PHẪU THUẬT GIẢM BÉO

posted 17/11/2019 Admin

1.Định nghĩa thừa cân, béo phì

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), thừa cân và béo phì là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Chỉ số khối cơ thể – BMI (Body Mass Index) là chỉ số thường được sử dụng xác định một người có thừa cân béo phì hay không và được tính bằng cách lấy cân nặng (tính bằng kilogram) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng m). Nếu chỉ số khối cơ thể ≥ 30 (kg/m2) được định nghĩa là béo phì và nếu chỉ số này ≥ 25 (kg/m2) được định nghĩa là thừa cân.

2. Thừa cân, béo phì và các nguy cơ đối với sức khỏe

Đái tháo đường và các bệnh lý chuyển hoá: thừa cân béo phì làm gia tăng nguy cơ mất kiểm soát đường máu và các bệnh lý chuyển hoá khác như rối loạn mỡ máu.

Bệnh lý tim mạch: thừa cân béo phì liên quan chặt chẽ với các nguy cơ tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.

Bệnh lý hô hấp: nhiều bằng chứng cho thấy thừa cân, béo phì khi được điều trị sẽ cải thiện đáng kể hội chứng ngừng thở khi ngủ (một tình trạng được chứng minh làm tăng nguy cơ tăng huyết áp khó kiểm soát) và hen phế quản.

Bệnh lý xương khớp: việc phải chịu một trọng lượng cơ thể lớn trong thời gian dài làm tăng nguy cơ các bệnh lý xương khớp đặc biệt là thoái hoá khớp và có thể dẫn tới việc hạn chế vận động thể lực. Từ đó, làm tình trạng thừa cân, béo phì càng nghiêm trọng hơn do bệnh nhân ít vận động.

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: được cải thiện rõ rệt khi thừa cân, béo phì được giải quyết.

Bệnh lý gan mật: liên quan chủ yếu tới tình trạng thoái hoá mỡ ở gan không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease).

Rối loạn tâm thần: thừa cân, béo phì có thể liên quan tới một số rối loạn tâm thần như cuồng ăn tâm thần. Và ngược lại, thừa cân béo phì có thể là nguyên nhân dẫn tới một số rối loạn tâm lý, tâm thần như trầm cảm, tình trạng ngại giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội.

Bệnh lý nội tiết và sinh sản: thừa cân, béo phì có thể là thứ phát sau các bệnh lý nội tiết đặc biệt là suy giảm, Hội chứng Cushing. Ngoài ra, thừa cân béo phì cũng liên quan tới hội chứng buồng trứng đa nang – một hội chứng có thể là nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ cho mẹ và thai nhi trong thai kỳ như tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và làm tăng tỷ lệ phải mổ lấy thai.

Bệnh lý ung thư: nhiều bằng chứng cho thấy việc cải thiện tình trạng thừa cân béo phì giúp giảm nguy cơ mắc và nguy cơ tử vong của một số ung thư dạ dày – ruột, ung thư tiết niệu – sinh dục, ung thư sinh dục và ung thư máu.

3. Giải pháp cho người bị thừa cân, béo phì

Trước hết người thừa cân, béo phì cần được khám để phát hiện các bệnh lý có thể nguyên nhân của thừa cân, béo phì.

Người thừa cân, béo phì bắt buộc phải được sàng lọc các bệnh lý liên quan tới thừa cân, béo phì bao gồm các các rối loạn về tâm thần.

Giải pháp cho người thừa cân, béo phì:

  • Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt , tập luyện thể dục theo chỉ định của bác sỹ với một chế độ theo dõi, kiểm soát cân nặng chặt chẽ.
  • Sử dụng các biện pháp giảm béo an toàn và theo chỉ định của các bác sỹ chuyên khoa:
  • Với những người có tình trạng thừa cân, béo phì do tăng tích luỹ mỡ cục bộ (từng phần của cơ thể) có thể sử dụng các phương pháp giảm béo tại chỗ (như hút mỡ, tiêm chất tiêu mỡ,…).
  • Với những người có tình trạng thừa cân, béo phì do tăng tích luỹ mỡ toàn thể có thể xem xét sử dụng phẫu thuật giảm béo (bariatric surgery).

4. Phẫu thuật giảm béo

4.1 Định nghĩa

Phẫu thuật giảm béo (bariatric surgery) là phương pháp phẫu thuật để giảm diện tích của dạ dày hoặc cắt bỏ một phần dạ dày.

Có 4 kỹ thuật chính được sử dụng hiện nay:

* Phẫu thuật cắt vạt tạo dạ dày hình ống

– Kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất (chiếm 50%).

– Cắt một phần dạ dày tạo dạ dày hình ống.

– Có khả năng giảm 50-60% trọng lượng thừa của cơ thể (so với cân nặng chuẩn).

– An toàn với tỷ lệ biến chứng thấp (<1%) và không thay đổi đường ruột.

– Nhược điểm là không lấy lại được đoạn dạ dày bị cắt và có nguy cơ suy dinh dưỡng.

* Phẫu thuật nối tắt dạ dày kiểu Roux – Y

– Kỹ thuật được sử dụng nhiều thứ hai (chiếm khoảng 40%).

– Làm nhỏ lại thể tích của dạ dày (chỉ còn 50ml) bằng cách nối tắt qua một phần lớn dạ dày xuống ruột non.

– Khả năng giảm trọng lượng thừa tương tự phương pháp phẫu thuật cắt vạt dạ dày hình ống.

– Tỷ lệ rò và chảy máu ruột khoảng < 1% nhưng đây là phẫu thuật khá phức tạp đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm.

* Phẫu thuật thắt đai dạ dày

– Kỹ thuật này trước đây trở thành trào lưu nay ít được sử dụng (chiếm khoảng 7%) vì khả năng giảm cân ít hơn.

– Sử dụng đai áp lực tuỳ chỉnh ở phần cao của dạ dày để điều chỉnh lượng thức ăn vào dạ dày.

– Phương pháp này hiệu quả không cao với khả năng giảm được chỉ khoảng 20% trọng lượng thừa của cơ thể.

– Tỷ lệ biến chứng thấp <1%.

* Phẫu thuật chuyển dòng mật tuỵ

– Kỹ thuật này chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 1% trong các phẫu thuật giảm béo.

– Phương pháp này có hiệu quả giảm cân tốt nhất với khả năng giảm được khoảng 60-70% trọng lượng thừa của cơ thể.

– Tuy nhiên đây là phương pháp có nguy cơ gây suy dinh dưỡng cao nhất nên cần phải hết sức cân nhắc khi sử dụng.

4.2 Chỉ định của phẫu thuật giảm béo: khi bệnh nhân thoả mãn các tiêu chuẩn sau

  • Tuổi từ 18 – 60 tuổi.
  • Béo phì > 5 năm.
  • BMI > 40 hoặc BMI > 35 có kèm theo một trong số các tiêu chuẩn dưới đây:
  • Đái tháo đường type 2
  • Rối loạn cảm xúc, tâm lý dẫn tới ảnh hưởng tới việc tham gia các hoạt động xã hội
  • Béo phì liên quan tới hội chứng cuồng ăn tâm thần
  • Hạn chế vận động (trong trường hợp béo phì là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về khớp)
  • Bệnh lý về hô hấp như hen phế quản hoặc Hội chứng ngừng thở khi ngủ
  • Có bằng chứng không đáp ứng với việc thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt.
  • Bệnh nhân hợp tác và có khả năng duy trì chế độ ăn uống, tập luyện, theo dõi theo chỉ định của bác sỹ.

4.3 Chống chỉ định của phẫu thuật giảm béo

  • Nguy cơ cao gặp biến chứng sau phẫu thuật (như suy dinh dưỡng, chảy máu).
  • Thời gian sống thêm ngắn do các bệnh lý sẵn có (như ung thư, suy thận giai đoạn cuối, suy gan giai đoạn cuối, đái tháo đường không kiểm soát được).
  • Xơ gan.
  • Nghiện rượu.
  • Phụ thuộc thuốc (như thuốc phiện, ma tuý, chất gây nghiện khác).

Tài liệu tham khảo:

  1. De Luca M, Angrisani L, Himpens J, et al. Indications for Surgery for Obesity and Weight-Related Diseases: Position Statements from the International Federation for the Surgery of Obesity and Metabolic Disorders (IFSO). Obes Surg. 2016;26(8):1659–1696.
  2. Albaugh VL, Abumrad NN. Surgical treatment of obesity. F1000Res. 2018;7:F1000 Faculty Rev-617. Published 2018 May 21.

Bài viết: Khoa phẫu thuật thẩm mĩ – Bệnh viện Da Liễu Trung Uơng

Đăng bài: Phòng CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

largeer