậu, có thể chia thùy.


Hình 8: Tế bào histyocyte trên phiến đồ tế bào


IV. KẾT LUẬN:

     Tế bào học ngày càng được các bác sỹ da liễu quan tâm mặc dù không thể thay thế cho mô học. Với một bác sỹ da liễu kinh nghiệm thì tế bào học hỗ trợ nhiều cho thiết lập các chẩn đoán lâm sàng ban đầu. Tế bào học củng cố cho giải phẫu bệnh mô học. Kỹ thuật này là giá rẻ, dễ thực hiện và rất ít xâm lấn cho bệnh nhân.

Tin, bài: Ths.Bs. Lê Thị Hải Yến

Đăng tin: Phòng CNTT&GDYT


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

largeer