Minoxidil tại chỗ và ứng dụng điều trị các bệnh lý về tóc trong chuyên ngành Da liễu

Mặc dù đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu hơn 30 năm, song cho đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ về cơ chế của minoxidil tại chỗ trong việc kích thích mọc tóc.Ban đầu minoxidil được sử dụng dưới dạng uống để điều trị tình trạng tăng huyết áp nặng và kháng điều trị vào những năm 70. Sau đó, các bác sỹ đã quan sát thấy hiện tượng tăng mọc tóc và rậm lông ở các bệnh nhân hói đầu khi sử dụng thuốc này, từ đó dẫn đến việc phát triển dạng minoxidil sử dụng tại chỗđể điều trị rụng tóc androgen ở nam và nữ nhằm giảm tác dụng không mong muốn toàn thân. Dung dịch minoxidil 2% lần đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 1986, sau đó là dung dịch minoxidil 5% xuất hiện trên thị trường vào năm 1993.

Cơ chế hoạt động của minoxidil tại chỗ

Minoxidil là dẫn xuất của piperidin-pyrimidine với công thức hoá họcC9H15N5O. Có giả thiết cho rằng minoxidil có khả năng làm mở kênh kali ở phần cơ trơn của động mạch ngoại vi làm phân cực hoá màng tế bào. Kênh kali hoạt động là yếu tố cần thiết đểbắt đầu giai đoạn G1 trong chu kỳ tế bào, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tổng hợp ADN, tăng sinh tế bào ở giai đoạn sớm, kích thích tế bào gốc nang lông tăng sinh và biệt hoá.Hơn thế nữa, tác dụng ở kênh kali gây giãn mạch của minoxidil làm tăng cung cấp oxy, máu và dinh dưỡng cho các nang tóc.Nghiên cứu trên chuột của Mori và Uno, minoxidil dạng dung dịch làm ngắn giai đoạn telogen còn 1-2 ngày trong khi giai đoạn này kéo dài đến 20 ngày ở các con chuột không điều trị. Điều này cho thấy minoxidil kích thích các tế bào gốc nang tóc chuyển từ giai đoạn telogen nhanh chóng sang giai đoạn anagen. Một số nghiên cứu khác cho thấy minoxidil làm tăng yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF), kích thích tăng sản xuất prostaglandin E2 làm tăng sinh nang tóc, kéo dài giai đoạn anagen.

Minoxidil có tác dụng dưới dạng chất chuyển hoá là minoxidil sulfate nhờ emzyme sulfotransferase, emzyme này khu trú tại các nang lông. Emzyme sulfotransferase hoạt động càng mạnh thì khả năng đáp ứng với minoxidil càng tốt. Đáp ứng điều trị với minoxidil tại chỗ ở bệnh nhân rụng tóc androgen có thể được dự đoán bằng cách đo hoạt tính của sulfotransferase trong nang lông. Các công ty đã sản xuất dung dịch minoxidil sulfate với mục đích tăng hiệu quả điều trị và sử dụng trên đối tượng có emzyme sulfotransferase kém hoạt động song hiệu quả điều trị của dung dịch minoxidil sulfate còn kém do hoạt chất không bền và trọng lượng phân tử cao, khó hấp thu.

Minoxidil dạng dung dịch chứa tá dược là nước, cồn và propylene glycol. Propylene glycol là chất có tác dụng dẫn thuốc đến các nang lông song nó hay gây các kích ứng tại chỗ, do đó sau này minoxidil dạng bọt không chứa propylen glycol được sản xuất để hạn chế tác dụng phụ của chất này. Minoxidil dạng bọt làm tăng khả năng hấp thụ thuốc và giảm kích ứng hơn so với minoxidil dạng dung dịch. Đồng thời, minoxidil dạng bọt khô nhanh hơn, hạn chế lan ra vùng da xung quanh khi dùng. Mức độ hấp thu thuốc phụ thuộc vào nồng độ thuốc, số lần dùng, và sự thương tổn hàng rào chức năng lớp sừng.

Ứng dụng của minoxidil tại chỗ trong các bệnh lý về tóc

Hiện nay, minoxidil tại chỗ chỉ được FDA chấp thuận trong điều trị rụng tóc androgen ở cả nam và nữ, tuy nhiên thuốc còn được sử dụng rộng rãi hơn với vai trò kết hợp trong điều trị nhiều dạng rụng tóc khác. Dùng minoxidil dạng uống cũng có thể hiệu quả trong điều trị rụng tóc song các tác dụng phụ có thể như rậm lông mặt, mệt mỏi, thay đổi huyết áp, bệnh lý tim mạch. Do đó, các tác giả cũng khuyến cáo hiệu quả của minoxidil đường uống không tương xứng với các tác dụng không mong muốn có nguy cơ gặp phải. Minoxidil tại chỗ là một lựa chọn an toàn trong nhiều vấn đề về tóc bao gồm:

  • Rụng tóc androgen
  • Rụng tóc từng vùng
  • Rụng tóc có sẹo
  • Rụng tóc giai đoạn ngừng phát triển tóc mạn tính
  • Rụng tóc do hoá trị
  • Bệnh lý của thân tóc (bệnh tóc chuỗi hạt, hội chứng rụng tóc anagen)
  • Cấy tóc
  • Kích thích mọc râu, lông mày.

Rụng tóc androgen

Rụng tóc androgen là rụng tóc không sẹo, sợi tóc mỏng dần. Hình thái điển hình ở đàn ông là hình chữ M, hói vùng trán và đỉnh đầu. Hình thái rụng tóc ở phụ nữ làtóc thưa trên toàn bộ da đầu, chủ yếu vùng đỉnh hoặc rụng tóc hình cây thông noel ở vùng trán và đỉnh, thường không gây hói toàn bộ.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy cho thấy sự cải thiện về mật độ tóc,đường kính sợi tóc hơn so với nhóm chứng ở các bệnh nhân rụng tóc androgen sử dụng minoxidil tại chỗ với các nồng độ khác nhau. Ở nam giới,  minoxidil dung dịch 5% có sự cải thiện tốt hơn về mật độ tóc so với dung dịch minoxidil 2% . Các nghiên cứu cũng cho thấy, nữ giới đáp ứng tốt hơn so với nam giới có thể do ở nữ số lượng nang lông nhạy cảm với minoxidil sulfate nhiều hơn. Ở nữ giới, có sự cải thiện mọc tóc khi dùng dung dịch minoxidil nồng độ 2% và 5% như nhau, tuy nhiên khi dùng dung dịch 5% có tác dụng không mong muốn như viêm da tiếp xúc, đau đầu, rậm lông nhiều hơn 2%. Rậm lông là tác dụng không mong muốn rất đáng lưu ý ở nữ giới, do đó dung dịch minoxidil 2% hay được sử dụng hơn. Trong một nghiên cứu khác hiệu quả sử dụng minoxidil 5% dạng bọt 1 lần/ngày tương tự như khi sử dụng dạng dung dịch 2%, 2 lần/ngày và phụ nữ thích sử dụng dạng bọt hơn do việc dùng 1 lần/ngày dạng bọt sẽ không ảnh hưởng đến việc để kiểu tóc của họ, ít ngứa, ít gàu hơn.

Để việc sử dụng đạt hiệu quả tối, minoxidil nên được bôi đồng đều cho toàn bộ vùng tóc thưa của da đầu với liều dùng:

  • Dạng dung dịch tại chỗ: sử dụng 1ml ( tương đương với 16 giọt hoặc 6 nhát xịt) cho da đầu x 2 lần/ ngày, không sử dụng quá 2ml/ngày.
  • Dạng bọt tại chỗ : sử dụng ½ nắp chai vào da đầu 2 lần/ ngày.

Bệnh nhân nên tránh làm ướt da đầu trong ít nhất 1 giờ sau khi dùng minoxidil để thuốc hấp thụ đủ thời gian. Ngoài ra, bệnh nhân nên sử dụng minoxidil trước khi sử dụng gel vuốt tóc hoặc keo xịt tóc để không ảnh hưởng tới sự hấp thụ thuốc. Hiệu quả kích thích mọc tóc sẽ thấy sau ít nhất 4 tháng sử dụng thuốc vàcần dùng minoxidil hàng ngày, kéo dài để duy trì hiệu quả, tóc sẽ rụng trở lại sau 3-4 tháng dừng thuốc. Có thể có hiện tượng tăng rụng tóc tạm thời sau 3-5 tuần dùng thuốc do nang tóc cũ chuyển sang giai đoạn dừng phát triển để nang tóc mới mọc. Không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Rụng tóc từng vùng

Rụng tóc từng vùng là bệnh lý tự miễn với tình trạng rụng tóc không sẹo từ mức độ từng mảng nhỏ cho tới rụng tóc toàn thể da đầu hay nặng nhất là rụng tóc toàn thân. Có nhiều biện pháp điều trị được dùng để điều trị dù không được FDA chấp thuận trong đó có minoxidil.

Các nghiên cứu cho thấy sử dụng minoxidil tại chỗ đơn thuần không có hiệu quả đáng kể trong điều trị rụng tóc từng mảng, cần sử dụng minoxidil như là một thuốc kết hợp để có hiệu quả điều trị. Minoxidil 5mg dạng uống cũng đã được sử dụng để điều trị rụng tóc từng vùng cho thấy hiệu quả cải thiện tóc mọc hơn so với sử dụng minoxidil 5% tại chỗ song có các tác dụng không mong muốn gồm giữ nước, bệnh lý tim mạch, đau đầu, rậm lông.

Rụng tóc có sẹo

Rụng tóc có sẹo do các tổn thương gây phá hủy nang tóc. Các thương tổn này có thể là nguyên phát gồm một nhóm các bệnh lý tự phát, đặc trưng bởi tiến trình viêm trung tâm nang tóc hoặc thứ phát do phản ứng viêm của da đầu hoặc bởi chấn thương vật lý – làm tổn thương da và phần phụ của da.

Rụng tóc có sẹo cần được điều trị sớm, mục đích điều trị để bảo toàn nang tóc và giảm tiến triển bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng minoxidil đơn thuần hầu như không có hiệu quả trong điều trị các thể bệnh rụng tóc có sẹo, có thể sử dụng minoxidil như là một thuốc kết hợp trong điều trị các tình trạng bệnh lý rụng tóc có sẹo để làm tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Rụng tóc giai đoạn dừng phát triển của tóc mạn tính (Chronic telogen effluvium)

Rụng tóc giai đoạn dừng phát triển của tóc là tình trạng rụng tóc không sẹo phổ biến. Các yếu tố nguy cơ như sau sinh, ốm nặng, phẫu thuật, ăn kiêng, dùng thuốc… Rụng tóc ở giai đoạn dừng phát triển kéo dài trên 6 tháng được gọi là mạn tính. Việc sử dụng minoxidil trong thực tế lâm sàng còn ít do việc sử dụng thuốc với diện tích rộng trên da đầu gây các tác dụng không mong muốn. Dùng minoxidil dạng uống cũng có thể hiệu quả trong điều trị rụng tóc song các tác dụng phụ có thể như rậm lông mặt, mệt mỏi, thay đổi huyết áp, bệnh lý tim mạch. Do đó, các tác giả cũng khuyến cáo hiệu quả của minoxidil đường uống không tương xứng với các tác dụng không mong muốn có nguy cơ gặp phải.

 

Bệnh tóc hình chuỗi hạt(monilethrix)

Bệnh tóc chuỗi hạt là bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường đặc trưng bởi hiện tượng có những nốt đều đặn dọc theo chiều dài sợi tóc, tóc khô giòn, bị đứt gãy với những độ dài khác nhau. Vị trí gặp chủ yếu là ở da đầu nhất là vùng đỉnh, chẩm. Có báo cáo cho thấy sử dụng dung dịch minoxidil 2% 1ml, dùng 2 lần/ngày trong 1 năm có khả năng cải thiện tóc mọc đối với bệnh nhân bị bệnh tóc hình chuỗi hạt. Hiệu quả này có thể do tác dụng kéo dài giai đoạn anagen của minoxidil. Tuy nhiên cần theo dõi cẩn thận các tác dụng không mong muốn khi dùng minoxidil trên trẻ em.

Hội chứng rụng tóc anagen ngắn (LAS)

Hội chứng rụng tóc anagen ngắn là bệnh bẩm sinh, đặc trưng bởi tóc ngắn và tóc tơ liên tục từ khi sinh ra, do giảm thời gian giai đoạn anagen. Báo cáo cho thấy bé gái 2 tuổimắc hội chứng LAS sử dụng minoxidil 5% tại chỗ trong thời gian 20 tháng liên tục có cải thiện tình trạng rụng tóc và mọc tóc, hiệu quả này kéo dài đến 28 tháng sau khi dừng thuốc mà không có tác dụng phụ nào.

Rụng tóc do hoá trị liệu

Rụng tóc là một trong những tác dụng không mong muốn hay gặp, tỉ lệ xuất hiện khoảng 65% các bệnh nhân hoá trị, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Đôi khi đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân không chấp nhận hoa trị do lo ngại tác dụng không mong muốn ngày, nhất là đối với bệnh nhân là nữ giới. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được thực hiện bởi Duvic và cs cho thấy bôi dung dịch minoxidil 1 ml 2% cho toàn bộ da đầu 2 lần/ngày rút ngắn thời gian rụng tóc khoảng 50 ngày. Tuy nhiên, minoxidil dung dịch 2% không có hiệu quả trong ngăn ngừa rụng tóc ở các bệnh nhân có khối u phụ khoa ác tính trị bằng hóa trị liệu bằng doxorubicin. Một nghiên cứu khác ở bệnh nhân ung thư vú bôi dung dịch minoxidil 5% 2 lần/ngày, không có sự mọc lại tóc thỏa đáng sau 6 tháng điều trị.Do đó, vẫn chưa khẳng định được hiệu quả thực sự của minoxidil trong điều trị và điều trị dự phòng rụng tóc do hóa trị.

Cấy tóc

Cấy tóc là một biện pháp lựa chọn tiếp theo đối với nhiều dạng rụng tóc không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa ở cả nam và nữ. Bệnh nhân sẽ được cấy tóc lấy từ vùng an toàn có tóc vĩnh viễn vào vùng tóc rụng bằng 2 kĩ thuật chính là kĩ thuật cấy dải nang tóc (FTU) hoặc kĩ thuật lấy từng đơn vị nang tóc(FUE). Cấy tóc làm tăng mật độ tóc, đường kính sợi tóc, cải thiệnrõ rệt về thẩm mỹ ở các bệnh nhân rụng tóc. Tuy nhiên thường có hiện tượng rụng tóc 1-4 tuần sau cấy do các nang tóc bước vào giai đoạn ngừng phát triển (telogen) để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, tóc sẽ mọc trở lại sau khoảng 4 tháng và tiếp tục phát triển cả về số lượng và kích thước. Minoxidil tại chỗ được sử dụng là một trong các biện pháp kết hợp để giảm tình trạng rụng tóc sau phẫu thuật cấy tóc và kích thích mọc tóc.

Kích thích mọc lông mày, râu

Râu là phần nang lông tập trung ở vùng cằm và taọ nên vẻ nam tính ở đàn ông còn lông mày là một phần quan trọng trong việc định hình vẻ đẹp của khuôn mặt, nhất là phụ nữ. Tương tự như khi dùng trên da đầu có tác dụng đối với các nang lông, kích thích mọc tóc, minoxidil cũng được kì vọng có tác dụng kích thích mọc lông mày, râu trên khuôn mặt. Một thử nghiệm lâm sàng, mù đôi, ngẫu nhiên đối chứng được thực hiện trên 40 người tình nguyện có lông mày thưa, một bên lông mày được sử dụng minoxidil 2%, một bên lông mày không dùng sản phẩm nào làm chứng. Sau 16 tuần thử nghiệm, bên lông mày thưa được sử dụng minoxidil 2% có cải thiện hơn đáng kể so với bên chứng. Tác dụng không mong muốn ít và được người thử nghiệm chấp nhận. Nghiên cứu thực hiện năm 2016 cho thấy nhóm sử dụng minoxidil 3% có hiệu quả gây mọc râu tốt hơn một ít so với nhóm chứng. Tuy nhiên, những người được sử dụng minoxidil trên mặt cần thận trọng để tránh thuốc vào mắt, gây kích ứng kết mạc, giác mạc.

Tác dụng không mong muốn của minoxidil tại chỗ

Sử dụng minoxidil tại chỗ tương đối an toàn, tuy nhiên một số tác dụng không mong muốn được báo cáo sau khi sử dụng.

Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc kích ứng. Tác dụng này gặp nhiều hơn khi dùng minoxidil nồng độ cao hơn.

Viêm da tiếp xúc dị ứng cũng có thể gặp do dị ứng với tá dược như propylene glycol hoặc với chính minoxidil. Ở các cơ sở y tế có điều kiện, bệnh nhân nên được làm test áp trước khi sử dụng để tìm ra dị nguyên, tránh sử dụng sản phẩm chứa chất gây dị ứng.

Một tác dụng không mong muốn đáng lưu ý là rậm lông. Mức độ nặng của rậm lông phụ thuộc vào nồng độ minoxidil sử dụng, nhiều nhất gặp ở các bệnh nhân sử dụng minoxidil 5%. Rậm lông có thể ở mặt, cánh tay, chân và sẽ tự giảm đi sau khi dừng thuốc vài tháng.Các nghiên cứu nhận định việc sử dụng quá liều minoxidil tại chỗ dẫn đến hấp thụ minoxidil toàn thân gây nên các tình trạng rậm lông tại vùng không điều trị.Liều sử dụng bôi 2 lần/ngày không thấy tác dụng không mong muốn toàn thân như hạ huyết áp, tăng cân, rối loại nhịp tim.

Một số tác dụng không mong muốn khác khi dùng minoxidil tại chỗ được báo cáo như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, phù mặt, chân, rụng tóc nhiều hơn tạm thời từ 1-2 tháng,…

Kết luận

Minoxidil là một loại thuốc phổ biến được các bác sỹ da liễu sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến rụng tóc. Đến nay, FDA đã phê duyệt minoxidil cho điều trị rụng tóc androgen nam và nữ. Tuy nhiên, minoxidil tại chỗ còn cho thấy hiệu quả đáng kể và tương đối an toàn khi được sử dụng để điều trị một số tình trạng bệnh lý về tóc khác cũng như làm tăng sự phát triển của lông tóc trên cơ thể.

Tài liệu tham khảo

  1. Blume paytavie, 2011, a randomized single blind trial of 5% minoxidil foam once daily versus 2% minoxidil solution twice daily in the treatment adrogenetic alopecia in women. J Am Acad Dermatol .
  2. Poonkiat Suchonwanit, 2019, Minoxidil and Its Use in Hair Disorders: A Review, Drug Des Devel Ther, 9;13:2777-2786.
  3. Lee S, 2014, Minoxidil 2% lotion for eyebrow enhancement: A randomized, double-blind, placebo-controlled, split-face comparative study
  4. Ingprasert S, 2016, Efficacy and safety of minoxidil 3% lotion for beard enhancement: A randomized, double-masked, placebo-controlled study.
  5. A Randomized Trial of Minoxidil in Chemotherapy-Induced Alopecia,1996,J Am Acad DermatolJul;35(1):74-8.
  6. Marc R Avram, 2002, The Potential Role of Minoxidil in the Hair Transplantation Setting, Dermatol Surg, 28(10):894-900

Bài viết: BS Quách Thị Hà Giang

Đăng bài: Phòng CTXH