Chàng trai phải hóa "ninja" khi ra nắng vì căn bệnh 1 triệu người trên thế giới mắc

posted 16/06/2019 Admin

 Phát hiện bệnh từ 9 tuổi, Thắng sợ ánh nắng mặt trời, không dám tắm biển, ra đường phải bịt kín mít.

Năm học lớp 4, Trần Văn Thắng (SN 2001) bỗng thấy trên da nổi một chấm nhỏ màu trắng hồng bằng cúc áo ở mắt cá chân. Mẹ em nghi con bị lang ben nên không bôi thuốc. Mãi đến khi vết trắng lan rộng, thêm vài điểm như bị lột da, hai mẹ con đưa nhau đi khám ở Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Cậu bé quê Đan Phượng, Hà Nội được kết luận bị bạch biến – một loại bệnh chưa thể xác định chính xác nguyên nhân mà chính gia đình em chưa bao giờ nghe thông tin.

Trên cơ thể cứ dần xuất hiện lỗ chỗ những vết da bị bào mòn khiến Thắng không dám đi tắm biển. Bệnh kỵ tiếp xúc nhiều với ánh nắng nên mỗi lần ra ngoài, chàng thanh niên này lại phải bọc kín như “ninja” dù đã bôi nhiều lớp kem chống nắng.

Vết bạch biến trên da

“Mỗi lần tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, những vùng trắng nhỏ sẽ lan rộng, trắng hơn” – Thắng nói. Thời gian gần đây, em được điều trị tại nhà, bôi thuốc, uống thuốc và chiếu liệu pháp ánh sáng. Tin vui cho em là nhiều vết bạch biến trên cơ thể đã mờ dần, trở về gần với màu da thật.

Vượt qua những tự ti về ngoại hình của bản thân khi mắc bệnh, Thắng nói quyết tâm thi vào trường Đại học Văn hoá, chuyên ngành Du lịch để chiến thắng bản thân, bởi ngành này đòi hỏi yếu tố bên ngoài nhiều.

PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết hiện trên thế giới có hơn 1 triệu người mắc căn bệnh này. Cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc nào trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Ở Việt Nam dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính tỷ lệ bạch biến khoảng 0,5% dân số.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, BS Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, hiện một ngày bệnh viện điều trị khoảng 30 bệnh nhân bạch biến bằng liệu pháp chiếu ánh sáng và thuốc bôi.

Bạch biến do đâu mà có?

Về nguyên nhân gây bệnh, BS Tâm cho hay bạch biến có thể liên quan tới bệnh lý tự miễn. Cụ thể, trong máu của bệnh nhân xuất hiện kháng thể chống lại tế bào hắc tố. Không chỉ thế, tại chỗ tế bào lympho T biểu hiện ở da hoạt động quá mức cũng gây ra tình trạng chết tế bào hắc tố khiến da xuất hiện đốm trắng.

BS Hoàng Văn Tâm khám cho bệnh nhân Thắng

Gần đây, các nhà khoa học đề cập bạch biến là bệnh lý liên quan virus. Trong một số trường hợp những đối tượng làm việc trong môi trường có nhiều chất tẩy trắng da dễ xuất hiện bạch biến hơn những công nhân làm nghề thuộc da hay nhuộm tóc… Yếu tố gia đình, di truyền cũng được nhắc đến.

Một số bệnh nhân bạch biến có ảnh hưởng đến bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường, lupus ban đỏ hệ thống, mắt. Nếu những người trên 40 đến khám bạch biến, các bác sĩ sẽ chỉ định tầm soát các bệnh toàn thân này. Còn người trẻ hơn mắc bệnh bạch biến, cần quản lý tốt các bệnh lý đặc biệt là tuyến giáp (như basedow). Việc kiểm soát các bệnh lý này tốt sẽ giúp điều trị bạch biến dễ hơn.

Phương pháp chiếu ánh sáng đang được áp dụng rộng rãi ở Bệnh viện Da liễu Trung ương

Để điều trị, ở Việt Nam hiện áp dụng phương pháp bôi, uống thuốc chống oxy hoá, chiếu ánh sáng. Ngoài ra, trên thế giới còn có ghép da, nhưng ở Việt Nam hiện chưa phổ biến. BS Tâm cho hay có tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân bị bạch biến một thời gian tự xuất hiện, tự mờ dần và tự khỏi.

Về cơ bản, bạch biến không ảnh hưởng nội tạng, chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống. Trong giao tiếp bình thường, bản thân họ mất tự tin, không gây thiện cảm với người đối diện. Cuộc sống vợ chồng, gia đình, công việc… cũng bị ảnh hưởng bởi bệnh này.

Những ai có nguy cơ cao bị bệnh bạch biến?

Bạch biến được xác định là có tính chất gia đình, môi trường. Người sinh ra trong gia đình có tiền sử bạch biến thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Cụ thể, tỷ lệ di truyền trong bạch biến phụ thuộc thể lâm sàng và chủng tộc. Thể đoạn (chỉ một bên cơ thể), bạch biến tiến triển nhanh, xuất hiện sớm từ trẻ nhỏ, ổn định sớm, duy trì lâu dài. Với thể này, tỷ lệ di truyền cao, (10-20%). Còn ở thể thông thường (bạch biến khắp nơi trên cơ thể), tỷ lệ di truyền thấp hơn (dưới 10%).

Theo BS Tâm, không có bằng chứng khoa học cụ thể nào nói tuổi bao nhiêu bệnh nhân sẽ xuất hiện bạch biến. Nhưng thường bệnh xuất hiện ở người trẻ, nhiều trường hợp trẻ nhỏ (từ 1 tuổi) cũng xuất hiện bệnh.

“Rất hiếm khi bệnh xuất hiện từ lúc trẻ mới sinh. Nếu xuất hiện đốm trắng giống bạch biến lúc mới sinh khả năng cao là giảm sắc tố bẩm sinh” – BS Tâm cho hay.

Bệnh có thể xuất hiện từ lúc trẻ 1 tuổi đến khi già, dấu hiệu sớm nào nhận biết?

Dấu hiệu sớm đối với bệnh bạch biến rất đơn giản, khi trên da xuất hiện đốm trắng. Lúc này, gia đình nên đưa bệnh nhân đi khám da liễu sớm để xác định bệnh lý.

“Rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng người bệnh trắng hơn, như giang mai, lang ben, ung thư tế bào hắc tố giảm sắc tố, u lympho T (ung thư tế bào máu), phong, bớt thiếu máu…Nhưng phải đi khám, xét nghiệm để loại trừ các bệnh” – chuyên gia về bạch biến Hoàng Văn Tâm cho hay.

Sai lầm nào trong điều trị hay mắc phải?

Không ít bệnh nhân bị bạch biến tự áp dụng cho mình chế độ ăn ngặt nghèo không có cơ sở. Họ kiêng cữ rất nhiều món như trứng, các đồ tanh… Đây là sai lầm đầu tiên.

Ngoài ra, một bộ phận bệnh nhân khi thấy xuất hiện đốm trắng, tự chẩn đoán mình bị bạch biến rồi tìm trên mạng thông tin, tự mua thuốc bôi, uống mà không biết là thuốc gì, bệnh gì. Không ít bệnh nhân vì tự chữa bệnh nên gặp tác dụng phụ.

Nhóm sai lầm thứ 3 mà các bác sĩ thường xuyên gặp với bệnh nhân bạch biến là họ biết rõ bệnh nhưng lại nghe mách thuốc bôi không rõ tên tuổi, nguồn gốc.

“Thuốc bôi bạch biến có chứa corticoid, đáng ra bôi ở thân mình thì bệnh nhân lại bôi trên mặt, với liều không đúng chỉ định gây tác dụng phụ, biến chứng như đỏ da, teo da, giãn mạch, thậm chí phải lệ thuộc vào thuốc. Corticoid có thời hạn bôi cụ thể, cách sử dụng khác nhau, dùng tự ý, không chỉ biến chứng trên da mà còn các bệnh khác như suy tuyến thượng thận, tiểu đường, đục thuỷ tinh thể” – BS Hoàng Văn Tâm nói.

Cuối cùng, một nhóm bệnh nhân đã biết bệnh, đến viện khám và điều trị nhưng dùng 1-2 lần, bôi vài tuần, vài tháng không thấy tác dụng như kỳ vọng nên đi chỗ khác.

Điều này theo các bác sĩ là không nên bởi thuốc da liễu phải cần thời gian, có thể từ 1-2 tháng đến vài năm. Có những bệnh nhân áp dụng các phương pháp điều trị, phải chờ 1-2 năm để bác sĩ đánh giá có nên ghép da hay không.

Hưởng ứng Hội nghị Bạch biến Thế giới (25/6), Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức chương trình miễn phí công khám và tư vấn cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch biến trên cả nước. Các bác sỹ của bệnh viện sẽ khám từ 7 giờ – 16 giờ 30 phút, từ thứ Hai (17/6) đến hết thứ Sáu (28/6), không tính thứ Bảy và Chủ nhật.

(Nguồn: Báo Giadinh.net)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

largeer